Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gìn giữ điệu xòe trên “cao nguyên trắng”

Trọng Bảo - 11:25, 22/07/2020

Những năm gần đây, huyện Bắc Hà (Lào Cai) - nơi được gọi là “cao nguyên trắng”, đã trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn với du khách bốn phương. Đến với Bắc Hà, du khách cũng có thể được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật như điệu xòe của đồng bào dân tộc Tày ở Tà Chải.

Các lớp học xòe cho các em học sinh vẫn thường xuyên được mở là cách gìn giữ và phát triển nét văn hóa độc đáo trên mảnh đất Tà Chải
Các lớp học xòe cho các em học sinh vẫn thường xuyên được mở là cách gìn giữ và phát triển nét văn hóa độc đáo trên mảnh đất Tà Chải

Ở tuổi 83, ông Lâm Văn Lù, nghệ nhân cao tuổi nhất của xã Tà Chải vẫn say đắm trong những làn điệu xòe truyền thống của dân tộc mình. Niềm đam mê ấy bắt đầu khi ông còn là một thiếu niên, được tham gia vào các lễ hội mùa Xuân, được biểu diễn điệu xòe của dân tộc mình trong các lễ hội. Ông thuộc tất cả các điệu xòe và biết sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tày. 

Đến nay, mặc dù sức khỏe đã giảm sút đi nhiều, song ông Lù vẫn cháy bỏng khát khao, muốn truyền dạy lại từng làn điệu xòe cho thế hệ con cháu. Bởi đó chính là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày cần quan tâm gìn giữ. 

 “Mất bản sắc văn hóa là mất tất cả, nếu phát triển và duy trì được thì đây cũng là một nét đặc sắc để thu hút khách du lịch về với xã, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con”, ông Lù nói. 

Cũng giống như ông Lù, ông Lâm Văn Vương đã bước sang tuổi 75 nhưng tình yêu với múa xòe trong ông chưa bao giờ cạn. Ông đã dành nhiều thời gian ghi chép lại một cách tỉ mỉ từng điệu xòe, từng câu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc. 

Theo ông Vương, hiện trong các bản làng của người Tày ở xã Tà Chải vẫn còn lưu giữ rất nhiều điệu xòe cổ, như: Xòe khăn, xòe đập lúa, xòe chiêng, xòe mò cá, xòe nón, xòe quạt... Mỗi điệu đều có những nét đặc trưng riêng, nhưng tất cả đều gắn với đời sống lao động sản xuất của đồng bào nơi đây. Xòe mang đến tiếng cười cho bản làng, thôn, xóm, giúp mọi người quên nhọc nhằn trong lao động, sống vui vẻ, lạc quan hơn. 

“Những người cao tuổi như chúng tôi luôn trăn trở lưu giữ và truyền lại những điệu xòe truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ sau. Chúng tôi sẽ dạy cho các cháu từng làn điệu một, để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, sau này các cháu lớn lại truyền cho lớp khác…”.

Mong ước ấy của ông Lù, ông Vương đã và đang trở thành hiện thực, bởi ở Tà Chải hôm nay đang có không ít người cũng nuôi dưỡng tình yêu với nét đẹp văn hóa của quê hương. Cùng với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hiện nay, xã Tà Chải đã thành lập được 5 đội xòe ở 5 thôn: Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lang, Na Lo, Na Hô, tập luyện thường xuyên để phục vụ các sự kiện, các ngày lễ hội của quê hương, đất nước và phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn. 

Xòe Tà Chải đang trở thành tài sản quý, một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương thông qua việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, Homestay. Để lưu giữ và phát triển, những lớp nghệ nhân của làn điệu xòe Tà Chải vẫn đang miệt mài vun đắp, “truyền lửa” nhịp xòe cho thế hệ trẻ để cùng trân trọng, nâng niu và giữ gìn các giá trị truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc Tày trên vùng đất “Cao nguyên trắng”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.