Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gìn giữ văn hóa truyền thống ở miền biên ải: Cộng đồng trách nhiệm để phát huy hiệu quả di sản (Bài cuối)

Thùy Như - 19:20, 27/11/2024

Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang vận dụng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại. Sự “bắt tay” hiệu quả trong công tác bảo tồn đang góp phần để di sản văn hóa vang tiếng, trở thành tài sản trong hành trình phát triển bền vững miền biên ải Cao Bằng.

(Ban Chuyên đề - Bài cđ Ban Dân tộc Cao Bằng) Gìn giữ văn hóa truyền thống ở miền biên ải: “Bắt tay” để di sản vang tiếng (Bài cuối)
Từ nguồn vốn Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng đã mở các lớp truyền dạy đàn Tính - hát Then. (Trong ảnh: Lớp truyền dạy nghệ thuật hát Then đàn Tính, múa Sluông Chầu được tổ chức tại huyện Quảng Hòa).

Phát huy vai trò của cộng đồng

Trong kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể cũng di sản thiên nhiên của Cao Bằng, nhiều di sản đã vang tiếng không chỉ trong nước mà còn cả trên trường quốc tế. Trong đó phải kể đến di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam tại tỉnh Cao Bằng đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019.

Theo ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Cao Bằng, sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cộng đồng Tày, Nùng đang thực hành di sản Then trên địa bàn tỉnh càng nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của Then trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Cùng với chính quyền các cấp, cộng đồng các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then - tài sản chung của nhân loại.

Nổi bật trong đó là hoạt động của Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Sau 13 năm hoạt động (thánh lập năm 2011), đến nay, Hội đã phát triển được 10 chi hội ở các huyện; từ 70 hội viên ban đầu nay đã phát triển lên tới 2.192 hội viên.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng, những năm qua, Hội đã xây dựng 96 chương trình văn nghệ dân ca từ các chi hội cơ sở; tích cực truyền dạy, phổ biến dân ca trong Nhân dân; hội viên của Hội đã tự nguyện tham gia, góp phần tạo nên phong trào hát Then, đàn tính sâu rộng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh Thực hành Then, một di sản lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống, tri thức dân gian đặc biệt giá trị nơi miền biên ải chính là Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Non nước Cao Bằng, đã và đang được cộng đồng các dân tộc chung tay gìn giữ. Những năm qua, đồng bào các các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... ở các huyện Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lạc… vừa bảo vệ giá trị di sản CVĐC, vừa có thu nhập từ bảo vệ giá trị di sản địa chất và văn hóa truyền thống từ mô hình du lịch cộng đồng.

Kể từ khi chính thức được công nhận, thông qua việc xây dựng và phát triển giá trị CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng, lĩnh vực du lịch của tỉnh tăng trưởng khá nhanh. Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2024, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt trên 5,4 triệu lượt, bằng 108% kế hoạch. Đến nay, các chỉ tiêu phấn đấu chung về du lịch đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025.

Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC chất toàn cầu UNESCO (GNN) khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức trong tháng 11/2024, GNN đã thông qua bản “Tuyên bố Cao Bằng” với 8 nội dung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người dân và cộng đồng các dân tộc ở địa phương trong việc gìn giữ các giá trị di sản địa chất.

Bản “Tuyên bố Cao Bằng” khuyến nghị cần xây dựng và thực hiện kế hoạch đồng quản lý, trong đó đáp ứng nhu cầu kinh tế – xã hội, bảo vệ cảnh quan và bảo tồn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của cộng đồng các dân tộc trong khu vực CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng nói riêng và các CVĐC toàn cầu ở các địa phương khác nói chung.

(Ban Chuyên đề - Bài cđ Ban Dân tộc Cao Bằng) Gìn giữ văn hóa truyền thống ở miền biên ải: “Bắt tay” để di sản vang tiếng (Bài cuối) 1
Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” trong khu vực CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng đưa du khách tìm hiểu về miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa - lịch sử tiêu biểu ở miền biên ải. (Trong ảnh: Lễ hội về nguồn Pác Bó năm 2023)

“Đánh thức” di sản

Cùng với sự chung tay của cộng đồng, của đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã ưu tiên bố trí vốn để triển khai các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong đó, tỉnh đã xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025.

Theo bà Ngô Thị Cẩm Châu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, thực hiện nhiệm vụ được giao, đơn vị đã triển khai công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng; đề xuất những giải pháp để bảo tồn Di sản phi vật thể nói chung và hát Then nói riêng.

Tỉnh Cao Bằng đã tiến hành tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về Then Tày để lưu giữ và phát huy; nghiên cứu, sưu tầm vốn dân ca Hát then - đàn Tính, trong đó, tập trung nghiên cứu về xuất xứ, quá trình lịch sử hình thành và phát triển dân ca Then tính, đặc trưng và những giá trị của Hát Then - đàn tính Cao Bằng;...

Đặc biệt, để “đánh thức’ di sản trong cuộc sống đương đại, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Trong đó, với tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc, du lịch cộng đồng (DLCĐ) được xác định là loại hình đột phá để “đánh thức tiềm” các di sản văn hóa ở miền biên ải.

Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cao bằng, ông Sầm Việt An, thời gian qua, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh đã đầu tư phục dựng, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển loại hình DLCĐ.

Đồng thời, Sở VHTT&DL tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức khai giảng các lớp truyền dạy đàn Tính - hát Then, Lượn Cọi; hỗ trợ các câu lạc bộ dân ca duy trì, phát triển phong trào văn hoá văn nghệ tại các địa phương; tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt vải truyền thống dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm;...

DLCĐ không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa mà còn gắn với sinh kế, tạo thêm thu nhập cho đồng bào. Cùng với thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh Cao Bằng đã thông qua tại Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025.

Thực hiện Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND, tỉnh sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng/điểm để xây dựng và phát triển sản phẩm DLCĐ; hỗ trợ các hộ đầu tư chỉnh trang mái nhà ngói âm dương (tối đa 50 triệu đồng/hộ); hỗ trợ đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải (tối đa 40 triệu đồng/điểm); hỗ trợ cải tạo cảnh quan môi trường (tối đa 30 triệu đồng/điểm);...

(Ban Chuyên đề - Bài cđ Ban Dân tộc Cao Bằng) Gìn giữ văn hóa truyền thống ở miền biên ải: “Bắt tay” để di sản vang tiếng (Bài cuối) 2
Từ nguồn vốn Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt vải truyền thống dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm

Theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cao Bằng, ông Sầm Việt An, thời gian tới, bên cạnh công tác phục dựng, bảo tồn thì tăng cường quảng bá giá trị di sản đến bạn bè trong nước và quốc tế. Với các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 78/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh và nguồn lực từ Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719, tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế về du lịch của tỉnh Cao Bằng đến bạn bè trong và ngoài nước, qua đó đưa các di sản văn hóa của tỉnh đó trở thành tài sản trong hành trình phát triển bền vững miền biên ải Cao Bằng.


Tin cùng chuyên mục
“Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

“Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Tháng 12, nhiều hoạt động chào mừng năm mới 2025 với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025”.