Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và hội nhập

Giữ nghề đan đát truyền thống của người Ê Đê ở Suối Trai

T.Nhân - N.Triều - 08:37, 05/05/2023

Nghề đan đát truyền thống của người Ê đê ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) đã tồn tại qua nhiều thế hệ và được lưu giữ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại, những sản phẩm từ đan đát không còn được ưa chuộng. Vì vậy, tìm giải pháp hiệu quả để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống này, đang là vấn đề mà người dân và chính quyền sở tại quan tâm hiện nay.

Những sản phẩm đặc trưng của nghề đan lát ở Suối Trai
Những sản phẩm đặc trưng của nghề đan lát ở Suối Trai

Những người "giữ lửa" nghề truyền thống

Được xem là người đan đát giỏi ở thôn Thống Nhất, xã Suối Trai, nhiều năm qua, ông Nay Quý vẫn duy trì thực hiện để có được những sản phẩm thủ công dùng trong gia đình và trao đổi với bà con trong thôn. Ông Quý cho biết, từ năm 13 tuổi, ông đã được cha dạy nghề đan đát. Ông được dạy từ cách chuốt từng sợi mây, thanh tre, nan lồ ô đến công đoạn luồn mây quai gùi, lận nan tre, lồ ô để làm vành nia, thúng; nứt từng sợi mây khéo léo để vành đai gùi tròn trịa, chân gùi cân xứng hài hòa. "Cha tôi bảo, làm chiếc gùi đẹp để người con gái mang lên vai thêm duyên dáng", ông Quý chia sẻ.

Theo ông Nay Quý, đối với đồng bào dân tộc Ê Đê, chiếc gùi còn là vật dụng chứa đựng tài sản như: Cong, kiềng, ênh thổ cẩm… Chiếc gùi đan rất công phu, chọn nguyên vật liệu thật kỹ. Mây phải mây mật, lồ ô già chẻ ra đem ngâm nước bùn hơn một tháng, sau đó vớt lên hong lửa. Làm như vậy, chiếc gùi dùng vài chục năm vẫn còn tốt, giá trị chiếc gùi này có thể đổi lấy một con heo 40 - 50 kg.

Ở thôn Hoàn Thành, xã Suối Trai, già làng Ma Hoan không chỉ được biết đến là Người có uy tín, mà còn là một nghệ nhân đan đát nổi tiếng. Già Hoan cho biết: Hằng ngày, ngoài thời gian lên rẫy, hễ rảnh lúc nào là ông lại lên rừng kiếm những cây tre, nứa già về làm các vật dụng như gùi, rá, thúng... Trước đây, cuộc sống còn khó khăn, những vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều phải tự làm lấy nên hầu như ai cũng biết nghề đan lát.

“Nghề đan đát không khó, nhưng muốn làm ra những sản phẩm đẹp, đòi hỏi phải có tính cần cù, chịu khó, cộng với chút khéo tay thì mới có thể nắm vững các kỹ thuật đan đát và tự tay đan những vật dụng cần thiết cho gia đình mình dùng”, già Hoan chia sẻ thêm.

Không chỉ có già Ma Hoan mà ở thôn Hoàn Thành, còn có Ma Núi cũng rất giỏi nghề đan đát. Những vật dụng được tạo ra bởi đôi tay khéo léo của Ma Núi như gùi, thúng, nia… với độ tinh xảo cao, thu hút nhiều người tìm mua.

Theo lời Ma Núi kể: Ngày xưa, đồng bào Ê Đê quanh năm làm rẫy để sinh sống nên rất cần những dụng cụ sản xuất và sinh hoạt bằng mây, tre đan. Từ nhỏ, ông thường đi theo những người lớn tuổi vào rừng kiếm vật liệu về đan gùi, đan nong, nia… Thấy ông ham học hỏi nên các già đã chỉ dạy tường tận cách đan các vật dụng bằng mây, tre này.

Hằng ngày, già Ma Hoan vẫn miệt mài đan những vật dụng phục vụ cho gia đình
Hằng ngày, già Ma Hoan vẫn miệt mài đan những vật dụng phục vụ cho gia đình

Chung tay "vực" lại nghề

Ông Ma Hoan cho biết: Ngày xưa mấy đứa nhỏ trong thôn hay đến nhà nhờ ông chỉ dạy cách đan đát, lúc đó tôi vui lắm, nhưng khi chúng lớn lên rồi thì chẳng ai còn muốn theo học nghề. Hiện nay, người già trong làng biết đan không còn nhiều nữa. Mình rất lo lắng nên luôn sẵn sàng truyền dạy cho những người thật sự thích học nghề, mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, thời gian qua, lãnh đạo xã Suối Trai luôn quan tâm, khích lệ các nghệ nhân sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, hằng năm tổ chức các ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc tại địa bàn xã, nhằm bảo tồn nghề thủ công đan đát và các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê trên địa bàn.

Điều đáng mừng là thời gian gần đây, có nhiều người tìm mua những sản phẩm từ đan đát về sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Việc sử dụng những sản phẩm từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, giúp hạn chế sử dụng các sản phẩm bằng nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường. 

Chị Nguyễn Thị Vân, ở Tp. Tuy Hòa thường xuyên về Suối Trai mua sản phẩm chia sẻ: Những sản phẩm làm từ mây, tre của đồng bào Ê Đê không chỉ đẹp, bền, giá cả phải chăng, mà quan trọng là được làm từ chất liệu tự nhiên nên khi sử dụng tôi rất yên tâm. 

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, lãnh đạo xã Suối Trai khuyến khích, những người thợ đan đát làm ra những sản phẩm mẫu mã mới, phong phú, nhiều chủng loại phù hợp với nhu cầu sử dụng của người miền xuôi như: Rổ đựng rau, hộp đựng mỹ phẩm hay đèn trang trí... Bên cạnh đó, làm các mặt hàng lưu niệm để bán cho khách du lịch. Từ đó, những người thợ đan đát có thu nhập đảm bảo cuộc sống và họ cũng gắn bó với  nghề truyền thống hơn.

Ông Sô Đa - Bí thư Đảng ủy xã Suối Trai cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định, việc khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào gắn với phát triển kinh tế, là một nhiệm vụ quan trọng. 

"Xã Suối Trai sẽ tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn nghề truyền thống để đồng bào tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ, phát huy. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến việc truyền nghề, dạy nghề cho những người trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên để nghề đan đát không bị mai một”, ông Sô Đa cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể - Điều không dễ !?

Đổi danh hiệu cho di sản văn hóa phi vật thể - Điều không dễ !?

Cùng với Ca trù và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, hồ sơ Mo Mường đã được Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa vào danh sách này. Nhưng sau khi được đưa vào danh sách thì cần phải làm gì, làm như thế nào để đổi danh hiệu cho di sản, từ “cần được bảo vệ khẩn cấp” sang “đại diện của nhân loại” là điều không dễ.