Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chống diễn biến hòa bình

Vạch trần bản chất lừa bịp của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”

PV - 08:05, 25/03/2024

Thời gian qua, trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên xuất hiện hoạt động của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”. Tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã xuyên tạc Kinh Thánh để lừa mị, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia vào hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp phát triển lực lượng lập “Nhà nước Mông”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các đối tượng cầm đầu các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” ở nước ngoài đã triệt để sử dụng phương thức, thủ đoạn thông qua điện thoại, mạng xã hội, các phần mềm họp trực tuyến để chỉ đạo số đối tượng cốt cán ở trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Mông tham gia với mục đích kích động tư tưởng ly khai, tự trị, tập hợp lực lượng lập “Nhà nước Mông”. Mặc dù đã được lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi các luận điệu tuyên truyền của các đối tượng cầm đầu bên ngoài, vẫn còn lén lút tin theo và tham gia sinh hoạt tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” trên mạng xã hội hoặc ẩn thân vào các tổ chức tôn giáo hợp pháp để chờ thời cơ thuận lợi để tái hoạt động trở lại gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông.

Vậy bản chất hoạt động của các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” là gì? Tác động, ảnh hưởng các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” trong vùng đồng bào dân tộc Mông sẽ như thế nào?

Bản chất hoạt động của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”

- Về đối tượng cầm đầu: Tà đạo “Giê Sùa” và tà đạo “Bà Cô Dợ” đều do các đối tượng là người dân tộc Mông gốc Lào, quốc tịch Mỹ, hiện đang sinh sống ở Mỹ lập ra. Tà đạo “Giê Sùa” do đối tượng David Her (tên thật là Hờ Chá Sùng, khoảng 60 tuổi, người Mông, quê quán ở huyện Phông Xa Vẳn, Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa DCND Lào, hiện đang định cư ở bang California, Mỹ) tự lập ra năm 2000 và bắt đầu tác động, ảnh hưởng vào vùng dân tộc Mông ở Việt Nam vào thời điểm từ đầu năm 2015. David Her đã sáng tác lôgô của tà đạo “Giê Sùa” gồm chữ YESHUA ở phía trên, ngôi sao 6 cánh ở giữa cùng một số họa tiết và phía dưới là dòng chữ “House of Healing” (tạm dịch là “Ngôi nhà an lành”), lợi dụng một số câu, điều trong Kinh Thánh của đạo Tin Lành soạn ra giáo lý, giáo luật của tà đạo “Giê Sùa” và tuyên truyền vào vùng đồng bào dân tộc Mông. Trong khi đó, tà đạo “Bà Cô Dợ” (Tiếng Mông: “Pawg ntseeg vajtswv hlub peb” nghĩa là “Hội thánh Đức Chúa trời yêu thương chúng ta”) do Vừ Thị Dợ, sinh năm 1977, người Mông gốc Lào, quốc tịch Mỹ, hiện đang sinh sống tại thành phố Milwaukee, bang Wiscosin, Mỹ lập ra và làm “Hội trưởng” từ cuối năm 2016. Vừ Thị Dợ đã tuyên truyền lôi kéo một số người Mông sinh sống gần nhà để thành lập ra nhóm đạo và tuyên truyền, phát triển qua các nước, trong đó có Việt Nam thông qua các đoạn video clip tuyên truyền trên mạng xã hội YouTube để lôi kéo mọi người tin theo nhằm lập “Nhà nước riêng” của người Mông.

- Về đối tượng tham gia và địa bàn hoạt động của tà đạo: Đối tượng tham gia của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” chủ yếu là người Mông theo các hệ phái Tin lành như: Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin lành Truyền giáo Phúc âm…, thân nhân, người nhà của số đối tượng cầm đầu, cốt cán và một bộ phận người dân tộc Mông thiếu hiểu biết, khó khăn về đời sống kinh tế nên dễ bị lôi kéo, mua chuộc. Địa bàn ảnh hưởng và hoạt động của “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” chủ yếu tại các bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới các tỉnh phía Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn…) và một số tỉnh vùng Tây Nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk).

