Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giáo dục truyền thống thông qua lễ hội

PV - 10:48, 19/04/2019

Những năm qua, việc khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ được nhiều địa phương quan tâm, thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể. Ở xã Mường Sang, thuộc cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), hằng năm đồng bào Thái đều tổ chức Lễ hội Cầu mưa. Điều đáng nói, ngoài ý nghĩa sinh hoạt văn hóa tâm linh, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, Lễ hội Cầu mưa còn có giá trị giáo dục sâu sắc.

Giáo dục từ lễ hội

Được phục dựng từ năm 2010, đến nay, Lễ hội Cầu mưa của đồng bào Thái ở bản Nà Bó 1 đã được nâng cấp quy mô thành lễ hội truyền thống cấp xã. Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch, tại không gian rộng trong khuôn viên UBND xã Mường Sang. Lễ hội Cầu mưa 2019 có sự giao lưu đông đảo của bà con các xã khác trên địa bàn huyện, đặc biệt có sự tham dự của khoảng 500 em học sinh Trường Mầm non Mường Sang và Trường THCS Mường Sang.

Lễ hội Cầu mưa Du khách và đồng bào dân tộc Thái cùng hòa vào vòng xòe đoàn kết trong Lễ hội Cầu mưa.

Chia sẻ về lý do cho học sinh tham gia vào hoạt động lễ hội, bà Hoàng Thị Sinh, Phó Chủ tịch xã Mường Sang phấn khởi thông tin, đây là một trong những nét đổi mới của hoạt động tín ngưỡng cầu mưa. Đó là việc gắn với ý nghĩa giáo dục cho trẻ em, như cầu nối quá khứ với hiện tại, để nhắc nhở trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống của thế hệ sau với văn hóa truyền thống của tổ tiên để lại.

Hơn 2 giờ hòa mình vào không khí thiêng liêng, đầy cảm xúc, các em học sinh được giải thích về ý nghĩa, nguồn gốc lễ hội, được chứng kiến, trực tiếp tham gia những nghi lễ truyền thống của dân tộc. Em Lường Thị Hồng Duyên, học sinh lớp 7B Trường THCS Mường Sang chia sẻ: “Chúng em rất vui khi trực tiếp được tham gia lễ hội của dân tộc mình, được tham gia các nghi lễ rất ý nghĩa giúp chúng em hiểu hơn về những nét đẹp, những đạo lý, cội nguồn dân tộc… từ đó chúng em thấy cần học hỏi, tìm hiểu để mai này trở thành đội ngũ kế cận có thể tổ chức, thực hiện các nghi lễ của dân tộc mình”.

Thực tế chứng minh rằng, lễ hội có vai trò giáo dục truyền thống rất sâu sắc và quan trọng, khi phần lớn nội dung hoạt động đều gắn với những di tích tín ngưỡng dân gian. Thông qua đó, thanh-thiếu niên được giáo dục về lòng tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy truyền thống, di sản văn hóa của ông cha để lại.

Tận dụng cơ hội quảng bá du lịch

Một thành công khác, sự mở rộng quy mô Lễ hội Cầu mưa 2019 cũng đang thu hút khách du lịch đến địa phương, kể cả du khách nước ngoài. Gần 20 hộ kinh doanh homestay tại bản Nà Bó 1 đều “cháy” phòng. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá các điểm du lịch khác của Mộc Châu như: Thác Dải Yếm, Hang Dơi, Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Anh Vũ Thành Công (Hà Nội) chia sẻ: “Đây là năm thứ ba, tôi cùng bạn bè tham gia Lễ hội Cầu mưa. Chúng tôi thường ở lại vài ngày để nghỉ ngơi và thăm quan các địa điểm du lịch khác. Tôi chọn ở homestay với người bản địa để khám phá cuộc sống của người Thái, càng ngày tôi càng yêu thích văn hóa của dân tộc này”.

Nhìn từ Lễ hội Cầu mưa của người Thái ở Mộc Châu, ta có thể nhận ra được tiềm năng rất lớn của sản phẩm du lịch tâm linh. Không chỉ là tín ngưỡng, trong lễ hội, người tham gia còn được khám phá ẩm thực đặc trưng Tây Bắc như: măng đắng, pa pỉnh tộp, bánh ít uôi, xôi ngũ sắc, hay trải nghiệm các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống như ném còn, tó má lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, đập mõ trâu, đi cà kheo đá bóng...

Gắn các lễ hội truyền thống với quảng bá, phát triển du lịch, với giáo dục truyền thống như Lễ hội Cầu mưa của người Thái ở Mộc Châu là một hướng đi đúng đắn, dù nó chỉ đang diễn ra ở quy mô nhỏ ở cấp xã, huyện

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.