Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Giang Đông đã khác...

Lê Hường - 16:51, 30/12/2024

Thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây từng là “điểm nóng” về ma túy, khiến cho cuộc sống nhiều người dân rơi vào cảnh bần cùng, trở thành nỗi ám ảnh của cộng đồng. Nhưng nay, Giang Đông vươn mình đầy sức sống, diện mạo khang trang, cuộc sống người dân ngày càng no đủ, hạnh phúc, dấu tích u ám trong quá khứ dần lùi xa.

Thôn Giang Đông đã chuyển mình mạnh mẽ cơ sở hạ tầng khang trang
Thôn Giang Đông đã chuyển mình mạnh mẽ

Quá khứ u ám

Trở lại thôn Giang Đông ngày cuối năm trong tiết trời se lạnh, chúng tôi bất ngờ với sự đổi thay ngoạn mục của vùng đất một thời điêu tàn vì ma túy. Con đường chính vào thôn được bê tông sáng loáng, rộng rãi thay thế lối mòn gập ghềnh từng là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Điện được đưa về từng nhà, những ngôi nhà khang trang, kiên cố thế chỗ nhà tạm bợ, sập xệ, dột nát.

Dẫn chúng tôi dạo quanh những tuyến đường nội thôn mới được xây dựng khang trang, anh Xổng A Sử, Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự thôn Giang Đông mỉm cười bảo: Giang Đông đã đổi thay mạnh mẽ. Giao thông thuận lợi đã mở ra cơ hội phát triển cho người dân trong thôn, từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất đến giao thương. Chẳng thế mà, nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đủ loại đồ dùng sinh hoạt, phương tiện sản xuất.

Ngược ký ức về 10 năm trước, khi thôn Giang Đông chìm trong ma túy, tình trạng mua bán ma túy ở đây diễn ra thường xuyên. Anh Sử kể, "con nghiện” công khai tiêm chích, sử dụng ma túy ngay ven đường, kim tiêm vương vãi khắp nơi. Lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt, triệt phá nhiều vụ việc nhưng bắt người này, lại xuất hiện người khác. Ma túy đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, làng xóm. Không ít người bán hết cả gia sản, rồi trộm cắp để có tiền thỏa mãn cơn thèm thuốc, gây mất trật tự an ninh.

Nhiều cặp gia đình cả bố mẹ, con cái đều nghiện ma túy. Như trường hợp gia đình ông G.D.L. Cả hai vợ chồng ông L và hai con đều nghiện ma túy. Người chồng bị bắt đi tù 3 năm vì liên quan đến một vụ án ma túy, khi trở về đã đổ bệnh và qua đời. Vài ngày sau, người vợ cũng rơi vào vòng lao lý. Hai con trai nghiện nặng đều được đưa đi cai nghiện.

Ngày ấy, ma túy như bóng ma u ám, quấn lấy người dân thôn Giang Đông và cũng là nỗi sợ của cộng đồng dân cư trong khu vực. 

Trung tá Chu Tiến Thành, Phó trưởng Công an xã Ea Dăh cho biết: Thôn Giang Đông nằm ở địa phương hẻo lánh, giáp ranh với nhiều địa phương khác, nhiều đối tượng đã lợi dụng địa bàn mua bán, tàng trữ ma túy.  Khi lực lượng Công an chính quy được điều động về đã phối hợp với Công an huyện Krông Năng, tập trung lực lượng đấu tranh, truy quét quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều đối tượng. Nhờ đó, tệ nạn ma túy thôn Giang Đông nói riêng và xã Ea Dăh nói chung giảm sâu trong các năm gần đây. 

Năm 2023, phát hiện 10 vụ án về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại xã Ea Dăh. Đến năm 2024, số vụ án liên quan đến ma túy giảm xuống còn 3 vụ và có 4 trường hợp được đưa đi cai nghiện bắt buộc, trong đó có 1 người ở thôn Giang Đông. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp mới nghiện ma túy tại thôn Giang Đông, số còn lại chủ yếu vẫn là các đối tượng đã nghiện ma túy nhiều năm nay.

