Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Giới chuyên gia đặt kỳ vọng vào sự trở lại của Tiếng nói Xanh mùa 2

PV - 10:35, 15/10/2024

Giới chuyên gia kỳ vọng cuộc thi Tiếng nói Xanh mùa 2 không chỉ giúp thế hệ trẻ nhận ra giá trị của lối sống xanh bền vững, mà còn mang đến cơ hội biến ý tưởng của các em thành dự án thực tế, tạo tiền đề cho bước đi dài hơn trong tương lai.

GS. TS. Nguyễn Thị Kim Cúc (thứ ba từ phải sang) phát biểu trong cuộc thi mùa 1.
GS.TS. Nguyễn Thị Kim Cúc (thứ ba từ phải sang) phát biểu trong cuộc thi mùa 1

Vun đắp những “hạt giống xanh”

Thông tin Cuộc thi hùng biện - tranh biện “Tiếng nói Xanh” do Quỹ Vì tương lai xanh - Tập đoàn Vingroup phát động chính thức khởi động mùa 2 đã nhận được sự quan tâm lớn của không chỉ các bạn học sinh THPT mà còn của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Sinh học Nông nghiệp tiên tiến, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh giới trẻ là những “hạt giống” sẽ đóng góp vào việc thay đổi tương lai dài hạn.

“Các bạn càng nhận thức được rõ vấn đề thì sẽ càng có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu”, bà cho hay.

Bởi thế, cuộc thi Tiếng nói Xanh được PGS.TS. Thanh Vân ví như “nơi ươm mầm” cho những “hạt giống xanh”.

“Chúng ta muốn có môi trường xanh, chúng ta trồng rừng. Tương tự như vậy, chúng ta muốn có tương lai xanh, chúng ta cần trồng người”, bà nói.

Đồng tình với nhận định này, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Cúc từ Khoa Hóa và Môi trường, Trường Đại học Thủy Lợi khẳng định: “Cốt lõi của việc bảo vệ môi trường nằm trong ý thức và thái độ của mỗi người. Khi tình yêu môi trường được vun đắp từ sớm, nó sẽ trở thành bản năng".

“Ươm mầm” với phương thức mới

GS. TS. Kim Cúc nhấn mạnh trong bối cảnh xã hội hiện đại, đặc biệt là với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, phương thức giáo dục và truyền thông về môi trường cũng cần phải đổi mới để phù hợp hơn với thế hệ trẻ.

Bà cho rằng cuộc thi Tiếng nói Xanh đã làm được điều này khi tạo ra sân chơi sáng tạo, công bằng và phù hợp với bối cảnh hiện tại.

“Cuộc thi Tiếng nói Xanh rất phù hợp và thức thời trong việc tiếp cận thế hệ trẻ bằng phương thức mới mẻ”, GS.TS. Kim Cúc nhận xét. “Tôi đánh giá cao ý tưởng, mục tiêu và quy mô của chương trình khi đã tạo điều kiện cho học sinh trung học phổ thông trên mọi miền tham dự”, bà nói thêm.

GS.TS. Kim Cúc kể lại câu chuyện của thí sinh đến từ trường giáo dục thường xuyên ở vùng xa xôi của Đồng bằng sông Cửu Long ở mùa 1. “Dù điều kiện và hoàn cảnh không thuận lợi như các bạn đồng trang lứa tại thành phố lớn, em ấy vẫn tự tin một mình tham gia cuộc thi và quyết liệt bảo vệ ý tưởng của mình”, bà cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS. Thanh Vân nhận định Tiếng nói Xanh là nơi giúp thế hệ trẻ phát triển tri thức, “ươm mầm” để biến thành hành động thiết thực trong tương lai.

Bà kể lại trong vòng tranh hạng mùa 1, nhiều bạn có ý tưởng ban đầu rất tốt nhưng chưa biết cách sắp xếp logic để đề ra được dự án thuyết phục. Tuy nhiên, chỉ cần cố vấn vài ý và hướng dẫn, chỉ một đêm sau các bạn đã trở thành phiên bản khác. Các bạn có thể bảo vệ dự án, đối chất với đội khác rất nhanh trong thời gian ngắn mà không hề có sự ngập ngừng. Đó cũng là minh chứng cho sự cố gắng và quyết tâm của những thí sinh đến với cuộc thi bằng niềm đam mê và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của các bạn trẻ chỉ trong thời gian ngắn, qua từng vòng thi. Họ đã thể hiện đúng tinh thần nhà tiên phong xanh như thông điệp chương trình mong muốn trong mùa 1”, PGS.TS Thanh Vân nói.

PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân cố vấn trực tiếp cho các bạn học sinh trong mùa 1 của cuộc thi
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân cố vấn trực tiếp cho các bạn học sinh trong mùa 1 của cuộc thi

Giá trị thực tiễn

Điều khiến PGS.TS. Thanh Vân bất ngờ nhất khi tham gia mùa 1, là tinh thần hành động thực tiễn của một số bạn trẻ về vấn đề môi trường.

