Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Gieo chữ là gieo hy vọng: Hành trình vươn tới giấc mơ

PV - 15:22, 27/08/2020

Nhiều người dân ở Sốp Cộp đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi hủ tục, rào cản để quyết tâm theo học cái chữ.

Quyết tâm đạp xe hơn 70 km đi học cấp 3 trường huyện, Tòng Thị Quyên giờ là Phó Phòng Giáo dục huyện, hiện là Thạc sỹ đầu tiên và duy nhất của xã Mường Lạn - quê hương của cô.
Quyết tâm đạp xe hơn 70 km đi học cấp 3 trường huyện, Tòng Thị Quyên giờ là Phó Phòng Giáo dục huyện, hiện là Thạc sỹ đầu tiên và duy nhất của xã Mường Lạn - quê hương của cô.

LTS: Con chữ, học hành giúp hiểu biết để hòa nhập, phát triển. Xác định điều này, nhiều người dân ở Sốp Cộp đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi hủ tục, rào cản để quyết tâm theo học cái chữ.

Nhờ sự nỗ lực ấy và nhờ con chữ, mà nhiều người con của bản làng đã có chỗ đứng trong xã hội, trở thành cán bộ xã, cán bộ huyện. Và chính họ đã, đang trở thành những nòng cốt trong tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, xây dựng cuộc sống tốt đẹp và ấm no.

Trong bài viết thứ 2 của loạt bài Gieo chữ là gieo hy vọng, chúng tôi giới thiệu tới các bạn những nỗ lực không biết mệt mỏi của người dân nơi đây trong hành trình đi tìm cái chữ.

Trung úy Vàng Lao Lừ, Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) - người thầy giáo mang quân hàm xanh được đồng bào hết sức quý mến.
Trung úy Vàng Lao Lừ, Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) - người thầy giáo mang quân hàm xanh được đồng bào hết sức quý mến.

Thào A Cờ, dân tộc Mông sinh ra trong gia đình 8 anh chị em ở bản Phá Thóng, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, Sơn La. Nhận thấy bao nhiêu thiệt thòi của việc mình không biết chữ, bố anh, ông Thào Nhịa Mua đã quyết tâm đi tìm cái chữ về cho các con của mình.

Trường học hồi đó cách xa nhà hàng chục cây số đường rừng, nên thay vì gửi con đi học chữ, hàng tháng, ông đã dành dụm ít thóc, lúa để trả công, mời một người ở bản bên biết chữ về nhà dạy các con của mình. Thào A Cờ nhớ rất rõ, cô dạy chữ cho mình vốn bị tật ở chân, cũng không phải cô giáo, nhưng thành thạo con chữ và rất tận tình hướng dẫn chị em Cờ học chữ.

Sau một thời gian biết chữ nhờ học cô, Cờ được bố gửi về trường xã, rồi trường huyện học tập. Xong mỗi cấp học, Cờ lại quyết tâm học lên cao hơn. Sau này, Cờ là người đầu tiên ở bản ra học chuyên nghiệp ở tận ngoài tỉnh. Tốt nghiệp, Cờ may mắn có việc làm ở huyện; dần dần, giờ đây, Cờ đã được tín nhiệm giữ chức Phó chủ tịch UBND xã nhà.

Nghĩ lại, Cờ thấy mình thật may mắn vì từ nhỏ đã được cha mẹ mời người về nhà dạy cho cái chữ, từ đó có thêm nhiều cơ hội học tập về sau. “Tôi cũng đã động viên bạn bè là phải học thật tốt lên thì mới là thương bố mẹ. Chứ đi học mà ai còn nghĩ là bố mẹ ở nhà vất vả quá, quay về nhà đi làm nương giúp bố mẹ thôi, thì như thế là sai lầm. Mình cũng chưa làm được gì nhiều, nhưng biết chữ thì mình thấy là có được nhiều thứ hơn, vì nếu là mình không đi học chữ thì làm sao mình mở mang được kiến thức, và được giữ vị trí như bây giờ chẳng hạn, và trước đây còn làm thầy giáo nữa”, Thào A Cờ chia sẻ.

Khai giảng lớp xóa mù chữ ở bản Mông.
Khai giảng lớp xóa mù chữ ở bản Mông.

Người dân xã Mường Lạn vẫn còn nhắc mãi cô gái Thái, Tòng Thị Quyên bao năm lặn lội đạp xe đi tìm chữ, sau này đã trở thành cô giáo về dạy chữ cho con em bản mình.

Giờ ở cương vị Phó phòng Giáo dục huyện, nhưng nhắc lại kỷ niệm cũ, Tòng Thị Quyên vẫn thấy như một giấc mơ. Ngày ấy, dù bố mẹ bắt ở nhà lấy chồng, không muốn cho đi học, nhưng hết cấp 2, Quyên nhất quyết muốn ra trường huyện học chữ. Nói là làm, đều đặn mỗi tuần, Quyên đều đạp xe đến trường huyện cách nhà hơn 70 cây số để học cấp 3.

