Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Đổi thay ở những giáo xứ, giáo họ: “Lợi đạo, ích đời”, đồng hành cùng với dân tộc (Bài 1)

Nguyễn Thanh và CTV - 13:13, 24/08/2022

LTS: Cuộc sống bà con giáo dân tại nhiều giáo xứ, giáo họ trên địa bàn các tỉnh khu vực Trung Bộ đang ngày một khởi sắc, đổi thay. Trong thành công chung và niềm vui đó, ngoài sự nỗ lực, đoàn kết của cộng đồng giáo dân; còn là cái tâm kính chúa yêu nước, là sự lãnh đạo đúng đắn của người quản xứ trong việc phát huy tình đoàn kết lương - giáo theo phương châm xây dựng cuộc sống 'lợi đạo, ích đời", đồng hành cùng dân tộc. Ghi nhận ở xã vùng giáo Hưng Yên Nam

Từ một xã vùng giáo bán sơn địa nghèo khó, nay Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên, Nghệ An) đang khởi sắc từng ngày. Bức tranh tươi mới ấy được dệt nên từ chính những con người miệng nói tay làm; từ những chủ trương, chính sách hợp lòng dân; từ niềm tin được củng cố vững chắc để bà con giáo dân đoàn kết cùng lương dân thi đua xây dựng quê hương giàu đẹp.

Người dân xóm 7 chơi thể thao ở khuôn viên nhà văn hóa xóm
Người dân xóm 7 chơi thể thao ở khuôn viên nhà văn hóa xóm

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”…

Ở Hưng Yên Nam, đồng bào theo đạo chiếm 80% dân số với 6/8 xóm là giáo toàn tòng. Bà con giáo dân sinh hoạt tín ngưỡng tại 7 giáo họ, thuộc 3 giáo xứ (Đồng Sơn, Tràng Nứa, Yên Thịnh).

Khó khăn lớn nhất ở xã vùng giáo Hưng Yên Nam nguồn thu ngân sách rất hạn chế, lại được chia tách từ xã Hưng Yên cũ nên cơ sở vật chất hạ tầng ban đầu thiếu thốn, chắp vá.

Một thời, trụ sở UBND xã phải tận dụng cơ sở hạ tầng hội trường của UBND xã cũ để làm việc; không có trường mầm non; còn trường THCS và trường tiểu học xuống cấp nghiêm trọng; trạm y tế dùng chung; đa số các tuyến đường giao thông nông thôn còn là đường đất chưa được nâng cấp khiến người dân gặp khó khăn từ sản xuất đến đi lại và giao thương.

Nay xã vùng giáo Hưng Yên Nam đã “lột xác” bằng những chủ trương, chính sách hợp lòng dân; từ sự nhiệt huyết của những con người dám nghĩ, dám làm; từ sự đoàn kết của cộng đồng lương-giáo…

Ấn tượng đầu tiên ở Hưng Yên Nam, là những căn nhà văn hóa được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Nhà văn hóa xóm 2, là một trong số đó.Trên tổng diện tích 1.500m2, với thiết kế đồng bộ gồm, nhà sinh hoạt cộng đồng, bờ bao trị giá hơn 800 triệu đồng, khánh thành tháng 8/2021 đã chấm dứt những tháng ngày cán bộ thôn phải mượn tạm nhà dân hoặc nhà xóm trưởng để sinh hoạt của bà con.

Khí thế xây dựng NTM ở Hưng Yên Nam
Khí thế xây dựng NTM ở Hưng Yên Nam

Ông Đặng Văn Hiếu, Xóm trưởng xóm 2, xã Hưng Yên Nam nhớ lại: Xóm chúng tôi có 236 hộ; trong đó, có 80 hộ bà con theo đạo, đồng bào lương - giáo đoàn kết lắm. Ngoài kinh phí 300 triệu đồng được huyện và xã hỗ trợ, người dân đã đồng lòng góp mỗi hộ 2 triệu đồng để chung tay xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng của cả xóm. Nhiều người đã tự nguyện hiến đất, cây xanh, tiền bạc với khí thế hồ hởi để công trình được hoàn thành.

Rồi ông Hiếu tiếp câu chuyện: Chúng tôi đang dự định làm công trình vệ sinh ở phía Nam, sân khấu ở phía Bắc của khu quy hoạch nhà văn hóa. Diện mạo thôn xóm đã thay đổi hoàn toàn, đã có 100% đường bê tông nên đi lại rất thuận tiện. Có thời điểm, trong 1 cuộc họp, chúng tôi vận động thêm để hoàn thiện bờ bao nhà văn hóa, người dân đã hăng hái góp ngay 24 triệu đồng tiền ủng hộ.

Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam trao đổi với người dân xóm 7 về xây dựng NTM
Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam trao đổi với người dân xóm 7 về xây dựng NTM

Ở xóm 7 toàn tòng giáo dân, nhà văn hóa đã xuống cấp. Toàn xóm có 235 hộ với hơn 1.000 khẩu nên mỗi khi sinh hoạt tập thể rất bất tiện. Nhưng khi được huyện và xã hỗ trợ, bà con giáo dân ở xóm 7 đã tự nguyện góp tiền, góp công để hoàn thành nhà văn hóa mới khang trang sát cạnh nhà thờ giáo xứ Đồng Sơn; trên tổng diện tích khoảng 600m2, với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng. 

