Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giải pháp nào bảo tồn văn hóa cồng chiêng?

PV - 13:43, 15/11/2018

Gần 10 năm kể từ hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về không gian văn hóa cồng chiêng diễn ra tại TP. Pleiku (tháng 11-2009), đến nay, đời sống kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên có nhiều đổi thay, tác động không nhỏ đến việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Chúng ta thử nhìn lại những đề xuất tại hội thảo trên được vận dụng như thế nào trong thời gian qua.

Nhiều người tâm huyết với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cho rằng, việc bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng là bài toán khó. GS. Oscar Salemink (Đại học VU Amsterdam, Hà Lan), người có nhiều nghiên cứu về Tây Nguyên-Việt Nam đã đặt vấn đề: “Liệu việc bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng có phải là mục tiêu khả thi trước những thay đổi tràn lan và các dòng chảy văn hóa?”. Ông rút ra kết luận: Căn cứ vào sự biến đổi lớn về môi trường, những thực hành này cần giá trị mới, trong bối cảnh Tây Nguyên hiện thời. Điều này có thể thực hiện được bởi con người Tây Nguyên với tư cách là hiện thân của văn hóa.

văn hóa cồng chiêng Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Đ.T
Ý tưởng này cũng phù hợp với đề xuất của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, bởi không ai ngoài cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên am hiểu và ý thức rõ hơn về sự đe dọa đối với văn hóa bản địa trước những biến đổi từ bên ngoài cũng như nội tại. Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Văn Doanh đưa ra định hướng bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là cần chuyên nghiệp hóa. Trong sự tác động đến dòng chảy văn hóa bản địa hiện tại, không cách nào hơn, chúng ta nên chọn những đội cồng chiêng tiêu biểu làm nòng cốt, để trở thành “chuyên nghiệp” hay “bán chuyên nghiệp” tự hoạt động và tự sống. Nhà nước nên hỗ trợ một phần nhằm duy trì và phát huy cái cốt lõi của văn hóa. Bởi “hồn” của Tây Nguyên được dệt bởi cồng chiêng.
Nhiều năm qua, những người làm văn hóa ở Gia Lai đã tiếp nhận khuyến nghị từ các nhà khoa học quan tâm và khuyến khích các hoạt động văn hóa có sử dụng cồng chiêng; nghiên cứu phục dựng các lễ hội nguy cơ mai một; đồng thời duy trì tổ chức các liên hoan cồng chiêng thường niên ở cấp xã, huyện và tỉnh. Qua đó huy động các đội chiêng, các nghệ nhân chỉnh chiêng, múa xoang, điêu khắc gỗ, kể khan… truyền cảm hứng và lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương và trường phổ thông dân tộc nội trú truyền dạy cồng chiêng bài bản nhằm bảo tồn các bài chiêng cổ. Việc khuyến khích hoạt động văn hóa cồng chiêng trong phát triển du lịch được ngành Văn hóa địa phương chú trọng. Đồng thời, chấn chỉnh việc sân khấu hóa làm biến dạng các thể thức biểu diễn cồng chiêng.
Mặc dù hiện nay ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, mô thức buôn làng nhiều nơi bị phá vỡ, văn hóa rừng không còn nguyên vẹn nhưng hệ thống lễ hội của các dân tộc bản địa vẫn duy trì thường xuyên, nhất là các buôn làng vùng sâu, vùng xa, nơi mà tác động của các dòng văn hóa hiện đại ít xâm nhập. Ở đó, văn hóa truyền thống được nuôi dưỡng, âm ỉ như hòn than nóng còn ủ trong bếp lửa nhà rông. Do vậy, việc tuyên truyền cho cộng đồng Tây Nguyên ý thức được giá trị văn hóa dân tộc, tự bảo tồn và phát huy trong môi trường sinh hoạt biến đổi của buôn làng là quan trọng và hữu hiệu nhất.
THEO BÁO GIALAI
Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.