Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo họ, giáo xứ bình yên

An Yên - 06:49, 18/11/2023

Mô hình “Giáo họ, giáo xứ bình yên” ở Nghệ An đã tạo được sức lan tỏa và ngày càng được nhân rộng, tạo ra nhiều đổi thay trong đời sống đồng bào công giáo. Từ mô hình này, không những vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị được nâng cao, mà con giúp đồng bào công giáo nhận thức rõ hơn về vị trí bản thân trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, xây dựng cuộc sống theo phương châm "tốt đời, đẹp đạo".

Bà con giáo dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn tham gia xây dựng Nông thôn mới
Bà con giáo dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn tham gia xây dựng Nông thôn mới

Nhiều mô hình hay

Mô hình “giáo họ bình yên”, không có người vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội ở xã Diễn Liên (Diễn Châu, Nghệ An) ra đời, với quy chế hoạt động rõ ràng, cụ thể. Theo đó, đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong việc làm tốt công tác tự quản, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước; thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy xã Diễn Liên Võ Văn Dụ trao đổi: Mô hình đã được tuyên truyền và lồng ghép dưới nhiều hình thức, như qua hệ thống loa truyền thanh, qua các buổi họp dân, sinh hoạt tổ ANXH, các buổi giảng đạo trong nhà thờ, trong sinh hoạt giáo họ... nên đã phát huy những hiệu quả tích cực. Bằng chứng là an ninh vùng giáo đã được cải thiện đáng kể, một số tai tệ nạn xã hội đã được đẩy lùi.

Ở huyện Diễn Châu, đã có 7 mô hình “giáo họ bình yên” được thành lập tại các xã Diễn Liên, Diễn Quảng, Diễn Hạnh, Diễn Mỹ, Diễn Đoài, Diễn Kỷ, Diễn Nguyên, Diễn Thịnh. Điều đáng chú ý, các mô hình đã được lồng ghép, gắn kết với nhiều phong trào thi đua yêu nước của địa phương như “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “đền ơn, đáp nghĩa”, “khuyến học, khuyến tài”… nên càng lan tỏa trong cộng đồng dân cư, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con giáo dân.

Công an xã Quỳnh Tam thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình đời sống bà con giáo dân
Công an xã Quỳnh Tam thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình đời sống bà con giáo dân

Từng là “điểm nóng” về tệ nạn xã hội với trộm cắp, bài bạc,… nhưng từ năm 2019, khi Giáo xứ Phú Xuân, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu, Nghệ An) xây dựng mô hình “giáo xứ bình yên”, tình hình ANTT được bảo đảm, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn giảm rõ rệt. Trong hơn 4 năm qua (2019-2023), lực lượng chức năng đã phối hợp bắt 3 vụ liên quan đến mua bán và tàng trữ ma túy đối với 4 đối tượng; xử lý 2 vụ trộm cắp trên địa bàn; lập hồ sơ, khởi tố 5 đối tượng liên quan đến đánh bạc…

Để triển khai mô hình “giáo xứ bình yên”, chính quyền xã đã cùng Công an xã xây dựng các tiêu chí đảm bảo đạt chuẩn “an toàn về an ninh, trật tự”. Bên cạnh đó, xây dựng 25 tổ liên gia tại 2 xóm và tổ chức ký cam kết “tổ liên gia an toàn”; phối hợp với các linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ tuyên truyền và vận động người dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Giáo xứ cũng đã thành lập đội tự quản về an ninh, trật tự với 40 thành viên là giáo dân trên địa bàn. Thông qua mô hình đã tập hợp, huy động được giáo dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng giáo xứ không tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh. 

Đại uý Hồ Ngọc Thạch, Trưởng Công an xã Quỳnh Tam cho biết: Mô hình “giáo xứ bình yên” đã tạo được sự đồng thuận của đông đảo Nhân dân, đặc biệt là linh mục Quản xứ Phú Xuân. Từ đó, giáo xứ cùng với chính quyền địa phương đã giúp bà con yên tâm sinh sống, sản xuất và giữ vững khối đại đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng giáo xứ bình yên.

