Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ hoạt động văn nghệ quần chúng

Hồng Minh - 10:56, 14/05/2021

Tại nhiều địa phương hiện nay, phong trào văn nghệ quần chúng đang dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân. Qua hoạt động này, các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ đã khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phục vụ người dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Văn nghệ quần chúng trở thành món ăn tinh thần của người dân (Ảnh tư liệu)
Văn nghệ quần chúng trở thành món ăn tinh thần của người dân (Ảnh tư liệu)

Mỗi tuần hai buổi, các thành viên CLB Đàn và hát dân ca thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn lại cùng nhau luyện tập những bài dân ca truyền thống. Bà Hoàng Thị Hòa, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB được thành lập từ năm 2011, với 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Trong quá trình hoạt động, các thành viên luôn tích cực sưu tầm các làn điệu dân ca, hát then. 

Vào những ngày lễ, tết, mọi người lại gặp gỡ, giao lưu giữa các đội với nhau… Nội dung các bài hát dân ca, tiết mục giao lưu phong phú, đa dạng như: bảo vệ môi trường, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa...

Thông qua hoạt động của các CLB từ cơ sở, đã giúp cho công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào Tày, Nùng tại đây được nâng cao hiệu quả. Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn thường xuyên mở các lớp truyền dạy hát then - đàn tính, tham gia biểu diễn, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, tuy là huyện còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở huyện đã có bước phát triển khá sôi nổi, hiệu quả. Điển hình là tại xã Chiềng Khoi, có tới 13 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên hoạt động, giao lưu, biểu diễn phục vụ bà con trong và ngoài xã.

Chị Lò Thị Bé, ở xã Chiềng Khoi chia sẻ: “Mọi người tham gia đội văn nghệ quần chúng ai cũng yêu ca hát. Vào các dịp lễ, Tết hay trước sự kiện quan trọng, các thành viên trong đội lại bố trí thời gian tập luyện những bài hát, điệu múa truyền thống để phục vụ bà con trong bản, trong xã. Được tham gia các hội diễn là mọi người vui lắm rồi”.

Cùng với huyện Yên Châu, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn toàn tỉnh đã có sự phát triển rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Các mô hình đội văn nghệ quần chúng, CLB văn hóa văn nghệ... được duy trì và nhân rộng ở nhiều địa phương. Điển hình là phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở thành phố Sơn La và các huyện như, Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu...

Cũng phát triển phong trào văn nghệ quần chúng rộng khắp trong toàn tỉnh, đến nay, tỉnh Đắk Nông có hơn 100 đội văn nghệ quần chúng sinh hoạt thường xuyên và tham gia đầy đủ các hội thi, hội diễn do các cấp tổ chức. Ở các thôn, buôn cũng đã thành lập các đội văn nghệ gắn với các tổ chức xã hội và đoàn thể tại địa phương.

Hoạt động văn nghệ quần chúng giúp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (Ảnh tư liệu)
Hoạt động văn nghệ quần chúng giúp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (Ảnh tư liệu)

Đắk Nông là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống và hội tụ nhiều loại hình văn hóa truyền thống như, cồng chiêng, hát ru của người M’nông; hát Then của người Tày, Nùng; lượn, khắp của người Thái… Đây là nền tảng để phong trào văn nghệ quần chúng được khơi dậy, duy trì và phát triển. Điều đáng nói nữa là, thông qua các hoạt động văn nghệ quần chúng mà bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy.

Có thể thấy, từ hoạt động của các CLB, đội văn nghệ quần chúng, cho thấy sức hấp dẫn của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân ở các địa phương. Qua đó, Nhân dân ngày càng ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Hát Aday- Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời. Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã và đang ưu tiên nguồn kinh phí để các địa phương, nghệ nhân thực hiện những hoạt động thiết thực đối với loại hình nghệ thuật này.