Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Giải phóng nguồn lực đất đai cho đồng bào DTTS: Muôn kiểu hợp đồng giao khoán (Bài 5)

Tùng Nguyên - 11:43, 09/10/2022

Sau khi các nông, lâm trường (NLT) đã được cổ phần hóa, việc quản lý tài nguyên đất vẫn lỏng lẻo. Đặc biệt, việc thực hiện giao khoán đất sản xuất – một chủ trương rất đúng đắn để tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, đã bị biến tướng, với những điều khoản liên doanh kỳ lạ giữa “chủ đất” và người nhận khoán, mà phần thiệt thuộc về những người ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Nhiều công ty NLN giao khoán theo hình thức, công ty đầu tư giống, phân bón, người dân bỏ công trồng, chăm sóc và bảo vệ; đến cuois kỳ phân chia sản phẩm. (Ảnh minh họa)
Nhiều công ty NLN giao khoán theo hình thức, công ty đầu tư giống, phân bón, người dân bỏ công trồng, chăm sóc và bảo vệ; đến cuối kỳ phân chia sản phẩm. (Ảnh minh họa)

“Ngồi mát ăn bát vàng”

Để phát huy hiệu quả tài nguyên đất, tạo sinh kế cho người dân, nhất là đồng bào DTTS, năm 1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01-CP ngày 4/1/1995 quy định việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản tại các nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD). Đến năm 2005, quy định giao khoán đất được điều chỉnh theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ; được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 102/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong các văn bản này đều quy định, căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn NLT đóng chân, trên cơ sở thỏa thuận giữa bên giao khoán và người nhận khoán để thực hiện nghĩa vụ nhận khoán. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty nông, lâm nghiệp (NLN) với vị thế “chủ rừng” đã ép người nhận khoán phải nộp thuế sử dụng đất rất cao.

Sự việc gây ồn ào dư luận đầu năm 2022 xảy ra ở Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Xuân Thành (gọi tắt là Công ty Xuân Thành) ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An là một ví dụ. Tiền thân là Nông trường Xuân Thành (thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp năm 1998), đơn vị này được Nhà nước giao quản lý 1.772 ha đất.

Trong một báo cáo của Công ty Xuân Thành gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và UBND huyện Quỳ Hợp vào đầu tháng 3/2022, đơn vị này xác nhận, trong quá trình giao khoán, nghĩa vụ mà người nhận khoán nộp cho đơn vị dao động từ 2 – 3,8 triệu đồng/ha/năm, tùy vào loại cây trồng (tương ứng 5% cộng từ các khoản: thuế sử dụng đất của diện tích nhận khoán; giá trị cây trồng và các công trình trực tiếp phục vụ sản xuất trên đất giao khoán do vốn bên giao khoán đã đầu tư theo hợp đồng…). Trong đó, đối với đất trồng cao su, rau màu, người nhận khoán sẽ nộp cho công ty 2 triệu đồng/ha/năm; với đất trồng cam thu bói (cam già) là 2,8 triệu đồng/ha; với cam tơ là 3,8 triệu đồng/ha/năm.

Mỗi ha giao khoán trồng cam ở Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành người nhận khoán phải nộp từ 2,8 – 3,8 triệu đồng.
Mỗi ha giao khoán trồng cam ở Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành người nhận khoán phải nộp từ 2,8 – 3,8 triệu đồng.

Theo báo cáo trình bày tại Đại hội Đảng bộ Công ty Xuân Thành lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, toàn đơn vị hiện giao khoán cho 1.276 hộ. Với cách tính phí 5%, nguồn kinh phí thu được của đơn vị này là rất lớn.

Vậy nhưng, trong 5 năm (2015 – 2020) thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, hằng năm Công ty Xuân Thành chỉ nộp ngân sách nhà nước 337,8 triệu đồng… Trước đó, giai đoạn 2004 – 2014, theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, trong 10 năm, Công ty Xuân Thành chỉ nộp gần 70,559 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước (thực tế chỉ nộp 69,888 triệu đồng, còn nợ 671 nghìn đồng).

Liệu lợi nhuận có phải được công ty sử dụng vào đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, kinh doanh? Thực tế, là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động ở địa bàn khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, đơn vị này được ngân sách Nhà nước đài thọ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2015 – 2020, báo cáo tại Đại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Công ty Xuân Thành cho thấy, đơn vị được nhà nước đầu tư tuyến đường nhựa vào vùng sản xuất tập trung với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng; xây dựng 155 công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ, trong đó nhà nước hỗ trợ 40% vốn…

Muôn vẻ “nộp sản”

Cách đây 7 năm, trong Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015 về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý và sử dụng đất đai tại các NLTQD giai đoạn 2004 – 2014, UBTVQH khóa XIII đã nhấn mạnh những vi phạm trong việc thực hiện giao khoán tại các công ty NLT. Cụ thể, UBTVQH đã đánh giá: “Những NLT có phần lớn diện tích đất đai thực hiện khoán theo Nghị định 01-CP nhưng không có đầu tư, không quản lý được quy trình sản xuất... thực chất là khoán trắng, phát canh thu tô, những đơn vị này không còn nguyên nghĩa là một doanh nghiệp Nhà nước”.

