Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ gìn thổ cẩm Tây Nguyên

Thùy Dung - 16:29, 23/02/2022

Trang phục thổ cẩm của các đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung và Gia Rai, Ba Na nói riêng thể hiện chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa tộc người và các giá trị thẩm mỹ, tín ngưỡng, tâm linh. Thời gian qua, nhằm giữ gìn và bảo tồn nghề dệt truyền thống, các cấp, chính quyền tỉnh Gia Lai và những nghệ nhân dệt đã đưa ra nhiều giải pháp, xây dựng nhiều mô hình để bảo tồn văn hóa Tây Nguyên.

Bà Rơ Châm Mir và Rơ Châm Mlonh ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai miệt mài bên khung dệt.
Bà Rơ Châm Mir và Rơ Châm Mlonh ở làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai miệt mài bên khung dệt.

Dệt thổ cẩm - nghề chính của phụ nữ thời xưa

Gắn bó với khung dệt đã hàng chục mùa lúa rẫy, đôi mắt bà Rơ Châm Mlonh, dân tộc Gia Rai ở làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã không còn tinh anh như trước. Khi bắt đầu vào công việc, bà phải nhờ đến chiếc kính để nhìn cho rõ các đường nét thổ cẩm. Bà Mlonh cho biết: Ngày trước, ở làng mình, trai gái lớn lên đều được cha mẹ dạy cho các nghề truyền thống. Đàn ông thì gánh vác việc nặng hơn như lên rừng lấy gỗ, tre nứa về tạc tượng, đan lát. Đàn bà thì hằng ngày gắn bó với khung dệt để làm quần áo phục vụ cho cả gia đình. Năm 15, 16 tuổi, mình đã biết dệt những bộ quần áo người Gia Rai thường mặc. Đến nay, mình không còn nhớ đã làm được bao nhiêu bộ.

“Thuở xa xưa, khi chưa có các sợi chỉ, sợi len bán sẵn, người Gia Rai thường lên rừng hái cây bông hoặc tự trồng bông để có nguyên liệu dệt. Qua nhiều công đoạn mới có sợi để dệt thành tấm vải. Sau này, người Gia Rai sáng tạo ra các đường nét thổ cẩm thì phải nhuộm màu. Màu nhuộm cũng được lấy từ tự nhiên như lá cây chàm (nhuộm đen), vỏ cây tơ nung (nhuộm đỏ), củ nghệ già (nhuộm vàng),…”, bà Mlonh cho biết.

Tiếp lời bà Mlonh, bà Rơ Châm Mir cùng làng cũng cho biết: “Việc dệt thổ cẩm truyền thống hiện nay còn rất ít. Hầu hết người làng đều dùng các nguyên liệu có sẵn như cuộn chỉ, cuộn len, vừa dễ chọn màu, lại tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, người làng vẫn chuộng trang phục làm từ các nguyên liệu truyền thống hơn vì rất quý. Cây bông 1 năm chỉ cho thu hoạch một lần, bộ trang phục làm ra cũng bền và chất lượng hơn”.

Bằng đôi tay khéo léo và sự sáng tạo, người phụ nữ Tây Nguyên đã dệt nên những bộ trang phục truyền thống mang đặc trưng văn hóa tộc người.
Bằng đôi tay khéo léo và sự sáng tạo, người phụ nữ Tây Nguyên đã dệt nên những bộ trang phục truyền thống mang đặc trưng văn hóa tộc người.

Công cụ dệt vải của người Ba Na, Gia Rai được làm bằng khung gỗ, tre với nhiều bộ phận rời nhau, có thể di chuyển và điều chỉnh được kích thước của khung dệt. Những bộ trang phục của người Gia Rai, Ba Na thường thấy gắn liền với đời sống thường ngày của họ như váy, áo, khố, tấm địu con, tấm choàng, dây buộc đầu, vòng đội đầu,… Màu sắc thường là màu đen, đỏ, vàng, có trang trí thêm sợi kim tuyến. Hoa văn trang trí thường là hình cây dương xỉ, nhà rông, múa xoang, cây nêu, rau dớn, mặt trời, ghè rượu hoặc hình tam giác, đa giác, zích zắc,…

Nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống

Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghề dệt thổ cẩm không còn là công việc chính trong mỗi nếp nhà. Phần đa người phụ nữ chỉ ngồi dệt sau khi gác xong chuyện nương rẫy, con cái, nhà cửa và họ chỉ dệt vào ban đêm hoặc cuối tuần. Mỗi tấm vải sau khi dệt xong được định giá từ 1.200.000 đồng trở lên, tùy vào kích cỡ. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm cũng đang đứng trước nguy cơ mai một vì rất ít người học dệt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì vậy, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nhân rộng và giữ gìn nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bà Rơ Châm H’Ken, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Ia Ka (huyện Chư Păh) cho biết: Để giúp chị em trong làng giữ gìn nghề dệt truyền thống, từ 2010, xã đã thành lập CLB dệt thổ cẩm Ia Ka, đến nay đã thu hút được hơn 70 chị em tham gia học dệt. Hiện nay, cùng với sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, địa phương cũng tổ chức nhiều hội thi trình diễn trang phục truyền thống, theo đó chị em cũng quan tâm, chú trọng hơn đến nghề dệt thổ cẩm của dân tộc.

Dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo
Dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo

Theo Thạc sỹ Hoàng Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, tác giả của công trình nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì, cần phải có những phương hướng, giải pháp để xây dựng và phát triển nghề dệt thổ cẩm trong thời gian tới. Từ đó giúp người Ba Na, Gia Rai gìn giữ được những vốn quý của dân tộc.

“Có 2 phương pháp là bảo tồn tĩnh và bảo tồn động. Bảo tồn tĩnh là lưu trữ, trưng bày trong bảo tàng và bảo tồn động là duy trì nghề dệt gắn bó với đời sống hằng ngày. Ngoài ra, cần có sự lồng ghép văn hóa Tây Nguyên như dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng vào các hoạt động văn hóa, du lịch. Đồng thời xây dựng được lực lượng nghệ nhân, thu hút được các lớp trẻ kế cận nghề và cần phải tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống. Từ đó giúp bà con có thêm động lực để giữ gìn văn hóa, nghề truyền thống của mình”.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.