“Tôi nhớ có bạn nữ sinh lớp 11 nhỏ nhắn đưa ra ý tưởng về vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện môi trường. Khi đó, tôi đã hỏi liệu em ấy có thực sự hiểu và sử dụng sản phẩm này hay không?” - Câu trả lời từ cô bé sau đó khiến PGS. TS. Thanh Vân phải ngạc nhiên.

“Em ấy nói rằng, đôi giày mình đang mang đến cuộc thi này chính là sản phẩm làm từ vật liệu tái chế. Lúc đó, tôi hiểu rằng em ấy chọn chủ đề này không chỉ vì hiểu được bản chất mà còn vì nó gắn liền với thực tế cuộc sống hằng ngày”, bà nói.

Một trong những giá trị lớn nhất mà cuộc thi Tiếng nói Xanh mang lại, cũng chính là khả năng biến kiến thức học được trên trường lớp thành giải pháp, mô hình thực tế có thể áp dụng vào cuộc sống.

“Các bạn sẽ có khả năng tiếp cận với nguồn lực để chuyển ý tưởng thành hành động, định hướng và từng bước ươm mầm thành giải pháp thiết thực, từ chính sách, tuyên truyền đến giải pháp công nghệ”, PGS Thanh Vân nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhận xét về mùa 1, GS.TS. Kim Cúc cho hay, một số dự án tham gia có tính khả thi và có khả năng áp dụng vào thực tế. Dù vậy, theo bà, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng một số ý tưởng vẫn còn những hạn chế. “Các bạn có đam mê, có tình yêu rồi, nhưng vẫn cần trau dồi, rèn luyện để có thêm kiến thức, kỹ năng và góc nhìn tổng thể”, bà nói.

Đó cũng là lý do GS.TS. Kim Cúc và PGS.TS. Thanh Vân sẽ tiếp tục tham gia mùa 2 trên cương vị thành viên Hội đồng chuyên môn để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ.

“Với sự năng động của thế hệ trẻ, nhiệm vụ của chúng tôi là đồng hành và định hướng để các bạn đi đúng con đường, vượt qua khó khăn và áp lực thời học sinh”, PGS.TS. Thanh Vân nói.

Theo bà Vân, những ý tưởng của giới trẻ như “hạt giống". “Khi ươm mầm, nếu chúng ta chăm sóc đúng cách, nó sẽ phát triển thành cây. Có thể cần thời gian để cây đơm hoa kết trái, nhưng điều quan trọng là chúng ta đã gieo trồng và nuôi dưỡng nó", bà cho hay.

Bà cũng khuyến khích giới trẻ, cùng với sự hỗ trợ nguồn lực của chương trình mùa 2, từng bước phát triển và hiện thực hóa dự án của mình.

“Khi bước vào giảng đường đại học, các bạn có thể phát triển ý tưởng của mình luôn, không nhất thiết phải chờ tốt nghiệp xong mới bắt đầu đóng góp thực tiễn”, bà gợi ý. 

Trong khi đó, GS.TS. Kim Cúc mong rằng việc tham gia cuộc thi mùa 2 có thể trở thành “cú hích” trong cuộc đời của những bạn trẻ vẫn còn đang chần chừ, để xây dựng lối sống thân thiện với môi trường và hướng tới phát triển bền vững.

“Khi tham gia Tiếng nói Xanh, đừng lo lắng về việc ý tưởng của mình có "đủ chín" hay không. Hãy mạnh dạn, hãy tự tin. Ý tưởng của bạn sẽ được chúng tôi hỗ trợ để trở nên hoàn thiện hơn, và có cơ hội được hiện thực hóa”, bà nhấn mạnh. 

Quỹ Vì tương lai xanh – Tập đoàn Vingroup vừa chính thức phát động cuộc thi hùng biện – tranh biện Tiếng nói Xanh mùa 2 dành cho học sinh THPT toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 18,5 tỉ đồng. Thời hạn mở đơn đăng ký từ nay cho đến 23h59 ngày 31/10/2024. Thí sinh xem chi tiết thể lệ cuộc thi và tiếp tục đăng ký tham gia qua cổng thông tin chính thức: https://talkgreenfuture.net, được mở đến 23h59 ngày 31/10/2024.

Tin cùng chuyên mục
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền ở huyện Yên Thành (Nghệ An): Quyết tâm lớn vì một kỷ nguyên vươn mình

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền ở huyện Yên Thành (Nghệ An): Quyết tâm lớn vì một kỷ nguyên vươn mình

Yên Thành (Nghệ An) đang đi những bước vững chắc, cẩn thận, bài bản trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền cấp huyện, cấp xã. Mục tiêu cao nhất mà hệ thống chính trị huyện Yên Thành đặt ra, là tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, không gây xáo trộn lớn; đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội sau khi sáp nhập, để bộ máy mới hoạt động trơn tru, hiệu quả.