Không chỉ vậy, các đường giao thông trong xóm cũng đã được bà con chung tay góp sức, góp công để bê tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại. Xóm 7 còn phối hợp xây dựng đường treo cờ Tổ quốc dài 2,5 km nối liền xóm 7, xóm 6, cờ Tổ quốc được treo quanh năm.

Xóm trưởng xóm 7 Nguyễn Hữu Cường vui vẻ: Cấp ủy xóm đã luôn đi đầu, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, kế hoạch. Việc vận động được thực hiện theo hình thức mưa dầm thấm lâu để người dân thông tỏ, việc xây dựng nông thôn mới do chính Nhân dân làm chủ thể và hưởng lợi. 

Một góc xã Hưng Yên Nam
Một góc xã Hưng Yên Nam

Nhìn lại xuất phát điểm trong xây dựng NTM ở Hưng Yên Nam rất thấp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chủ động phối hợp với Hội đồng Mục vụ các giáo xứ để tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích từ chương trình xây dựng NTM như thế nào. Mặt khác, mọi chủ trương, chính sách đều được Hưng Yên Nam công khai, minh bạch về tận xóm và lấy ý kiến của người dân; khơi dậy và phát huy tình đoàn kết lương - giáo chung tay xây dựng NTM.

Những dấu ấn ở vùng bán sơn địa

Niềm tin được củng cố, bà con lương giáo đồng lòng…, đã tạo ra khí thế hồ hởi, đoàn kết mạnh mẽ. Tháng 6/2021, xã Hưng Yên Nam mới chỉ đạt 11 tiêu chí, nhưng đến tháng 12/2021, các tiêu chí NTM đã cơ bản hoàn thành. Bà con lương-giáo đã hiến đất, mở rộng lề đường từ 4 - 7m, làm mương thoát nước. Mỗi hộ dân trung bình đóng góp 10 - 15 triệu đồng để nâng cấp đường giao thông thôn, xóm.

Khuôn viên nhà văn hóa xóm 1 đang dần hoàn thiện các hạng mục phụ trợ
Khuôn viên nhà văn hóa xóm 1 đang dần hoàn thiện các hạng mục phụ trợ


Lãnh đạo xã đã nhiều lần chủ động làm việc với Linh mục và Hội đồng Mục vụ các giáo xứ giải thích rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng NTM cũng tương đồng với ý niệm mà giáo hội hướng tới, đó là làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ đều bám xóm, bám dân để tuyên truyền, vận động và cùng thực hiện. Tôi cho rằng, không riêng một ai mà mỗi người dân ở Hưng Yên Nam đều là những người tiên phong trong phong trào xây dựng NTM.

Hoàng Đức ÂnBí thư Đảng ủy xã Hưng Yên Nam

Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã, liên xã dài 5km đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn. Xã cũng đã thực hiện cứng hóa các trục giao thông nội đồng 129 tuyến với tổng chiều dài 39,96 km, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Các trục đường chính được lắp đèn chiếu sáng, hoa, cây cảnh khoe sắc. Cột cờ được dựng lên ở các trục đường chính để ngày ngày, Quốc kỳ, cờ giáo hội tung bay phấp phới.

Hiện nay, nhiều xóm ở Hưng Yên Nam đã chủ động xây dựng nhiều mô hình nông, lâm kết hợp có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phương hướng chủ đạo là đạo là đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại với mô hình chăn nuôi gà đồi bán chăn thả, nuôi dê lai, nuôi ba ba, nuôi ốc.

Toàn xã đã hình thành vùng được sản xuất chanh hàng hóa với tổng diện tích gần 200ha, chuyển đổi một số vùng trồng chanh truyền thống sang trồng chanh không hạt. Nhiều mô hình kinh tế đã hình thành với vùng chuyên canh đào Tết hơn 30ha, mô hình trồng na dai thâm canh, xây dựng nhiều vườn mẫu, cánh đồng mẫu tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn…

 Một số hộ đã đưa cam Xã Đoài, ổi lê, mít Thái trồng trên đất vườn đồi đạt hiệu quả cao; chuyển một số vùng đất lúa cao cưỡng sang trồng khoai lang chất lượng cao…

Kết quả nổi bật nhất là đời sống vật chất người dân đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã là 13,37%, thì đến năm 2021 còn 2,09%. Và giữa tháng 6 năm 2022, chỉ còn dưới 2%. Diện mạo của vùng quê nông thôn mới đang hình thành. 

Trong câu chuyện trên đồng, trên bãi ở vùng giáo Hưng Yên Nam hôm nay, dấu ấn của những con người dám nghĩ, dám làm; dấu ấn của sự đồng thuận lòng dân giữa lương-giáo đã được khẳng định hơn bao giờ hết./.

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn

Gia Lai: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn

Ngày 28/2, tại Tp. Pleiku (Gia Lai), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức gặp mặt chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, năm 2024. Tham dự có các vị chức sắc, chức việc đại diện cho 5 tôn giáo chính trên địa bàn tỉnh Gia Lai.