Sau này, khi học xong trường chuyên nghiệp ở tỉnh, Quyên đã trở thành cô giáo về dạy chữ cho bọn trẻ ở bản, ở xã. Với Quyên, con chữ thật quá diệu kỳ, khi đã mang đến cho mình cả kho tàng tri thức để học hỏi, áp dụng vào xây dựng cuộc sống và mở ra những tương lai tốt đẹp phía trước.

Cô giáo Tòng Thị Quyên - “bông hoa đẹp” nở từ con chữ đã, đang góp phần xây những mùa xuân no ấm, yên bình nơi miền biên viễn quê hương.
Cô giáo Tòng Thị Quyên - “bông hoa đẹp” nở từ con chữ đã, đang góp phần xây những mùa xuân no ấm, yên bình nơi miền biên viễn quê hương.

“Bản thân mình đã thiệt thòi như thế, nên cũng thấu hiểu được nỗi vất vả và lý do vì sao đồng bào chậm phát triển kinh tế. Cho dù nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao đời sống cho bà con, tuy nhiên làm chưa đến nơi đến chốn, một phần nào đó cũng do nhận thức và do chưa được học đến nơi đến chốn. Với tôi, nhiều người hỏi động lực đi học thạc sỹ là gì, tôi bảo vì cả họ nhà tôi không có ai có khả năng đi học thạc sỹ, nên tôi quyết tâm đi học. Tôi đi học về để làm gương, để tôi bắt các cháu, các em, các con tôi sau này phải đi học", Tòng Thị Quyên tâm sự.

Cũng nhờ con chữ, mà đồng bào Thái, Mông… ở nhiều bản của Sốp Cộp đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó thoát nghèo. Chị Sồng Thị Dê ở bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn là một ví dụ. Chồng tù tội, một mình chị nuôi 3 con. Không biết chữ, trước đây quanh năm chị chỉ quanh quẩn với mảnh nương, vạt ruộng, cuộc sống lúc nào cũng túng thiếu. Sau này khi học xong lớp xóa mù chữ, chị đã tự tìm tòi, đọc sách báo, học hỏi cách nuôi gà, nuôi dê... Những năm gần đây, đàn dê, gà nhà chị đã bán ra ngoài thị trường. Có thu nhập, các con của chị ai cũng được đi học, bản thân chị cũng thoát khỏi danh sách hộ nghèo của bản, của xã.

“Tất cả là nhờ cái chữ. Không biết chữ thì không biết gì đâu. Chị em mình ai cũng nên đi học chữ, tốt lắm”, chị Dê cho hay.

Anh Sồng A Lau, dân tộc Mông ở bản Nong Phụ, xã biên giới xa xôi Mường Lạn là người thấy rõ nhất hiệu quả của việc vợ mình biết chữ sau khi chị theo học lớp xóa mù chữ ở bản.

A Lau chia sẻ: “Nhà tôi bán hàng, trước đây vợ tôi không biết chữ, người ta nợ cũng không biết ghi sổ sách thế nào. Bây giờ biết chữ rồi, khi tôi đi vắng, vợ tôi đã biết quán xuyến cửa hàng, biết ghi chép sổ nợ cho khách hàng, cuộc sống gia đình nhờ đó cũng thoải mái, khấm khá hơn trước đây nhiều. Tôi rất cảm ơn vợ, cảm ơn thầy giáo đã dạy chữ cho vợ tôi”.

Con chữ mang đến nhiều điều bổ ích, giúp thay đổi cuộc sống. Vì lẽ đó, đồng bào các dân tộc ở Sốp Cộp giờ đây ai cũng háo hức đi học. Nhiều người không đăng ký, không có tên trong lớp học, nhưng khi có lớp xóa mù ở bản, là tự xin theo học. Đây là lý do nhiều lớp xóa mù chữ ở Sốp Cộp sỹ số cuối khóa thường chênh so với danh sách đầu kỳ.

Bản thân ông Lò Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp cũng xác định được vai trò của con chữ: “Xã hội bây giờ ngày càng phát triển. Đơn giản nhất như muốn sử dụng điện thoại cũng cần biết chữ. Từ đấy, bà con tự nhận thức được sự cần thiết của việc học chữ và tự xin tham gia các lớp học xóa mù chữ ở bản, ở xã”.

Theo bà Bùi Thanh Thủy, Bí thư huyện ủy Sốp Cộp, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong nhiệm kỳ đại hội lần này trong việc xóa mùa chữ, gặp sự đồng sức, đồng lòng của bà con, chắc chắn sẽ mang đến những kết quả tích cực./.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.