Ra mắt mô hình giáo xứ bình yên tại giáo xứ Bồ Sơn ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc
Ra mắt mô hình giáo xứ bình yên tại giáo xứ Bồ Sơn ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc

Từ hiệu quả của mô hình “giáo xứ, giáo họ bình yên”, lực lượng Công an các cấp đã tham mưu các cấp chính quyền chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình tại nhiều địa bàn với nhiều tên gọi khác nhau. Chỉ tính từ năm 2021 - 6/2023, các địa phương trên toàn tỉnh Nghệ An đã triển khai xây dựng các mô hình ở địa bàn vùng giáo, như: “Câu lạc bộ Cựu chiến binh với công tác bảo đảm ANTT; “Tự quản về ANTT”; “Giáo xứ, giáo họ bình yên, đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Camera an ninh”; “Thôn, xóm không có tội phạm, tệ nạn xã hội”; “Đường cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo”…

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá: Kết quả đó không chỉ góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, mà còn tạo tiền đề vững chắc để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An. Quan trọng hơn, từ mô hình “giáo xứ, giao họ bình yên” đã góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết lương giáo, tình đoàn kết trong và ngoài giáo họ vì cộng đồng phát triển, ổn định.

Đồng bào Công giáo ở Nghệ An có hơn 295.000 tín đồ; có 3 giám mục, 208 linh mục, 447 nhà thờ xứ, họ ở 211/460 xã, phường, thị trấn, thuộc 17/21 huyện, thành, thị.

Bảo đảm ANTT ở cơ sở

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, việc tham mưu, tổ chức xây dựng, duy trì, nhân rộng hoạt động của các mô hình bảo đảm ANTT tại địa bàn vùng giáo để phục vụ nhiệm vụ bảo đảm ANTT nói chung, trong xây dựng Nông thôn mới nói riêng được các đơn vị, địa phương triển linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình tại các địa phương.

Ra mắt mô hình giáo họ bình yên tại giáo họ Yên Thịnh ở xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu
Ra mắt mô hình giáo họ bình yên tại giáo họ Yên Thịnh ở xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu

Theo đó, với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện của lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể; sự đồng thuận, ủng hộ của các chức sắc, chức việc; sự tham gia tự giác, trách nhiệm của bà con giáo dân, nên hoạt động của các mô hình bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn vùng giáo, đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở. Từ đây, đông đảo người dân đã tự nguyện đóng góp sức người, sức của vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Từ năm 2016-6/2023, bà con giáo dân trong tỉnh đã hiến 124.093 mét vuông đất, tháo dỡ 84.308m tường bao, đóng góp 71.263 ngày công và 307,9 tỷ đồng, làm được 46,3km đường giao thông bê tông, góp phần làm thay đổi cảnh quan nông thôn. Qua đó, góp phần đưa 7 đơn vị cấp huyện, 309 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có 252 xã có đông đồng bào Công giáo được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 273/501 xóm giáo đạt chuẩn văn hóa.

Hiện nay tỉnh Nghệ An có 252 xã có đông đồng bào Công giáo được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 273/501 xóm giáo đạt chuẩn văn hóa (Trong ảnh: Một góc giáo xứ La Nham xã Nghi Yên,huyện Nghi Lộc
Hiện nay tỉnh Nghệ An có 252 xã có đông đồng bào Công giáo được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 273/501 xóm giáo đạt chuẩn văn hóa (Trong ảnh: Một góc giáo xứ La Nham xã Nghi Yên,huyện Nghi Lộc

Điều rất đáng mừng là tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội giảm theo từng năm (năm 2021 giảm 10% so với năm 2020; năm 2022 giảm 7,7% so với năm 2021; 9 tháng đầu năm 2023, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022). Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị và được Bộ Công an đưa 267 xã trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện xã trọng điểm phức tạp về ANTT. 

Đây là một trong những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua. Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp từ hiệu quả của các mô hình "Giáo họ, giáo xứ bình yên".

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.