Nhiều hộ dân thôn Giang Đông xây dựng nhà kiên cố, đời sống ngày càng phát triển
Nhiều hộ dân thôn Giang Đông xây dựng nhà kiên cố, đời sống ngày càng phát triển

Ngoài công tác đấu tranh, Công an xã còn tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai quản lý người nghiện ma túy, đối tượng sau khi cai nghiện về, trường hợp đăng ký cai nghiện tại cộng đồng. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân.

Bên cạnh đó, tham mưu cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hỗ trợ cho một số người vay vốn theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Không ít ngưi sau khi chấp hành án, cai nghiện thành công về địa phương sinh sống chấp hành tốt các quy định pháp luật, tập trung làm ăn kinh tế. Đơn cử, năm 2022, chị M.T.M. (SN 1996), trú thôn Giang Đông sau khi chấp hành xong án tù về các tội mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, chị được hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng. Với số tiền này, chị đã mua 4 con trâu để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, cuộc sống của gia đình chị M. đã ổn định và ngày càng cải thiện.

Giang Đông khoác áo mới

Kìm hãm ma túy, xây dựng cuộc sống mới, chính quyền các cấp, lực lượng Công an và nỗ lực bứt phá của cộng đồng dân cư, thôn Giang Đông hồi sinh, vươn mình mạnh mẽ. Hôm nay, Giang Đông đã khoác lên mình chiếc ao mới, với những gam màu tươi sáng. Hàng chục căn nhà được xây dựng khang trang theo thiết kế hiện đại mọc lên giữa xanh ngát rẫy nương.

Những con đường bê tông thay thế đường đất lầy lội
Những con đường bê tông thay thế đường đất lầy lội

Đứng trước căn nhà mới xây màu sơn trắng, nền gạch men sáng loáng, bà Sùng Thị Nhìa (SN 1972) phấn khởi nói: Từ khi các tuyến đường nội thôn được bê tông hóa, việc đi lại, sản xuất, giao thương mua bán dễ dàng, cuộc sống của người dân chúng tôi thay đổi rất nhiều. Ra các địa bàn bên ngoài mua bán, mở rộng quan hệ giao thương nên bây giờ bà con thôn Giang Đông đã nghe, nói thành tạo tiếng phổ thông, tự tin giao tiếp với bên ngoài. Nhiều thanh niên, người trong độ tuổi lao động tìm đến các tỉnh, thành phố lớn để làm công nhân có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Nhật Phùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Dăh cho biết: Thôn Giang Đông có 173 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó hơn 80% đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình chính sách. Năm 2000, chính quyền địa phương phối hợp với huyện triển khai mô hình cây vải chín sớm cho 10 hộ dân.

Đặc biệt, những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, thôn Giang Đông được tỉnh phê duyệt đầu tư theo chương trình ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS, với tổng kinh phí 168 tỷ đồng và đang trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, bà con thôn Giang Đông còn được đầu tư hỗ trợ cây giống, bò sinh sản. Từ nguồn lực chính sách và sự nỗ lực vươn lên của người dân, thôn Giang Đông đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục
Mường Hoong, Ngọc Linh không còn là nơi nghèo nhất ở Kon Tum

Mường Hoong, Ngọc Linh không còn là nơi nghèo nhất ở Kon Tum

Trở lại xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei (Kon Tum) hôm nay, nhìn về xa là những ngôi làng ở lưng chừng núi với nhiều sắc màu của những căn nhà mới xây; những ruộng lúa xanh tốt quanh năm; những vườn cà phê trĩu quả; những vườn sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm xanh mướt... Cho thấy, cái nghèo nàn, lạc hậu năm xưa đang dần lùi xa, vùng đất này đang từng ngày khởi sắc.