Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Những lớp học then “không đồng”

Nghĩa Hiệp - 10:11, 22/09/2020

Đầu tháng 9, trong chuyến công tác tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), chúng tôi đã có dịp đến thăm một số điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình. Tại đây, có nhiều nhóm văn nghệ phục vụ khách du lịch, trong đó có không ít nhóm then với những thành viên còn rất trẻ, nhưng biểu diễn khá chuyên nghiệp. Họ chính là học trò của các lớp học “không đồng”, do cô Lý Thị Ngoan, dân tộc Tày truyền dạy.

Đội văn nghệ biểu diễn Then huyện Lâm Bình đạt giải B toàn quốc năm 2018
Đội văn nghệ biểu diễn Then huyện Lâm Bình đạt giải B toàn quốc năm 2018

Cô Lý Thị Ngoan, sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em ở thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình. Hoàn cảnh gia đình Ngoan rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ thì ốm yếu thường xuyên nên các anh chị phải lần lượt nghỉ học, chỉ có mình Ngoan được tiếp tục học.

Năm 2011, Ngoan trúng tuyển cả 2 trường: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Nghệ thuật Việt Bắc. Ngoan nhớ lại: “Ngày nhập trường, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền, cánh cửa giảng đường đã đóng lại với mình. Dù không được đi học, mình vẫn còn đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng”.

Đam mê mà Ngoan nói đến là đam mê hát then và những âm thanh đàn tính. Ngày ấy, Ngoan đã tự tìm đến thầy Hoàng Văn Tuyên, một trong những nghệ nhân hát then của tỉnh để xin học. Vốn có năng khiếu bẩm sinh và với hiểu biết một chút nhạc lý trong trường học, sau 1 tuần Ngoan đã có thể hát và đánh được những bài cơ bản như: “Bản noong tỏn xuân” (Bản em đón xuân), “Tuyên Quang quê mình”, “Tìm về ngày hội”...

Sau 3 tháng, Ngoan tự tin biểu diễn trên sân khấu, trở thành “cây văn nghệ” hiếm có của địa phương. Tại nhiều cuộc thi, liên hoan hát then, đàn tính trong và ngoài tỉnh, Ngoan đã giành nhiều giải cao như: Đoạt tiết mục xuất sắc tại Cuộc thi hát then, tính tẩu toàn tỉnh năm 2014; Tiết mục xuất sắc nhất tại Liên hoan tiếng hát ru và hát dân ca huyện Lâm Bình năm 2014; Giải B Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc ở Hà Giang năm 2018...

Với mong muốn được truyền dạy văn hóa dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, nhiều năm nay, Ngoan đã mở lớp dạy hát then, đàn tính miễn phí cho hàng trăm học trò nhỏ trong và ngoài xã. Ngoan chú tâm dạy học trò tìm hiểu thật kỹ về then cổ bởi then cổ là linh hồn, là cội nguồn dân tộc, chứa đựng những tích truyện khuyên răn, giáo huấn con người hoàn thiện mình hơn. 

Nhiều học trò của cô Ngoan đã trở thành hạt nhân của các đội văn nghệ biểu diễn tại các Homestay. Toàn huyện Lâm Bình hiện có 5 đội văn nghệ chuyên phục vụ du lịch cộng đồng thì có 4 đội từng được cô Ngoan đứng lớp giảng dạy như: Đội văn nghệ xã Phúc Yên, Đội Văn nghệ xã Khuôn Hà, Đội Văn nghệ thôn Nà Đông (Thượng Lâm), Đội Văn nghệ thôn Nặm Đíp (Lăng Can).

Em Ma Thị Soa, thành viên Đội Văn nghệ Nặm Đíp, xã Lăng Can phấn khởi cho biết: Sau khi học hát xong, bây giờ em có thể hát thành thạo nhiều giai điệu then cổ như: Tàng bốc - Pây cảnh, Tặng tính, Tàng nặm… Mỗi làn điệu kết hợp với đàn tính đều mang lại những cách thể hiện riêng, lúc nhanh, lúc chậm, khi thì khoan thai, sâu lắng, khi thì ngân nga, da diết... 

Anh Tạ Chí Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Lâm Bình cho biết, Ngoan là một trong những hạt nhân văn nghệ, nhiệt tình với công việc truyền dạy hát then, đàn tính. Những lớp học của cô giáo Ngoan góp phần ươm mầm tài năng, truyền tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Đây là việc làm ý nghĩa và đáng trân trọng.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.