Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Gian nan con đường đến trường của học sinh DTTS ở xã nông thôn mới Ia Chim

Ngọc Chí - 16 giờ trước

Nhiều năm nay, các em học sinh người DTTS và người dân ở các làng Plei Druân, Klâu Ngol Ngó, Klâu Ngol Zố, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum hằng ngày phải đi học, đi lao động sản xuất trên con đường xuống cấp trầm trọng, nhiều ổ gà và lởm chởm đá. Nội dung này đã được người dân nhiều lần kiến nghị qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng con đường vẫn chưa được khắc phục và ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn.

Đường từ thôn Tân An, xã Ia Chim đi xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum đã xuống cấp trầm trọng, việc đi học của các em học sinh gặp nhiều khó khăn
Đường từ thôn Tân An, xã Ia Chim đi xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum đã xuống cấp trầm trọng, việc đi học của các em học sinh gặp nhiều khó khăn

Sau giờ tan học, dưới cái nắng, nóng khắc nghiệt của mùa khô Tây Nguyên, các em học sinh người DTTS ở Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum lại tiếp tục hành trình gian nan vượt qua con đường gập ghềnh, lởm chởm đá để về nhà. Với những chiếc xe đạp cũ kỹ, các em phải cố gắng đạp, không đạp được thì dắt bộ để về đến nhà.

Em Y Juli A, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho biết: Đi học trên con đường này vất vả lắm, đạp xe mà đá lởm chởm nên rất khó đi, phần lớn em dắt bộ, đoạn nào còn đi được thì em mới đạp xe.

Trường Tiểu học Kim Đồng hiện có hơn 400 học sinh là người DTTS ở làng Plei Druân, Klâu Ngol Ngó, Klâu Ngol Zố theo học. Do không được hưởng chế độ bán trú, nên hằng ngày, để đến trường học 2 buổi/ngày thì nhiều em phải đi về tổng cộng 4 vòng. Cuộc sống phụ huynh cũng còn nhiều khó khăn nên phần lớn các em tự đi học chứ không được đưa đón như những học sinh vùng thuận lợi. Vì thế, con đường đến trường của các em gian nan biết nhường nào.

Con đường lởm chởm đá nên các em học sinh phải cố gắng đạp xe, không đạp được thì dắt bộ để về đến nhà
Con đường lởm chởm đá nên các em học sinh phải cố gắng đạp xe, không đạp được thì dắt bộ để về đến nhà

Em Y My Ya, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum chia sẻ: Em đi học từ sáng sớm vì sợ trễ học, đi xe đạp nhưng vừa đi vừa dắt bộ. Có hôm em đạp xe thì bị trật cả dây xích, có hôm thì thủng lốp xe, do đường hư hết rồi. Em cũng mong con đường sớm được sửa chữa, giúp cho chúng em đến trường được thuận lợi.

Đoạn đường từ thôn Tân An, xã Ia Chim đi xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum qua các làng Plei Druân, Klâu Ngol Ngó, Klâu Ngol Zố có chiều dài hơn 5km. Con đường được đầu tư làm thâm nhập nhựa khoảng trước năm 2010. Đây là con đường huyết mạch nối từ 3 làng vùng đồng bào DTTS ra trung tâm xã Ia Chim. Sau nhiều năm sử dụng con đường đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Lớp nhựa đường đã bị bong tróc, đá cấp phối lởm chởm, nhiều ổ gà, ổ voi và đọng nước vào mùa mưa.

Đường từ thôn Tân An, xã Ia Chim đi xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum nhiều ổ gà, ổ voi và đọng nước vào mùa mưa
Đường từ thôn Tân An, xã Ia Chim đi xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum nhiều ổ gà, ổ voi và đọng nước vào mùa mưa

Ông A Pying, làng Klâu Ngol Ngó, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho biết: Con đường này đã hư hỏng nhiều năm nay, trước tôi đi cũng bị ngã xe và gãy chân. Người lớn đi lại còn khó khăn nên thấy các cháu học sinh đi học thấy rất tội. Đường hư hỏng nên cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế của bà con trong làng.

Xã Ia Chim, thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Nhưng đoạn đường đi qua làng Plei Druân, Klâu Ngol Ngó, Klâu Ngol Zố hư hỏng nhiều năm qua vẫn chưa được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Vì thế, người dân đã nhiều lần kiến nghị qua các cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND các cấp.

Đường hư hỏng, nhiều người lựa chọn cách đi vào lô cao su
Đường hư hỏng, nhiều người lựa chọn cách đi vào lô cao su

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã còn nhiều con đường bị hư hỏng, xuống cấp, như đường từ thôn Tân An, xã Ia Chim đi xã Hòa Bình; đường từ thôn Tân An, xã Ia Chim đi xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Trước những kiến nghị của cử tri, UBND thành phố Kon Tum cũng đã có quyết định đầu tư xây dựng 2 con đường này, nhưng do chưa bố trí được kinh phí nên hiện nay vẫn chưa thi công. Việc đường hư hỏng, xuống cấp đã gây khó khăn rất lớn cho địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là giữ vững, nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Trước những kiến nghị của người dân, ngày 01/12/2020, UBND thành phố Kon Tum đã có Quyết định số 3063 về việc triển khai chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường từ thôn Tân An, xã Ia Chim đi xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Dự án có mức đầu tư gần 15 tỷ đồng; chiều dài xây dựng khoảng 5.100m; mặt đường bằng bê tông xi măng rộng 3,5m, lề đường bằng đất mỗi bên rộng 0,75m… Thời gian thực hiện trong 2 năm, bắt đầu từ năm 2021 và sau đó có Quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2023.

Người dân mong muốn con đường sớm được sửa chữa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế - xã hội
Người dân mong muốn con đường sớm được sửa chữa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế - xã hội

Sau nhiều năm con đường bị xuống cấp, hư hỏng và người dân nhiều lần kiến nghị thì năm 2020, UBND thành phố Kon Tum có chủ trương đầu tư trong sự vui mừng của người dân. Tuy nhiên, đến nay sau 5 năm chủ trương đầu tư được phê duyệt nhưng con đường vẫn chưa được đầu tư xây dựng và ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn.

Trong thời gian chờ đợi con đường được đầu tư xây dựng thì hành trình đến trường của các em học sinh DTTS và người dân ở các làng Plei Druân, Klâu Ngol Ngó, Klâu Ngol Zố, xã nông thôn mới Ia Chim vẫn còn gian nan và lắm trắc trở. Điều quan trọng hơn là ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bộ mặt của một xã nông thôn mới.