Sau 7 năm, vi phạm trong giao khoán đất có nguồn gốc từ các NLTQD không những không được chấn chỉnh mà diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức biến tướng tinh vi hơn. Cách thu nghĩa vụ nhận khoán quy thành tiền trên mỗi ha đất giao khoán như ở Công ty TNHH MTV Xuân Thành (Quỳ Hợp, Nghệ An) nêu trên là một hình thức khá phổ biến ở các đơn vị thực hiện giao khoán đất nông nghiệp.

Đối với đất lâm nghiệp, hình thức thực hiện nghĩa vụ nhận khoán phổ biến nhất là “nộp sản”. Hiểu đơn giản là các công ty NLN góp đất được Nhà nước giao quản lý để liên kết sản xuất với người dân và ăn chia sản phẩm. Giá trị “thu sản” của các công ty NLN cũng không nơi nào giống nơi nào; có nơi công ty hưởng 30%, dân 70%; có hợp đồng là 20% - 80%; thậm chí có liên kết công ty lại hưởng 60%…

Đơn cử, tại xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc triển khai giao khoán theo hình thức, công ty đầu tư giống, phân bón, người dân bỏ công trồng, chăm sóc và bảo vệ; đến cuối kỳ, công ty thu 32m3/ha/chu kỳ. Theo ước tính, năng suất bình quân mỗi ha trồng cây lâu năm trên địa bàn cao lắm cũng chỉ đạt 70m3/ha/chu kỳ; đồng nghĩa một hộ nhận khoán phải nộp gần ½ sản phẩm trồng được cho “chủ đất”.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp EaKar (huyện EaKar, tỉnh Đăk Lăk) thu “phí cây” tính theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng. (Theo Cục Thuế tỉnh Đăk Lăk, đơn vị này đang nợ gần 15 tỷ đồng tiến thuế, trong đó nợ tiền thuế thuê đất từ năm 2014 đến 2016 là gần 1,6 tỉ đồng; nợ thuế thuê đất đến năm 2020 là khoảng 3,5 tỉ đồng…)
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp EaKar (huyện EaKar, tỉnh Đăk Lăk) thu “phí cây” tính theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng. (Theo Cục Thuế tỉnh Đăk Lăk, đơn vị này đang nợ gần 15 tỷ đồng tiền thuế, trong đó nợ tiền thuế thuê đất từ năm 2014 đến 2016 là gần 1,6 tỉ đồng; nợ thuế thuê đất đến năm 2020 là khoảng 3,5 tỉ đồng…)

Còn tại xã Cư Elang (huyện EaKar, tỉnh Đăk Lăk), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp EaKar lại có cách “thu sản” khác; trong đó lạ lùng nhất là “phí cây” được đơn vị tính theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng. Ví dụ, với một hộ nhận khoán đất để trồng cây mít, khi trồng đến năm thứ 4 thì công ty bắt đầu “thu sản”, với mức thu quy thành tiền là 1 triệu đồng/ha, từ năm thứ 6 trở đi tăng lên 2 triệu đồng/ha…

Mặc dù phải nộp sản rất cao, nhưng đại đa số các hộ dân sinh sống trên lâm phần của các Công ty NLN vẫn phải chấp nhận để có kế sinh nhai do thiếu đất sản xuất. Như xã Tân Thành (Hữu Lũng, Lạng Sơn), toàn xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 4.300 ha, nhưng 3.500 ha được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc quản lý và sử dụng từ năm 1996. Vì lẽ đó, đến nay Tân Thành chưa thoát khỏi danh sách xã nghèo; giai đoạn 2021 – 2025 vẫn là xã khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu tại Hội nghị triển khai Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 25/12/2021, cả nước hiện có 457.029 ha đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp được các công ty NLN thực hiện giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; trong đó chủ yếu là giao khoán theo hình thức “khoán gọn”.

Cũng vì “khoán gọn”, “khoán trắng” nên không ít công ty NLN đã không hoàn thành nhiệm vụ “4 quản” (quản lý đất đai - quản lý kỹ thuật - quản lý kế hoạch, quản lý sản phẩm) đối với diện tích đất có nguồn gốc từ các NLTQD được Nhà nước giao. Đây là một phần nguyên nhân khiến tình hình sản xuất NLN ở địa bàn miền núi thường xuyên biến động, nhiều địa phương chưa hình thành cây trồng, vật nuôi chủ lực mà luẩn quẩn “nuôi con gì, trồng cây gì”.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phán ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Trong Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển NLTQD của Bộ Chính trị khóa IX đã quy định rất rõ yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu, đối với diện tích đất các NLT đã giao khoán, nếu thực hiện đúng hợp đồng, sử dụng đúng mục đích, phù hợp quy hoạch thì hộ nhận khoán được tiếp tục sử dụng đất theo hợp đồng đã ký kết và có điều chỉnh, bổ sung phù hợp trách nhiệm quản lý đất của NLT; những diện tích khoán trắng cho người nhận khoán (thực chất là cho thuê đất) thì phải thu hồi để chuyển sang hình thức giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục
“Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025-2030”.

“Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025-2030”.

Đó là nội dung chính của Hội thảo tọa đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg ngày 18/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc giai đoạn 2025-2030” do cơ quan Thanh tra UBDT tổ chức sáng ngày 23/11 tại Nghệ An. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo, có đại diện Thanh tra chính phủ, Bộ Nội vụ, các vụ thuộc UBDT. Ở các địa phương, có lãnh đạo Ban Dân tộc cùng thanh tra các tỉnh, thành Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Nghệ An. Về phía tỉnh Nghệ An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long.