Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Giải quyết tiêu thụ sản phẩm trong mùa dịch - Ghi nhận tại Quảng Ninh

Nghĩa Hiệp - 11:46, 12/08/2021

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, đầu ra cho các mặt hàng nông sản ở Quảng Ninh gặp khó khăn. Nhằm tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp ký kết các thỏa thuận đưa nông sản vào các bếp ăn tập thể, tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu cũng như đưa nông sản vào trong các hệ thống siêu thị.

Tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ các đơn vị sản xuất đưa nông sản vào các bếp ăn tập thể
Tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ các đơn vị sản xuất đưa nông sản vào các bếp ăn tập thể

Nhiều giải pháp tháo gỡ đầu ra cho nông sản

Đã gần 40 ngày trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Cuộc sống của người dân trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang dần trở lại với trạng thái bình thường mới. 

Tại thôn Tềnh Pò, xã Phong Vụ, huyện Tiên Yên, nơi có những đàn gà nuôi theo hình thức bán công nghiệp, ông Bế Văn Quế, Trưởng thôn Tềnh Pò cho biết, khó khăn nhất đối với người dân chăn nuôi là vào tháng 2/2021, khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào đúng dịp Tết cổ truyền, khiến việc tiêu thụ gà hết sức khó khăn. Nhưng cả tỉnh đã chung tay giải cứu gà Tiên Yên, giúp người nông dân vượt khó. 

"Nhờ có sự quyết tâm của cả hệ thống chính quyền cùng Nhân dân, chúng tôi đã có thời gian dài yên ổn để bước vào trạng thái kinh tế mới, gà đến tuổi xuất bán được các công ty, doanh nghiệp lớn ký hợp đồng thu mua. Thu nhập 6 tháng đầu năm 2021 vẫn ổn định từ 100-150 triệu đồng/hộ nuôi gà”, ông Quế cho biết.

Còn tại huyện Hải Hà, đây là vùng chè, vùng thủy sản trọng điểm của cả tỉnh với hơn 1.500 tấn chè/năm cùng lượng thủy sản đạt trên 14.000 tấn/năm. Để giúp người dân địa phương đảm bảo đầu ra nông sản, tỉnh Quảng Ninh đã đưa các sản phẩm của huyện Hải Hà vào tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị trên địa bàn tỉnh. 

Nông sản ở Hải Hà được tiêu thụ, bởi các công ty chuyên về thực phẩm như: Chi nhánh Công ty Cổ phần EB Hải Phòng (chuyên về chế biến, bảo quản thực phẩm), Chi nhanh Công ty TNHH MM Mega Market tại Quảng Ninh (Thuộc hệ thống siêu thị Metro cũ), hệ thống siêu thị Vinmark... Tất cả các sản phẩm nông sản được đưa vào các hệ thống đều được chuẩn bị  hồ sơ cần thiết, chứng minh nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Để đáp ứng tiêu thụ cho các sản phẩm sản xuất theo chuỗi trên toàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với các bếp ăn tập thể của ngành Than, trường học bán trú, bếp ăn tại các khu công nghiệp... qua đó đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm. 

Ông Phạm Quang Linh, Phó Chánh Văn phòng, Công ty than Uông Bí cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi có hơn 5.000 công nhân làm việc, tương đương với 5.000 suất ăn tập thể. Vì thế nhu cầu lương thực cần tiêu thụ mỗi ngày là rất lớn, nên Công ty cũng đã lựa chọn những nhà cung cấp thực phẩm lớn, ổn định trên địa bàn tỉnh”.

Tỉnh Quảng Ninh tạo mọi điều kiện giúp hàng hóa thông quan
Tỉnh Quảng Ninh đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, ngư dân

Chính quyền sát cánh cùng Nhân dân

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã triển khai gỡ khó cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, sớm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh để làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam qua các cửa khẩu, chợ biên mậu tại tỉnh Quảng Ninh. 

Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng đã làm việc với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Trung Quốc) loại bỏ giám sát chỉ tiêu Norovirus trên hàu của Việt Nam. Đưa Trung tâm Giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại TP Móng Cái vào hoạt động, đảm bảo cho công tác quản lý hàng hóa, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn một cách thống nhất theo quy định của hải quan Trung Quốc, tăng uy tín về chất lượng và nâng cao giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam...

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến hết 7/2021, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 120.000 tấn nông sản các loại (thủy sản đạt hơn 45.000 tấn) và hơn 1.3 triệu quả trứng gia cầm cho người dân. Giá trị xuất khẩu nông sản toàn tỉnh đạt hơn 331 triệu USD (theo báo cáo kinh tế 6 tháng đầu năm), lượng tồn nông sản tại các cơ sở sản xuất không còn đáng kể.

Với sự nỗ lực, hỗ trợ hiệu quả của các ngành chức năng, doanh nghiệp và người nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã vững tâm hơn để sản xuất, kinh doanh; cùng chung tay với chính quyền, đồng lòng quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19. 

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.