Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ gìn văn hóa truyền thống bằng tấm lòng nhiệt huyết

PV - 11:20, 13/06/2018

Từ ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những nghệ nhân ở các huyện miền núi tỉnh Bình Định như Vân Canh, Vĩnh Thạnh đã truyền đam mê văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ bằng cách kết hợp vừa biểu diễn và truyền dạy nhằm duy trì, phát triển đội ngũ kế cận.

Hiện nay, hầu hết các nghệ nhân đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, dù vậy họ vẫn rất nhiệt tình giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình và hăng hái truyền dạy lại những hiểu biết của mình cho lớp trẻ. Chúng tôi gặp nghệ nhân Đinh Chương (dân tộc Ba Na), ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) vào một buổi chiều đầu tháng 6, khi ông đang say sưa, thả hồn cùng âm vang của tiếng cồng chiêng do các cháu thiếu niên tại làng biểu diễn.

Nghệ nhân Đinh Thành Nhanh đang biểu diễn đàn gon do chính tay mình làm. Nghệ nhân Đinh Thành Nhanh đang biểu diễn đàn gon do chính tay mình làm.

 

Nghệ nhân Đinh Chương đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn ngày ngày truyền dạy cồng chiêng, dân ca, cách đan đát, làm một số nhạc cụ bằng tre nứa cho các cháu tại làng. Nhờ ông mà K8 là làng duy nhất của huyện Vĩnh Thạnh có tới 3 đội cồng chiêng với 3 lứa tuổi: Thanh niên, thiếu niên và người cao tuổi. “Cồng chiêng đối với người Ba Na rất quan trọng, là phương tiện để giao tiếp với thần linh, là người bạn gần gũi, thân thiết và gắn bó hầu như suốt cuộc đời của mỗi người. Vậy mà lớp trẻ bây giờ ít quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho nên Già quyết tâm khơi dậy tình yêu đối với cồng chiêng bằng cách tập hợp các cháu lại để truyền dạy”, nghệ nhân Đinh Chương chia sẻ.

Hay như nghệ nhân Đinh Kim, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh), một người say đắm với cồng chiêng và nhận ra rằng con em làng mình kém hứng thú với nhạc cụ truyền thống này. Cách đây 4 năm, không quản ngại khó khăn, nghệ nhân Đinh Kim đã lặn lội đến từng nhà kêu gọi lớp trẻ học đánh cồng chiêng. Ban đầu là nể người già, thương cái tha thiết của bok Kim, về sau không ít người dần dần ham thích tiếng cồng tiếng chiêng. Nhờ đó, ở mỗi làng của xã Vĩnh Thịnh, đặc biệt là làng M2 luôn có đội cồng chiêng mạnh, thường xuyên đại diện các làng đi biểu diễn ở các sự kiện văn hóa, văn nghệ của huyện. Nghệ nhân Đinh Kim bộc bạch: “Tôi muốn dạy cồng chiêng cho các cháu vì một phần để giữ gìn bản sắc văn hóa, phần vì học cồng chiêng giúp các cháu hiểu hơn về đời sống tinh thần, lắng nghe và trải lòng mình ra, có thể yêu núi rừng, sông suối, chim muông cây cỏ! Như vậy hay hơn rất nhiều so với việc các cháu bấm bấm điện thoại!”.

Nhờ những nghệ nhân mà đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình (trong ảnh các cô gái Bana trong điệu xoang quyến rũ) Nhờ những nghệ nhân mà đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình (trong ảnh các cô gái Bana trong điệu xoang quyến rũ)

 

Để nuôi dưỡng tình yêu với di sản văn hóa Ba Na, không chỉ truyền dạy, động viên mọi người tham gia hoạt động ở làng mình, các nghệ nhân như Đinh Chương, Đinh Y Băng, Đinh Kim... còn động viên nhiều người cùng tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ từ cấp làng đến cấp tỉnh; trò chuyện trao đổi với nhau với mục đích chung tay, chung lòng giữ gìn di sản của dân tộc mình.“Bok Kim luôn bên cạnh động viên nhắc nhở, truyền dạy tận tình cho chúng tôi. Cha mẹ chúng tôi thích và ủng hộ chúng tôi chơi cồng chiêng! Thanh niên bây giờ cũng có thêm nhiều người bắt đầu hâm mộ rồi!”, anh Đinh Văn Minh, thành viên đội cồng chiêng làng M2 cho biết.

Cũng chung một tình yêu đối với nhạc cụ và văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng không có điều kiện tập hợp thanh niên trong làng để truyền dạy, nhưng nghệ nhân Đinh Thành Nhanh ở xã Canh Liên (Vân Canh) lại có cách khác để gìn giữ và bảo tồn nhạc cụ truyền thống. Ngoài thời gian lên nương rẫy, ông tranh thủ tìm các loại vật liệu phù hợp để chế tác những loại nhạc cụ như đàn gon, đàn t’rưng, k’ní..., lúc nào rảnh rỗi ông lại lấy đàn ra chơi. Tiếng đàn gon, t’rưng, k’ní của già Nhanh theo gió bay đi khắp buôn làng.

Nghệ nhân Đinh Thành Nhanh tâm sự: “Ở xã mình, giờ chỉ còn lại khoảng 10 người biết chế tác, trình tấu các loại nhạc cụ bằng tre nứa. Mấy đứa thanh niên rất ít ham mê chơi những nhạc cụ của cha ông. Mình lo, khi những người già này mất đi, không còn ai biết hát múa chơi nhạc Ba Na nữa nên mình làm và chơi nhạc cụ một phần để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân và qua tiếng đàn của mình, biết đâu mấy đứa trẻ nghe được cảm thấy thích thú. Lúc đó, mình sẽ truyền dạy cho chúng!”.

Có thể nói, từ những gì mà các hạt nhân văn hóa như Đinh Chương, Đinh Kim, Đinh Thành Nhanh… nỗ lực gieo vào tâm hồn những người trẻ đã mở ra cơ hội “hồi sinh” cho các loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na trên đất Bình Định.

LÊ PHƯƠNG