Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng

Phạm Tiến - 15:19, 21/09/2023

Miền Trung là khu vực chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với thiệt hại không nhỏ về người và tài sản do thiên tai gây ra hằng năm. Do đó, việc đưa ra các giải pháp để hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc tạo ra các sinh kế thích ứng để người nông dân phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất lớn. Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu thiên tai tại cộng đồng” diễn ra tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, nhiều chuyên gia đã có ý kiến tâm huyết bàn về 2 vấn đề trọng tâm: sinh kế và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Ý kiến Chuyên gia và người nông dân về
Ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Thứ 3 từ trái qua phải) cùng các chuyên gia tại phiên thảo luận Diễn đàn

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị tổ chức. Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến, tham luận với nhiều góc độ về tác hại, hạn chế rủi ro và các giải pháp đã được trình bày.

Chuyên gia Nguyễn Huỳnh Quang, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: “Bà con nông dân là đối tượng đầu tiên chịu các rủi ro về thiên tai. Do đó nâng cao ý thức, biết đúng biết đủ về thiên tai và năng lực ứng phó với các rủi ro về thiên tai là điều quan trọng. Một khi có sự tham gia tích cực của người dân, của cộng đồng ở mỗi bản làng, thôn xóm, thì chắc chắn rằng những mất mát, đau thương sẽ được vơi bớt, giảm nhẹ hơn nhiều sau thiên tai.

Trong khuôn khổ thảo luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình tại địa phương. Ông cho rằng, phải tăng cường kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ, đập, đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão. Rà soát phương án di dời, sơ tán dân sớm. Trong đó, chú trọng các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập sâu, lũ ống, lũ quét…; Đặc biệt, phải quyết liệt trong công tác sơ tán các hộ dân có nhà ở tạm bợ, sinh sống ở vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ý kiến Chuyên gia và người nông dân về "Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng" 1
Diễn Đàn thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và nhiều nông dân ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế

Về giải pháp để hạn chế rủi ro trong thiên tai và tạo sinh kế thích ứng, ông Nguyễn Phú Quốc cho rằng, cần có quy hoạch đất sản xuất, các công trình công cộng và phúc lợi gắn với quy hoạch phòng, chống thiên tai. Việc tạo ra sinh kế thích ứng có ý nghĩa lớn về mặt dân sinh. Do đó, cần có số liệu thủy văn, lịch sử thiên tai... để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.

Diễn Đàn cũng thu hút được nhiều hộ nông dân ở 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ông Hoàng Văn Đô, nông dân ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nêu thực trạng: “Ở quê tôi, trước đây bà con nuôi tôm theo phương thức truyền thống nhưng gần đây bà con bỏ hết vì khi nuôi tôm chết nhiều. Đó là tác động rõ nhất của biến đổi môi trường, do đó các cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan Khuyến nông cần hỗ trợ người nông dân về khoa học kỹ thuật, hóa chất và kỹ thuật để bà con vững tin hơn trong chăn nuôi.

Cũng là người nông dân trực tiếp trồng trọt và chăn nuôi, ông Đào ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nêu thực trạng về khả năng thoát lũ nơi mình sinh sống hiện nay đang có vấn đề. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trồng trọt và chăn nuôi của nông dân ở địa phương. Cơ quan thủy lợi cần có khảo sát cụ thể. Từ đó đưa ra giải pháp hiệu quả giúp cải thiện tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lũ. Về giải pháp tạo sinh kế thích ứng, ông Đào cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ giống lúa ngắn ngày hơn để tránh lũ sớm. Bên cạnh đó, những vùng đất trũng, cần có phương án thay thế cây trồng hiệu quả, phù hợp.

Ý kiến Chuyên gia và người nông dân về
Ông Hoàng Văn Đô, nông dân xã Triệu Vân, Triệu Phong (Quảng Trị) đưa ra ý kiến tại Diễn Đàn

Những năm qua, thực hiện Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”. Các tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền tác hại của biến đổi khí hậu và các giải pháp phát triển sinh kế giúp bà con nông dân thích ứng. Đồng hành cùng với chính quyền các tỉnh và bà con nông dân ở miền Trung, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng. 

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham dự và đưa đến Diễn đàn ý kiến: “Chúng tôi mong muốn phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị để mong muốn cộng đồng nhận diện đầy đủ nhất về các loại hình thiên tai, từ đó tạo ra được những mô hình sinh kế thích ứng, thân thiện. 

Thực tế cho thấy, tỉnh Quảng trị đã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng rất tốt để thích ứng. Đơn cử, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, cây lúa đã ngắn ngày hơn để tránh lũ tiểu mãn. Các mô hình nuôi tôm trên đất cát; bò 3B thâm canh….là những mô hình sinh kế thích ứng tốt cần nhân rộng. "Qua Diễn đàn, thảo luận tại Diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn thông điệp “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng” được lan tỏa, cùng thực hiện", ông Lê Quốc Thanh bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.