Theo số liệu thống kê do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bảo Lâm cung cấp: Năm học 2019 - 2020, toàn huyện có 98 học sinh bỏ học, trong đó có tới 22 trường hợp tảo hôn. Số học sinh bỏ học do tảo hôn tăng 4 em so năm học 2018 - 2019.
Điển hình như trường hợp của S.A.Th (SN 2003) và V.T.S (SN 2004) ở xã Lý Bôn. Trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, hai em gặp nhau rồi đưa nhau về chung sống. Do bố mẹ cả hai bên cùng đồng thuận nên cả hai đã thành vợ chồng. Chưa đủ tuổi để đăng ký kết hôn, nên cả S. và Th. chỉ về sống với nhau, chờ đến khi đủ tuổi mới đăng ký.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh bỏ học, một phần do lực học kém nên không thiết tha với việc học, một phần do nghỉ tránh dịch thời gian dài nên không muốn đến trường, ở nhà rồi lập gia đình…
Ông Ma Thế Trung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm lý giải thêm: Nguyên nhân làm cho nạn tảo hôn trong học sinh vùng cao ở Bảo Lâm tăng cao là do nhận thức và việc chuyển đổi hành vi về Luật Hôn nhân và Gia đình ở nhiều gia đình và trẻ em còn rất nhiều hạn chế. Điều kiện sống thiếu thốn, người dân thiếu hiểu biết pháp luật, quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ nên dễ dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học kết hôn sớm.
Bên cạnh đó, năm nay do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, ngành Giáo dục Bảo Lâm cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, vận động, ngăn ngừa tảo hôn, một mình ngành Giáo dục không thể bao quát và giải quyết tận gốc.
Ông Trung cho rằng, để ngăn ngừa nạn tảo hôn, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các ngành chức năng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng, cha mẹ, những người trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, học sinh tại các trường THCS, THPT về Luật Hôn nhân và Gia đình, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT).
Các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về TH&HNCHT theo quy định của pháp luật; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cần có những giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân, chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Có như vậy, tình trạng tảo hôn trong học sinh nói riêng, trong vùng đồng bào DTTS nói chung mới có thể được đẩy lùi.