Tây Nguyên được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích chiếm 90% cà phê cả nước...; toàn vùng có khoảng 603.000ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh, trong đó có khoảng 30% diện tích cà phê già cỗi, tương ứng khoảng 180.000ha cà phê cần tái canh.
Gia tăng diện tích cà phê già
Cà phê là nông sản XK chủ lực, mỗi năm mang về khoảng 2 tỷ USD chiếm khoảng 10% kim ngạch XK cả nước. Hiện nay, hàng nghìn ha cà phê già cỗi chưa được cải tạo, thì một diện tích lớn cà phê khác lại đang tiếp tục bước vào “tuổi già”.
Để giải cứu cà phê trước nguy cơ già hóa, từ chủ trương tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các tỉnh ban hành hướng dẫn, các địa phương có cơ chế, chính sách, phục vụ việc tái canh. Đặc biệt là Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đồng thuận thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể, qua đó, nhiều diện tích cà phê tái canh đã cho kết quả khả quan về năng suất, chất lượng.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 6/2019, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên là 118.202ha, đạt trên 98,5% kế hoạch. Chương trình tái canh cà phê đã làm trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp, góp phần tăng năng suất, sản lượng chất lượng cà phê hạt...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc tiếp cận được với các chính sách tái canh cây cà phê, chủ yếu là tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia trồng cà phê; còn các nông hộ - nắm giữ số lượng không nhỏ diện tích cà phê đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là một trong những lý do, diện tích cây cà phê già cỗi cần tái canh có chiều hướng tăng lên và kết quả chương trình tái canh vẫn còn hạn chế.
Nông dân loay hoay tái canh
Cư M’gar là địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh Đăk Lăk và cũng là huyện đi đầu trong thực hiện chương trình tái canh cà phê. Theo báo cáo, giai đoạn 2010 - 2020, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 16.000ha cà phê cần được chuyển đổi và tái canh. Đến nay, đã tái canh được 5.700ha đạt 57% kế hoạch.
Xã Cư Suê có hơn 60% đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu dân tộc Ê Đê, với kinh tế chủ lực là cây cà phê. Tuy nhiên, diện tích cà phê già cỗi đang ngày càng nhiều, nên năng suất không cao. Anh Y Mai Niê ở buôn Sứt M’đưng cho biết, gia đình anh có 2 vườn với 1ha cà phê. Những năm 90 trở về trước, mỗi năm gia đình anh thu khoảng 4 - 5 tấn cà phê nhân; sau khi bán, trừ chi phí vẫn còn tích lũy được tiền. Nhưng sản lượng, chất lượng cà phê giảm dần, không đủ chi phí, gia đình buộc phải tái canh, nhưng vốn đầu tư lớn. Gia đình không có sổ đỏ thế chấp nên không vay được ngân hàng. Vay theo chương trình tái canh thì thủ tục rườm rà.
Năm 2017, anh quyết định vay tiền đại lý thu mua nông sản, thuê máy đào cây, múc hố; sau đó để đất nghỉ 3 năm, anh lại vay tiền mua cây giống, phân bón để trồng. Tổng chi phí tái canh cả 2 vườn khoảng hơn 100 triệu đồng. Đến nay, một vườn trồng tái canh bước vào năm thứ 2, một vườn mới trồng hồi đầu năm.
Ông Y Đinh Êban, cộng tác viên khuyến nông buôn Sứt M’đưng chia sẻ: Người dân trong buôn chủ yếu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thời hạn vay ngắn, khoảng 3 năm. Mức vay cố định cũng chỉ được 30 triệu đồng/hộ, nên bà con muốn tái canh phải xoay bằng những nguồn khác.
Được biết, mỗi ha cà phê tái canh cần 150 - 180 triệu đồng. Tuy nhiên, nông dân đang khó tiếp cận nguồn vốn này. Bên cạnh đó, việc nắm bắt kỹ thuật canh tác, chăm sóc cà phê, quy trình thực hiện tái canh của người dân, nhất là đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế nên hiệu quả tái canh chưa cao. Những vướng mắc, khó khăn này cần được tháo gỡ...