Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Tây Nguyên: Giải pháp gỡ khó (Bài 3)

Lê Hường - 16:17, 22/12/2020

Bài toán khó khăn về đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng do quỹ đất không còn nên đến nay, vẫn chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ vướng mắc. Trong khi đó, tình trạng bán đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS vẫn thường xuyên xảy ra. Do vậy để ổn định cuộc sống cho đồng bào trước mắt cần ngăn chặn tình trạng này và tính kế chuyển đổi nghề, tạo sinh kế phù hợp cho người dân.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng bán đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng bán đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS

Tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn bán đất

Những năm gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên “nóng” tình trạng đồng bào DTTS chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất. Trong đó, có rất nhiều hộ bán, cho thuê đất được nhà nước cấp theo Quyết định 132, 134 của Chính phủ.

Khoảng 10 năm trước, ông Nguyễn Văn Thắng và Trần Minh Dũng từ Kon Tum đến xã Hà Tây và Đăk Tơ Ver huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai thuê 37,5ha đất sản xuất của đồng bào DTTS với thời gian 15 năm để trồng mít, mì. Sau đó, hai ông tìm mọi cách để mua lại diện tích đất này. 

Mặc dù chưa làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng hai ông Thắng và Dũng đã giữ bìa đỏ của của các hộ dân với tổng diện tích 10,5ha. Năm 2019, hai ông Thắng và Dũng đến Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Chư Păh để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 37,5 ha đất trên sự việc mới bại lộ.

Tương tự, từ năm 2008 - 2009, hàng chục hộ đồng bào DTTS xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk được cấp đất sản xuất theo Quyết định 132 của Chính phủ đã ký hợp đồng liên kết chia hoa lợi với Công ty Tân Phương trồng cao su. Tuy nhiên, từ đó đến nay các hộ cho thuê đất chưa từng nhận được hoa lợi như thỏa thuận, trong khi đó Công ty Tân Phương đã tự sang nhượng diện tích đất thuê cho người khác tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Từ việc cho thuê đất, rồi mất đất dẫn đến tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp đang diễn biến gay gắt trên địa bàn xã này.

Ông Y Si Thắt Ksơr, Quyền Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Thực hiện Quyết định 132 của Chính phủ, huyện Buôn Đôn, đã cấp đất cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS tại 3 xã gồm Krông Na, Ea Wen, Ea Huar. Sau khi được cấp đất rất nhiều hộ dân được cấp đất ở xã Krông Na và Ea Wen đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trồng cao su. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, chuyển nhượng lại đất cho người khác dẫn đến việc tranh chấp, người dân đi đòi đất. Vụ việc này là người dân và doanh nghiệp tự liên kết với nhau không thông qua chính quyền. Khi người dân làm đơn kiện ra tòa chính quyền mới can thiệp hỗ trợ dân và vừa qua, ở xã Ea Wen một số hộ dân đã đòi lại được đất của mình. Ngoài việc đòi lại đất, huyện Buôn Đôn cũng tăng cường tuyên truyền đồng bào DTTS không bán đất, hay tự ý ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Cần linh hoạt tạo sinh kế phù hợp

Từ năm 2003-2009, huyện Krông Păk (Đăk Lăk) thực hiện cấp đất sản xuất, đất ở cho  đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thiếu đất, hình thành nên khu tái định cư gồm 5 buôn ở xã Vụ Bổn gồm Ea Nông A, Ea Nông B, Cư Kruê, Cư Knia và Ea Kal.

Một hộ dân buôn Cư Knia chăn nuôi bò phát triển kinh tế hiệu quả
Một hộ dân buôn Cư Knia chăn nuôi bò phát triển kinh tế hiệu quả

Năm 2006, 90 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất của 2 xã Ea Kly và Krông Búk được bố trí về buôn Cư Knia, xã Vụ Bổn để ổn định cuộc sống theo Chương trình 134. Hiện nay buôn còn 67 hộ với 330 nhân khẩu. Với đặc thù khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, buôn được hỗ trợ bò giống phát triển chăn nuôi và đến nay đã đạt những thành quả tích cực.

Chị H’Yok Niê, Trưởng buôn Cư Knia cho biết. Khu vực này đất đá pha cát, bà con chỉ trồng cây nông nghiệp ngắn ngày. Mặc dù khó khăn trong sản xuất nhưng ở đây người dân lại đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, cả buôn hiện có 220 con bò. Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ chăn nuôi.

Điển hình như gia đình ông Y Ô Niê, từ 1 con bò cái sinh sản do nhà nước cấp cách đây 15 năm, hiện gia đình ông có hơn 20 con bò, kinh tế gia đình thuộc dạng khá nhất buôn. Từ nghề chăn nuôi gia súc, trong buôn có thêm nghề phụ nhặt phân bò bán cho các đơn vị, hộ dân vùng khác sản xuất nông nghiệp. Từ một buôn 100% hộ nghèo, đến nay buôn Cư Knia đã có hơn 20 hộ thoát nghèo. Điều đó chứng mình rằng, đất sản xuất xấu khó  sản xuất nông nghiệp, thì người dân vẫn có những cách khác để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn chia sẻ: 5 buôn tái định cư tập trung người nghèo thiếu đất sản xuất ở khắp các địa phương trong huyện về đây. Theo tiêu chuẩn của Dự án, mỗi hộ được bố trí 400m2 đất ở, một căn nhà cấp bốn rộng 28m2 và đất sản xuất gồm 3 sào lúa, 5 sào rẫy. 

Tuy nhiên, ở vùng TĐC này chưa có hệ thống kênh mương, sản xuất chủ yếu dựa vào tự nhiên nên rất khó để canh tác nông nghiệp. Vì vậy, xã đã định hướng bà con phát triển chăn nuôi gia súc lớn và thực hiện hỗ trợ bò sinh sản cho bà con, bước đầu có chuyển biến tích cực, mở ra hướng thoát nghèo, ổn định đời sống cho người dân...

Qua câu chuyện trên có thể thấy, tại khu vực Tây Nguyên, đối với các địa phương nguyên thiếu đất sản xuất, nếu chính quyền linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, cùng với việc thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ tín dụng, dạy nghề phù hợp sẽ góp phần ổn định đời sống người dân, giảm bức xúc từ việc thiếu đất sản xuất.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV

Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV

Ngày 17/5, UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Cư M’gar lần thứ IV - năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện và 150 đại biểu chính thức đại diện cho gần 95 nghìn người đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.