Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thấy gì sau 5 năm thực hiện Luật Lâm nghiệp?

Trọng Bảo - 10:44, 19/08/2024

Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/01/2019; sau 5 năm triển khai, ngành Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và Nhân dân. Người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng (BVR) được quan tâm hơn bằng việc trao quyền trong quản lý, khai thác, chế biến lâm sản.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được sự quan tâm tham gia của toàn xã hội
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được sự quan tâm tham gia của toàn xã hội

Tạo thuận lợi về cơ chế cho người trồng rừng và chế biến lâm sản

Gia đình anh Triệu Văn Nhất ở thôn Khổi Nghè, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn có gần 20ha rừng sản xuất; trong đó có hơn 10ha trồng quế. Với diện tích này, bình quân mỗi năm cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Nhất cho biết, những năm gần đây, các quy định mới đã tạo thuận lợi hơn cho người trồng rừng; từ đó, tạo động lực để anh và bà con trong xã tích cực trồng, chăm sóc và BVR.

“Gia đình tôi vừa bán 100 gốc quế thu về hơn 100 triệu đồng. Nếu như trước đây, để được khai thác thì gia đình tôi mất rất nhiều thời gian, thủ tục như phải báo cáo lên xã, rồi cán bộ xã xuống xác minh, sau đó có giấy xác nhận của UBND xã thì mới được phép khai thác. Tuy nhiên, hiện nay đối với diện tích rừng đến thời kỳ khai thác, gia đình tôi chỉ cần báo cho Kiểm lâm địa bàn về diện tích và vị trí khai thác là xong. Như vậy rất thuận tiện cho Nhân dân tham gia trồng rừng”, anh Nhất cho biết thêm.

Văn Bàn là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lào Cai, với tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp là 112.400,46ha; trong đó, rừng đặc dụng 24.966,15ha, rừng phòng hộ là 46.708,75ha và rừng sản xuất là 40.725,56ha. Ông Nguyễn Công Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Với diện tích rừng này, hằng năm người dân tham gia trồng, chăm sóc và BVR còn được chi trả hàng tỷ đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng cũng như các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước.

Luật Lâm nghiệp đã tạo thuận lợi hơn cho người trồng rừng
Luật Lâm nghiệp đã tạo thuận lợi hơn cho người trồng rừng

“Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân tham gia trồng rừng thì Luật Lâm nghiệp cũng đã có những quy định thuận lợi hơn về thủ tục đối với các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản cũng như vận chuyển và bán cho các doanh nghiệp lớn thu mua hoặc xuất khẩu; từ đó, tạo đầu ra ổn định cho bà con trồng rừng…”, ông Tưởng nhấn mạnh.

Luật Lâm nghiệp xác định “lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật”, từ đó có quy định về chuỗi kinh tế lâm nghiệp, giúp việc phát triển kinh tế lâm nghiệp tại Lào Cai trở thành hàng hóa và thế mạnh trong phát triển kinh tế rừng, dịch vụ môi trường rừng… Nhờ đó, công tác phát triển rừng, sử dụng rừng và phát triển kinh tế rừng theo đúng mục đích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ vùng cao. Từ năm 2019 đến năm 2023, việc khai thác rừng trồng toàn tỉnh Lào Cai đạt 556.789m3 gỗ và thu từ lâm sản ngoài gỗ (cành, lá quế, sa nhân, lá giang…) mang lại tổng nguồn thu hơn 2.200 tỷ đồng mỗi năm.

Tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Lâm nghiệp

Trong quá trình triển khai Luật Lâm nghiệp, bên cạnh những thuận lợi thì cũng còn những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai cho biết: Hiện đang còn có những khó khăn, bất cập giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai trong quá trình giao đất, giao rừng, quy chủ… từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các chủ rừng. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho lâm nghiệp còn chậm và ít nên chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế rừng. Nhận thức của một số chính quyền địa phương, chủ rừng, người dân về công tác phát triển và sử dụng rừng còn hạn chế…

 Các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản được khuyến khích phát triển tạo đầu ra ổn định cho người trồng rừng
Các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản được khuyến khích phát triển tạo đầu ra ổn định cho người trồng rừng

“Để Luật Lâm nghiệp thực sự phát huy hiệu quả thì cần giải quyết dứt điểm vấn đề đất lâm nghiệp, quy chủ… theo quy định mới của Luật Đất đai; phải có ranh giới cụ thể giữa hồ sơ và thực địa, từ đó mới nâng cao được trách nhiệm của các chủ rừng. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp cần có hướng dẫn cụ thể để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nắm được Luật cũng như các chính sách phát triển rừng… từ đó tự giác tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, ông Sâm nhấn mạnh.

Có thể nói, sau 5 năm triển khai Luật Lâm nghiệp, ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của các tổ chức, cá nhân từng bước được nâng lên. Luật Lâm nghiệp quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; từ đó, tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.