Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Trọng Bảo - 06:58, 08/09/2024

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.

Gia đình anh Sếnh có hơn 3ha diện tích đất trồng rừng
Gia đình anh Sếnh có hơn 3ha diện tích đất trồng rừng

Tăng mức hỗ trợ 

Hôm nay, gia đình anh Vàng Láo Sếnh ở thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát rất vui khi được cán bộ kiểm lâm huyện về tiến hành đo đạc, thống kê để làm các thủ tục chi trả kinh phí trồng rừng sau đầu tư. Gia đình anh Sếnh có trên 3ha diện tích đất rừng, chủ yếu trồng cây quế và mỡ; trong đó, có khoảng 1,5ha rừng trồng 1 năm tuổi sẽ được chi trả sau đầu tư theo quy định của Nhà nước.

“Thực tế với mỗi héc ta rừng trồng như gia đình tôi phải đầu tư khoảng 15-16 triệu đồng để mua giống và phân bón; nếu với mức hỗ trợ như trước đây là 10 triệu đồng thì rất khó khăn cho bà con trồng rừng. Gia đình rất phấn khởi khi được cán bộ kiểm lâm huyện thông báo, với quy định mới theo NQ14, thì mỗi héc ta rừng trồng sau đầu tư sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng thay vì 10 triệu đồng như trước đây. Với mức hỗ trợ như vậy đã cơ bản giúp người trồng rừng như chúng tôi bù vào chi phí đầu tư ban đầu”, anh Sếnh cho biết.

Cán bộ kiểm lâm cơ sở xác định diện tích rừng trồng của gia đình anh Sếnh trên hệ thống GPS
Cán bộ kiểm lâm cơ sở xác định diện tích rừng trồng của gia đình anh Sếnh trên hệ thống GPS

Bên cạnh việc nâng mức hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư, NQ14 còn nâng mức kinh phí bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân… Cụ thể, với cộng đồng dân cư được cấp 600.000đồng/ha/năm đối với diện tích rừng thuộc xã khu vực II và III; 500.000đồng/ha/năm với rừng thuộc xã vùng I (đều tăng 200.000đồng/ha/năm so với mức hỗ trợ cũ)…

“Bản thân tôi cũng như các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng của thôn rất phấn khởi khi mức hỗ trợ tăng hơn so với trước đây. Với mức hỗ trợ cũ, như cá nhân tôi tham gia đủ 24 công/năm thì được hỗ trợ khoảng trên 8 triệu đồng; với mức hỗ trợ mới thì cũng tăng lên đáng kể. Qua đó, giúp chúng tôi yên tâm hơn khi tham gia quản lý và bảo vệ rừng”, anh Tẩn Phù Quáng, thành viên Tổ bảo vệ rừng thôn Vi Phái, xã Bản Qua, huyện Bát Xát phấn khởi cho biết.

Lào Cai là tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng nhằm cụ thể hóa Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp của Chính phủ. Ông Nguyễn Việt Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết: Việc ban hành sớm chính sách đã tạo cơ sở quan trọng trong việc triển khai thực hiện trên địa bàn; NQ14 đã cụ thể các mức cấp kinh phí, mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư, mức khoán bảo vệ rừng, mức hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng. Trong đó, mức cấp kinh phí, mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư đã được nâng lên tương đối cao so với chính sách cũ đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân hăng hái tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Những khó khăn cần sớm được tháo gỡ

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Lào Cai, để triển khai NQ14 cũng còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể, nguồn lực để thực hiện chính sách của tỉnh còn hạn chế; theo quy định, thì toàn bộ diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên sẽ được Nhà nước cấp kinh phí để bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay về lĩnh vực lâm nghiệp đang sử dụng kinh phí từ Trung ương thông qua 2 chương trình là: Tiểu Dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 thực hiện tại các xã khu vực II, III và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững theo Quyết định số 809 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tại các xã ngoài khu vực II, III...

“Với nguồn kinh phí cấp từ Trung ương hiện chỉ đáp ứng được đối với các xã khu vực II, III; đối với các khu vực còn lại thì ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được đối với diện tích ngoài lưu vực các công trình thủy điện cho bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, do công tác giao đất, giao rừng trước đây sử dụng phương pháp giao nhanh không giao ngoài thực địa nên có sự sai khác lớn giữa hồ sơ quản lý và thực địa dẫn đến nhiều diện tích rừng không đủ điều kiện để được hưởng chính sách, mặc dù diện tích đó thực tế là rừng và người dân vẫn trông coi bảo vệ hằng năm...”, ông Hà nhấn mạnh.

Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai NQ14 cần sớm được tháo gỡ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng
Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai NQ14 cần sớm được tháo gỡ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng

Để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên cần có các giải pháp căn cơ, thấu đáo. Cụ thể, sớm quy chủ đất lâm nghiệp để tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách; muốn vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cần sớm hoàn thành Đề án 86 đối với đất của tổ chức; thực hiện chủ trương hỗ trợ cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đo đạc, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với giao rừng đối với đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai các tổ chức được giao rừng, ngoài diện tích thực hiện tự bảo vệ còn thực hiện khoán bảo vệ với 118.509ha rừng, trong đó, có 572 cộng đồng tham gia bảo vệ diện tích 113.956,7ha; và 175 hộ gia đình tham gia bảo vệ 4.552,3ha.

Tin cùng chuyên mục
Về sóc Bom Bo vui cùng tiếng chày ngày hội...

Về sóc Bom Bo vui cùng tiếng chày ngày hội...

Địa danh sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước - hậu phương vững chắc của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Năm xưa, đồng bào Xtiêng nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân, sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo, ăn tro để nhường muối cho bộ đội. Cảm xúc từ tấm lòng yêu nước đó, cố nhạc sĩ tài hoa Xuân Hồng đã viết lên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và đã đi vào lòng người của bao thế hệ người Việt.