- Về phương thức truyền giáo: Kết hợp giữa truyền giáo thông qua hệ thống công nghệ thông tin, còn sử dụng lực lượng tại chỗ; nội dung tuyên truyền vừa vẽ ra viễn cảnh tạo hi vọng như theo đạo không làm cũng có ăn, được sung sướng, có đất đai, còn dùng biện pháp đe dọa tạo nên nỗi sợ hãi với người tin theo. Chúng tuyên truyền “sắp có chiến tranh xảy ra, Chúa dạy phải tích lũy lương thực, than đá...”, khiến một số hộ tin theo mua, tích trữ lương thực, than đá với số lượng lớn, gây hoang mang trong dân chúng, ảnh hưởng đến ANTT. Số cầm đầu “Bà Cô Dợ” bên ngoài thường xuyên thông qua mạng xã hội (YouTube, Facebook) đăng tải, chia sẻ bài viết, video clip để tuyên truyền cho tà đạo “Bà Cô Dợ” hoặc lập các hội kín thông qua ứng dụng Zoom để mọi người tham gia sinh hoạt, tuyên truyền, rao giảng về Kinh Thánh và chỉ đạo hoạt động trong nước. Số đối tượng cầm đầu ở bên ngoài thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo, tài trợ cho số đối tượng cốt cán ở trong nước để sử dụng vào mục đích tuyên truyền, phát triển tà đạo.

- Về kinh sách: Tà đạo “Bà Cô Dợ” sử dụng Kinh Thánh cựu ước và tân ước, in bằng chữ Mông Latinh (chữ Mông mới) và chữ phổ thông giống đạo Tin lành đang sử dụng. Ngoài ra, một số trường hợp nghiên cứu Kinh Thánh và tự biên soạn tài liệu có nội dung giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của mình để tuyên truyền, hướng dẫn người tin theo.

- Về giáo lý, giáo luật: Tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đều chưa hình thành hệ thống giáo lý, giáo luật riêng mà chủ yếu cắt xén, cóp nhặt, xuyên tạc từ Kinh Thánh. Những người tuyên truyền “Bà Cô Dợ” phủ nhận vai trò cứu thế của Chúa Giê Su, chỉ có chúa tái lâm lần thứ 2 mới là chúa thật. Vừ Thị Dợ tự nhận mình là nhà tiên tri được “Chúa Cha” chọn làm sứ giả giúp cai quản công việc ở trần gian, hơn nữa bà còn được “Chúa Cha” chọn làm người sinh ra chúa tái lâm lần 2, tên là Nu-Long (con trai út của Vừ Thị Dợ) để cứu giúp người Mông và cai quản công việc trần gian; những người theo đạo khác sẽ bị đày xuống hỏa ngục, ai theo chúa tái lâm lần 2 sẽ được lên thiên đường; khi có chiến tranh xảy ra, chúa tái lâm sẽ cứu sống những người tin theo và đưa họ về vùng đất do chúa tái lâm lần 2 đứng đầu để sinh sống. Những người theo “Bà Cô Dợ” không thờ cúng ông bà, tổ tiên, không thừa nhận Chúa Giê Su, chỉ thừa nhận chúa tái lâm lần 2. Còn tà đạo “Giê Sùa” không thừa nhận tên chúa là Giê Su mà gọi là “Giê Sùa”; không thừa nhận các nhân vật Adam và Eva trong Kinh Thánh mà thay thế bằng nhân vật khác có tên là “Chàng Ong” và “Cô Ía” theo truyền thuyết của người Mông. David Her tự nhận mình chính là thiên sứ (người đưa tin), sứ giả của Chúa Giê Sùa và biết trước ngày chúa tái lâm và sẽ làm vua của người Mông, ai tin và đi theo Chúa Giê Sùa sẽ có đất nước riêng; cho rằng, đạo Tin lành không phải là tôn giáo của người Mông, chỉ có Giê Sùa mới là tôn giáo của người Mông. Những người theo “Giê Sùa” cũng không thờ cúng ông bà, tổ tiên, phủ nhận Chúa Giê Su mà chỉ thờ Chúa Giê Sùa.

- Về sinh hoạt: Những người tin theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” sinh hoạt đạo bằng hình thức trực tuyến là chủ yếu; các đối tượng và người tin theo sử dụng mạng xã hội Facebook, qua ứng dụng Zoom, điện thoại thông minh để hội họp, nghe, xem đối tượng cầm đầu ở Mỹ giảng trực tiếp, sử dụng Kinh tân ước và cựu ước như đạo Tin lành. Khi giảng đạo họ trích nguyên câu Kinh Thánh nhưng lại giải thích khác đi theo ý của mình. Ngoài ra còn tập trung tại nhà riêng của số đối tượng cầm đầu để sinh hoạt, các điểm nhóm tụ tập sinh hoạt không có nhóm trưởng mà nhiều người thay nhau chủ trì buổi sinh hoạt.

