Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Gian nan hành trình xóa bỏ hủ tục, tà đạo ở miền cao nguyên đá xám: Bóng ma tà đạo (Bài 2)

Kim Thu - 17:09, 16/10/2024

Mèo Vạc (Hà Giang) từng là điểm nóng của tà đạo có tên là “San sư khẻ tọ” từ nước ngoài xâm nhập. Những người tin theo phải dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên; khi có người ốm đau không đưa đi khám, chữa bệnh tại trạm y tế, bệnh viện mà ở nhà cầu nguyện; không chăm chỉ làm ăn và xa lánh cộng đồng… Điều này, không chỉ khiến cuộc sống của họ trở nên nghèo đói, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…

Xã Lũng Chinh tuyên truyền, vận động hộ gia đình từ bỏ tà đạo quay lại phong tục tập quán truyền thống dân tộc Mông.
Xã Lũng Chinh tuyên truyền, vận động hộ gia đình từ bỏ tà đạo quay lại phong tục tập quán truyền thống dân tộc Mông

Vượt qua con đường nhỏ, len lỏi giữa nương ngô, theo chân các đồng chí Đội an ninh Công an huyện Mèo Vạc, chúng tôi đến nhà chị Già Thị Chúa, thôn Xín Phìn Chư, xã biên giới Thượng Phùng. Sau hồi gọi cửa bằng tiếng Mông của Đại úy Sùng Mí Nô, bóng dáng một người phụ nữ nhỏ thó, mặt gầy guộc đen sạm ra mở cửa.

Chị mặc một chiếc áo phông cùng chiếc váy Mông đã cũ kỹ, bạc màu, đôi mắt trũng sâu, thẫn thờ nhìn…; Thấy có khách đến, chị chỉ chào bằng vài câu tiếng Mông rất nhỏ. Chúng tôi được phiên dịch lại rằng, “lại đến vận động à, chồng chưa về đâu, lấy ghế ngồi đợi lúc nhé”.

“Chồng bị người ta dụ dỗ theo tà đạo, bỏ lên núi cầu nguyện được hơn 15 năm rồi, ở nhà thì năm nào cũng mất 5 tháng thiếu ăn, khổ mà không biết kêu với ai; bò, lợn cũng bị người ta đến trộm; anh em họ hàng, bà con hàng xóm không ai tiếp chuyện cả”, chị Già Thị Chúa, 49 tuổi kể trong nước mắt.

Nhìn quanh trong căn nhà nhỏ, chúng tôi thấy tài sản đáng giá nhất có lẽ là mấy chiếc nồi cũ, con gà mái và mấy chú gà con. Từ ngày chồng đi theo tà đạo, cả gia đình chị chưa từng có một bữa cơm tử tế.

Chị Chúa chia sẻ: Chồng sợ quay về sẽ ốm đau, sẽ chết. Sinh 3 đứa con rồi, mùa hè còn đỡ, mùa đông trời mưa rét buốt, băng giá phủ kín núi đồi, không có tiền mua áo ấm nên các con chỉ có thể ngồi co ro trong nhà cho đỡ rét, khổ lắm.

Người dân tin theo tà đạo, không chỉ khiến cuộc sống ngày càng trở nên nghèo đói, còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Người dân tin theo tà đạo, không chỉ khiến cuộc sống ngày càng trở nên nghèo đói, còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự

Ngồi được hơn 30 phút, thì chồng chị Chúa trong bộ quần áo đã rách nhiều chỗ, lấm lem bùn đất đi về. Khi được hỏi vì sao vẫn chưa chịu quay về với truyền thống của người Mông, gương mặt anh Sùng Súa Lử, cũng hiện lên những bất định. “Thực ra cũng muốn quay về rồi nhưng lại sợ anh em dòng họ không thích, không giao lưu cùng, sợ ốm đau, sợ cả nhà sẽ chết. Nhưng giờ thấy các con cũng khổ quá, có lẽ mình bỏ đạo thôi...” , anh Lử bỏ lửng câu nói.

“Họ truyền đạo nói, nếu không đi theo đạo này, đến ngày tận thế tất cả sẽ bị nước nhấn chìm và chết hết; phải dỡ bỏ bàn thờ thờ cúng tổ tiên... Khổ lắm, mình phải đi lên núi, rồi lang thang khắp nơi, thiếu ăn, thiếu mặc, vợ con ở nhà cũng khổ…”. Hướng ánh nhìn vào mấy đứa con đang nép sau lưng vợ, anh Lử thở dài. Có lẽ sau bao nhiêu năm, bây giờ bản thân anh cũng đã có được câu trả lời cho mình rồi.

Theo lời Đại úy Sùng Mí Nô, đây là lần thứ 6 anh đến để vận động gia đình anh Lử bỏ tà đạo, quay về với phong tục truyền thống người Mông.

Tương tự, đã hơn 20 năm tin theo tà đạo này, gia đình ông Tẩn Tà Kiên, dân tộc Dao, thôn Nà Sang, xã Tát Ngà, khi mẹ ốm sợ đưa đi viện tốn nhiều tiền, ông đã dỡ bỏ bàn thờ thờ cúng tổ tiên, rồi dựng biểu tượng hình chữ thập bằng giấy đỏ ở trong nhà, ngày ngày ở nhà cầu nguyện, thế nên bệnh mẹ ông lại càng nặng.

Ông Kiên cho biết: “Họ tuyên truyền rằng, trước khi đi ngủ để một cân ngô dưới đất và cầu nguyện, sáng mai ngô sẽ đẻ ra ngô và không cần làm cũng có đủ ăn; ốm đau thì chỉ cần cầu nguyện là khỏi… Nhà cũng nghèo, đi viện thì sợ tốn nhiều tiền, bảo không cần làm mà vẫn có ăn nên mình đi theo thôi”.

Công an huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Xín Cái thăm hỏi, động viên anh Sùng Súa Lử, thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang).
Công an huyện Mèo Vạc và cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái thăm hỏi, động viên và vận động anh Sùng Súa Lử, thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng từ bỏ tà đạo

Cách thức sinh hoạt của tà đạo này là không có giáo lý, sinh hoạt theo nhóm tại gia đình, trong nhà dựng biểu tượng hình chữ thập bằng giấy đỏ hoặc vải đỏ. Người dân tin theo tà đạo, không chỉ khiến cuộc sống ngày càng trở nên nghèo đói, còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… Theo số liệu thống kê, đến tháng 8/2023, toàn huyện Mèo Vạc có hơn 400 hộ theo tà đạo.

Ngược dòng lịch sử, vào tháng 01/2007 Mèo Vạc từng là “điểm nóng” khi các đối tượng xấu tuyên truyền, lôi kéo người dân tập trung tuyên truyền đạo, hát thánh ca, gây rối trật tự tại chợ xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn (giáp ranh xã Sủng Máng và xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc), khi bị lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý, có khoảng 200 người dân tộc Dao xã Sủng Máng kéo đến trụ sở xã Lũng Phìn gây sức ép đòi thả các trường hợp đang bị giam giữ, hô hào, phỉ báng chính quyền và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, giơ tay biểu tình và hô khẩu hiệu “Tự do theo đạo”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết, không chỉ người dân dễ bị lôi kéo, các thế lực phản động còn mua chuộc, lôi kéo đảng viên, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS nhằm tạo dựng hạt nhân, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định xã hội, như trường hợp bà Chảo Cấu Mẩy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Sủng Máng.

Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng này, rất nhiều chủ trương, giải pháp đã được cấp ủy, chính quyền đề ra. Bắt đầu từ ánh sáng Nghị quyết...

Tin cùng chuyên mục