Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gìn giữ văn hóa truyền thống ở miền biên ải: Tiếp biến văn hóa – Trong “cơ” có “nguy” (Bài 2)

Thùy Như - 15:02, 14/11/2024

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, quá trình hội nhập đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh cơ hội để phát huy thì quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa cũng khiến một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một và pha tạp.

(BCĐ- Chuyên đề BDT Cao Bằng) Gìn giữ văn hóa truyền thống ở miền biên ải: Tiếp biến văn hóa – Trong “cơ” có “nguy” (Bài 2)
Đội thi giới thiệu các món ăn tại Hội thi Sáng tạo Ẩm thực du lịch “Món ngon miền Non nước” năm 2024.

Cơ hội lan tỏa giá trị

Ngày 9/11, tại Phố đi bộ Kim Đồng, phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội thi Sáng tạo Ẩm thực du lịch “Món ngon miền Non nước” năm 2024. Hội thi có sự tham gia của 11 đội đến từ các khách sạn, nhà hàng, khu, điểm du lịch, homestay trên địa bàn tỉnh

Tại Hội thi, các thí sinh đã trình diễn chế biến các món ăn đặc sắc, truyền thống, đậm nét văn hóa của địa phương như: Canh hoa chuối, gà bản tiềm bí thơm, xôi trứng kiến, sảng khau (ba chỉ kho dưa), nằm khau cá Độc lập… Chung cuộc, món “Thịt lợn đen hấp thảo mộc của huyện Thạch An đạt giải Nhất.

Giải Nhì được trao cho món “Nằm khau cá Độc Lập” của huyện Quảng Hòa và “Thịt nhồi bao tử dê” của Nhà hàng Hải Thoại (TP. Cao Bằng). Ban Tổ chức cũng đã trao 03 giải Ba và 04 giải khuyến khích cho các món ngon tại Hội thi.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam (VICA) - Trưởng Ban Giám khảo Hội thi, các món ăn được chế biến công phu, kỹ lưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trưng bày, sắp xếp phù hợp, đẹp mắt và hấp dẫn; để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách thưởng thức.

“Đặc biệt, món “Thịt lợn đen hấp thảo mộc” là món ăn ngon với những nguyên liệu là thảo mộc truyền thống của Cao Bằng. Mùa đông, tiết trời se lạnh, mở gói thịt nóng hổi với hương thơm thảo mộc chắc chắn sẽ làm thực khách hài lòng”, ông Quân chia sẻ.

Theo ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Tiểu ban Chương trình nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Cao Bằng, đây là lần thứ 3 Hội thi được tổ chức. Hội thi nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu bếp của các đơn vị kinh doanh du lịch; đồng thời tìm kiếm các món ẩm thực truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Cao Bằng để quảng bá, giới thiệu tới người dân và du khách.

(BCĐ- Chuyên đề BDT Cao Bằng) Gìn giữ văn hóa truyền thống ở miền biên ải: Tiếp biến văn hóa – Trong “cơ” có “nguy” (Bài 2) 1
Ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Tiểu ban Chương trình nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Cao Bằng (thứ 3 từ phải qua) trao Cờ lưu niệm cho các đội thi tại Hội thi Sáng tạo Ẩm thực du lịch “Món ngon miền Non nước” năm 2024.

Những sự kiện như Hội thi Sáng tạo Ẩm thực du lịch “Món ngon miền Non nước” là dịp để tỉnh Cao Bằng quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, thông qua văn hóa ẩm thực.

Chị Nguyễn Thị Chung, du khách Bắc Giang chia sẻ: “Đặc sản của Cao Bằng là những món ăn rất an toàn về thực phẩm. Ví dụ như gạo nếp ngon và thơm, thịt thì dậy hương vị khi thực phẩm được nuôi sạch và ăn rất ngon. Không khí ở đây rất đông vui, khách du lịch tới rất đông và hứng thú”.

Nguy cơ pha tạp hiện hữu

Thực tế cho thấy, bên cạnh các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử thì nền ẩm thực phong phú, đặc sắc đã, đang và sẽ là “cầu nối hiệu quả” góp phần quảng bá, thu hút du khách đến với miền Non nước Cao Bằng. Trong 10 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.955,96 tỷ đồng, tăng 23,37%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 12,98 tỷ đồng, tăng 41,39%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 756,08 tỷ đồng, tăng 29,5%.

Hội nhập đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội để phát huy thì quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa cũng khiến một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một và pha tạp.

Với văn hóa ẩm thực, Cao Bằng là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch ẩm thực. Thực hiện chủ trương đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, Cao Bằng đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà hàng khách sạn, homestay để phục vụ du khách.

Theo thống kê của Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), toàn tỉnh hiện có 300 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 22 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 68 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao với 3.804 phòng và 6.327 giường; còn lại là các nhà nghỉ, homestay đạt tiêu chuẩn.

(BCĐ- Chuyên đề BDT Cao Bằng) Gìn giữ văn hóa truyền thống ở miền biên ải: Tiếp biến văn hóa – Trong “cơ” có “nguy” (Bài 2) 2
Lượng khách du lịch tăng trong khi cơ sở lưu trú còn thiếu và yếu mở ra cơ hội đầu tư vào mô hình khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giải trí trên địa bàn tỉnh. (Trong ảnh: Không gian tiệc ở Khách sạn Mường Thanh Cao Bằng)

Thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực trong việc khai thác các sản vật địa phương để phục vụ phát triển du lịch. Song, đánh giá một cách tổng thể thì các sản phẩm ẩm thực mang thương hiệu Cao Bằng chưa thực sự phát huy được giá trị tương xứng. Một số sản phẩm được các doanh nghiệp đưa vào phục vụ khách, nhưng cách chế biến chưa mang đặc trưng, sắc thái riêng của Cao Bằng mà bị pha tạp bởi công thức chế biến của các vùng miền khác.

Nguy cơ pha tạp văn hóa ẩm thực miền non nước càng lớn hơn bởi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Cao Bằng sẽ là điểm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Những năm qua, Cao Bằng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về lượng khách du lịch. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón hơn 1 triệu lượt khách, trong đó có hơn 15.000 lượt khách quốc tế.

Lượng khách du lịch tăng trong khi cơ sở lưu trú còn thiếu và yếu mở ra cơ hội đầu tư vào mô hình khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giải trí trên địa bàn tỉnh. Cùng với nhiều điều kiện khác, trong đó có cơ hội từ việc Việt Nam - Trung Quốc chính thức vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên từ 15/10/2024, không ít nhà đầu tư sẽ “ đón sóng” đầu tư, kinh doanh khách sạn, nhà hàng ở Cao Bằng.

Hiện nhiều sản vật, món ngon Cao Bằng đã lọt top 100 món ăn, đặc sản quà tặng Việt Nam như: Bánh cuốn, bánh áp chao, xôi trám, coóng phù, chè lam, miến dong Phja Đén, hạt dẻ Trùng Khánh… Không gian thưởng thức ẩm thực đậm chất văn hoá dân tộc với sự hòa điệu của các loại hình nghệ thuật dân gian như: Làn điệu dân ca, hát Then, đàn tính, múa khèn… mang đến cho du khách trải nghiệm đáng nhớ với đủ đầy hương vị và cung bậc cảm xúc trên hành trình khám phá Cao Bằng. Đây là tài sản mà các cấp ngành, địa phương tỉnh Cao Bằng cần chú trọng gìn giữ, phát huy để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.