Tà đạo “Bà Cô Dợ” không tổ chức lễ Phục sinh, chỉ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 23/11 hằng năm vì cho rằng đây là ngày sinh của chúa tái lâm lần 2; không bắt tín đồ đóng 10% thu nhập mà ai theo sẽ được chia tiền khi những người ở nước ngoài gửi về; thời gian sinh hoạt do “Bà Cô Dợ” đưa ra từ 22h ngày thứ bảy đến 3h ngày chủ nhật, nhưng ở Việt Nam các điểm nhóm thường sinh hoạt vào buổi sáng (7-9h), chiều (13-15h) ngày chủ nhật. Còn tà đạo “Giê Sùa” không tổ chức lễ Giáng sinh, Phục sinh, coi đây là bịp bợm, chuyển ngày sinh hoạt từ chủ nhật sang sáng thứ bảy hằng tuần với lý do chúa đã làm việc và tạo dựng đất trời, muôn loài trong sáu ngày, đến ngày cuối cùng chúa phải được nghỉ ngơi.

Tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” trong vùng đồng bào dân tộc Mông

Sự du nhập và phát triển của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” vào vùng đồng bào dân tộc Mông các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên đã có những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Thứ nhất, hoạt động của các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, làm hủy hoại các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống: Nhiều người sau khi tin theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã từ bỏ các hoạt động văn hóa cộng đồng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tâm lý trong tình trạng hoang mang khi số đối tượng cầm đầu tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” thường xuyên tuyên truyền về ngày tận thế, chúa tái lâm, chiến tranh... Đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân bị xáo trộn, tạo sự hoang tưởng khiến bà con không nghĩ đến việc lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế gia đình gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, hoạt động của các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ trong từng gia đình, dòng họ, giữa các tôn giáo với nhau, gây chia rẽ giữa một bộ phận quần chúng nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Những đối tượng cầm đầu tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” thường xuyên đả kích các tôn giáo chính thống, chê bai phong tục truyền thống người dân tộc Mông; tuyên truyền gây chia rẽ người Mông với các dân tộc khác, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Thứ ba, hoạt động của các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã gây cản trở việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương: Sự xâm nhập của các tà đạo vào địa bàn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chế độ chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Một số đối tượng theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đã hướng dẫn cách thức đối phó với chính quyền khi được mời lên làm việc, hướng dẫn cách thức thu thập thông tin, tài liệu, viết bản tường trình, báo cáo cho các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí nước ngoài và tuyên truyền cho số người tin theo không thực hiện tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 trong thời điểm dịch đang bùng phát.

Thứ tư, lợi dụng tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” để hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”. Bản chất của “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” là một tà đạo, lợi dụng những yếu tố đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông để tuyên truyền, kích động gây chia rẽ dân tộc Mông với các dân tộc khác; tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng ly khai, tự trị thành lập “Nhà nước Mông”. Điển hình như trong quá trình tuyên truyền, David Her đã kích động người Mông ở các nước, trong đó có Việt Nam, kéo về Lào để chiến đấu, xây dựng “Nhà nước Mông” tại Xiêng Khoảng, Lào. Các đối tượng cầm đầu đã tuyên truyền: “Đức Chúa trời Giê Hô Va đã chia đất nước cho người Mông nhưng người Mông không đoàn kết nên bị các nước khác xâm chiếm; người Mông không có lãnh thổ, nhà nước riêng, suốt đời đi làm thuê cho các dân tộc khác, thời gian tới chúa sẽ tái lâm làm vua của dân tộc Mông. Ai tin tưởng chúa “Giê Sùa” thì có được đất nước riêng của người Mông, cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc…

Số đối tượng cầm đầu tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” ở Mỹ thường xuyên tuyên truyền luận điệu cho rằng đây là tôn giáo chính thống của người Mông; coi các tôn giáo khác là tà giáo để từ đó gây chia rẽ những người theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” với các tôn giáo khác, tập hợp lực lượng, hình thành tôn giáo riêng của người Mông. Sự xuất hiện của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” gắn liền với vấn đề “Nhà nước Mông” và gần đây các đối tượng có xu hướng sử dụng tà đạo như một dạng của Tin lành của người Mông. Hoạt động này cùng với sự hậu thuẫn của các cá nhân, tổ chức chống phá bên ngoài và một số đối tượng phản động trong vùng dân tộc Mông tiềm ẩn nhiều yếu tố, gây phức tạp về an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Thời gian qua, người dân sinh sống, sản xuất quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà và lòng hồ thủy điện Plei Kần, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) liên tiếp chịu cảnh nước dâng ngập hoa màu, đất đai sạt lở. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Việc chậm trễ này đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.