Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ: Cần điều chỉnh trước khi nhân rộng mô hình (Bài 2)

Hiếu Anh - 10:32, 15/03/2021

Từ thực tế chứng minh, việc triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (GDSNTCSTMĐ), không chỉ giúp cho vùng đồng bào DTTS gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà còn trực tiếp giúp học sinh tự tin trong giao tiếp và phát triển tư duy. Tuy nhiên, một số văn bản quy phạm pháp luật về chương trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, thời gian tới chúng ta cần phải sửa đổi trước khi nhân rộng mô hình.

Việc thiếu SGK song ngữ ảnh hưởng không tốt tới giáo dục trẻ em DTTS
Việc thiếu SGK song ngữ ảnh hưởng không tốt tới giáo dục trẻ em DTTS

Để duy trì kết quả đã đạt được trong GDSNTCSTMĐ, Tiến sĩ Hà Đức Đà, Ban nghiên cứu giáo dục dân tộc, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, trước hết đối với các địa phương đã triển khai thực hiện GDSNTCSTMĐ (Lào Cai, An Giang, Gia Lai và Trà Vinh), cần chủ động trong việc xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển giáo dục song ngữ trong khi chờ Nhà nước ban hành chính sách.

Cụ thể, các địa phương cần có giải pháp về cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc, dạy song ngữ; hỗ trợ kinh phí quản lý cho cán bộ sở, trường trực tiếp tham gia quản lý và kinh phí hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu tham khảo.

Đồng thời, các địa phương đang triển khai, cũng cần có kế hoạch chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện dạy tiếng DTTS ở tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chuẩn bị những điều kiện cần thiết, để có thể thực hiện GDSNTCSTMĐ theo chương trình sách giáo khoa mới.

Không chỉ các địa phương đang thực hiện GDSNTCSTMĐ, các địa phương có đông học sinh DTTS khác, cũng cần sớm có kế hoạch phát triển giáo dục dân tộc, đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông để nâng cao nhận thức pháp luật của cộng đồng, cha mẹ học sinh về quyền trẻ em, quyền được học tập của trẻ. Các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục phải giúp học sinh nâng cao nhận thức, tinh thần, thái độ đối với tiếng mẹ đẻ.

Về góc độ quản lý nhà nước, ngày 28/1 vừa qua, tại Hội thảo tham vấn, vận động chính sách tái khởi động giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với các bên liên quan,  sửa đổi việc giáo dục song ngữ một cách phù hợp.

Theo đó, Hội đồng Dân tộc kiến nghị, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/NĐ-CP ngày 15/7/2010 quy định dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Cụ thể, cần bổ sung quy định về nội dung, phương pháp, kế hoạch GDSNTCSTMĐ tại các nơi có điều kiện vào điều 5 của Nghị định. Đồng thời, Nghị định này cũng cần bổ sung quy định về chính sách phụ cấp cho giáo viên dạy SNTCSTMĐ, hỗ trợ kinh phí công tác quản lý cho các sở, trường tham gia thực hiện vào khoản 1 điều 9 Nghị định.

Hội đồng Dân tộc cũng kiến nghị, bổ sung quy định về việc Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa song ngữ cho người học tham gia học tập giáo dục song ngữ vào khoản 2 điều 9 Nghị định. Ngoài ra, Chính phủ cần bổ sung quy định về việc giao thêm biên chế cho các cơ sở giáo dục phổ thông dạy song ngữ, tương ứng với định biên giáo viên/lớp vào khoản 3 điều 9 Nghị định.

Đồng thời, đối với Bộ giáo dục và đào tạo, cần có kế hoạch tập huấn về chương trình, sách giáo khoa song ngữ; tập huấn bồi dưỡng về tiếng, phương pháp dạy song ngữ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Cần ưu tiên cho những đơn vị nghiên cứu đã có kinh nghiệm triển khai thực hiện. Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm đối với giáo dục dân tộc, cần bổ sung nội dung hướng dẫn GDSNTCSTMĐ để các địa phương có điều kiện thực hiện…