Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Lời giải nào cho bài toán tái canh cà phê ở Tây Nguyên - Tháo nút thắt vốn đầu tư (Bài 2)

Lê Hường - 10:23, 30/10/2020

Tái canh cà phê là việc làm cấp bách để nâng cao giá trị cà phê Việt, góp phần đưa Tây Nguyên phát triển, từ đó tạo “cú hích” giảm nghèo cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Tuy nhiên, việc nông dân khó tiếp cận các nguồn vốn chính sách để tái canh cây cà phê đang là bài toán khó, cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh bài bản về quy định, điều kiện, thì mới có thể giải quyết được...

Lời giải nào cho bài toán tái canh cà phê ở Tây Nguyên?

Nông dân khó tiếp cận vốn

Tỉnh Đăk Lăk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất vùng Tây Nguyên, với gần 210.000ha chiếm 62,06% trong tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Tính đến tháng 9/2020, Đăk Lăk đã tái canh được 35.408ha/41.587ha cây cà phê, đạt 85,14% kế hoạch. Hiện tại, toàn tỉnh vẫn còn 6.179ha cây cà phê cần tái canh.

Mới đây, phóng viên có chuyến công tác tìm hiểu thực tế ở một số địa bàn đều nhận thấy, nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tái canh cà phê, do nhiều nguyên nhân như thủ tục vay vốn rườm rà, vốn vay cấp thành nhiều đợt, phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… liên quan đến từng công việc trong từng giai đoạn thực hiện trồng tái canh.

Ngoài ra, các nông hộ vay vốn còn phải có giấy xác nhận đủ điều kiện trồng tái canh, diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch được tỉnh phê duyệt, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật trồng tái canh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành, cấm không trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê trồng tái canh và buộc các nông hộ phải thế chấp tài sản bảo đảm là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)…

Gia đình ông Y Loan Bdap ở buôn Khít, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin có hơn 1ha cà phê đã hơn 20 năm, cây đã già nên năng suất rất thấp. Ông đã đăng ký tham gia vay gói tái canh. Tuy nhiên, do diện tích cà phê có trồng xen tiêu, nên không đủ điều kiện để vay vốn. Không có vốn đầu tư, ông loay hoay vay mượn rồi tái canh một phần diện tích. Khi cà phê tái canh cho thu hoạch ông tiếp tục tái canh hết vườn.

Không riêng gia đình ông Y Loan Bdap, hầu hết nông dân trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đều trồng xen canh các loại cây ăn trái, hồ tiêu để tăng thêm thu nhập trong thời gian dài tái canh. Song theo quy định, thì diện tích cà phê xen canh lại không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi tái canh cà phê.

Tuy nhiên, vừa qua trong chuyến công tác tại Đăk Lăk, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thăm quan một số mô hình cà phê trồng xen canh cây ăn quả. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lại đánh giá rất cao hiệu quả của các mô hình kinh tế, cũng như sự năng động, sáng tạo của nông dân địa phương. Bởi các loại cây ăn quả không chỉ tăng thu nhập mà còn che bóng mát cho cà phê làm tăng hiệu quả kinh tế kép cho vườn cây.

Cần điều chỉnh chương trình cho vay

Theo tính toán, để tái canh 1ha cà phê, cần khoảng 150 - 250 triệu đồng. Đây là khoản vốn tương đối lớn đối với nông dân, chưa kể thời gian tái canh kéo dài đến 5 - 6 năm cà phê mới cho thu hoạch. Trong khoảng thời gian này, người dân mất nguồn thu nhập chính cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi nguồn vốn tái canh khó tiếp cận, hầu hết nông dân tự chủ động về vốn để tái canh và chính vì thiếu vốn, nông dân không thể thực hiện đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến thất bại, khó lại chồng khó.

Vợ chồng chị H’Chiu Ktla, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar ra ở riêng được gia đình cho hơn 3 sào cà phê già cỗi, đầu tư lớn mà năng suất thấp. Gia đình chị rất muốn tái canh, trồng mới để tăng năng suất cà phê, nhưng không có vốn. Mấy năm trước, chị cũng đăng ký tham gia, nhưng lúc đó vườn cà phê không có sổ đỏ không vay được vốn; đến khi có sổ đỏ thì chị đã trồng xen canh bơ, sầu riêng nên cũng không được vay vốn ưu đãi.

Thông tin về nguyên nhân nông dân khó tiếp cận vốn tái canh, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, do hầu hết nông dân đang thế chấp tài sản để vay vốn tại ngân hàng khác, chưa có khả năng trả hết nợ cũ để thực hiện vay gói tái canh cà phê; việc giải ngân vốn vay tái canh cà phê, theo quy định thực hiện theo tiến độ tái canh, nhưng các hộ có nhu cầu giải ngân vốn vay 1 lần; Ngoài ra, lãi suất cho vay theo chương trình tái canh cà phê thực sự cũng thấp hơn không đáng kể so với lãi suất vay vốn khác.

“Tái canh cây cà phê theo hướng sản xuất bền vững là mục tiêu của các nhà quản lý và cũng là mong muốn của nông dân. Tuy nhiên, chúng ta cần nhanh chóng điều chỉnh quy định, tháo gỡ khó khăn để nông dân tiếp cận được với nguồn vốn tái canh dễ dàng hơn”, ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.