Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đắk Lắk: Đồng bào Ê đê luôn trân trọng bảo tồn bản sắc văn hóa

Lê Hường - CĐ - 10:05, 29/11/2021

Trước những tác động của quá trình đô thị hóa, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở nhiều buôn làng ít nhiều bị tác động, phai nhạt. Tuy nhiên những năm qua, với nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, cùng với sự trăn trở, miệt mài giữ gìn bản sắc văn hóa của không ít những nghệ nhân, già làng, trưởng bản..., mà hiện nay ở nhiều buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang được đồng bào giữ gìn và phát huy.


Người dân buôn Kna B mặc trang phục truyền thống trong ngày bầu cử.
Người dân buôn Kna B tự hào trong trang phục truyền thống tham gia trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Đồng bào Ê đê buôn Kna B đồng lòng giữ gìn văn hóa

Buôn Kna B, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar có hơn 90% đồng bào dân tộc Ê đê sinh sống. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân trong buôn luôn nêu cao ý thức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

Ngôi nhà dài truyền thống của già làng Y Băk Niê nằm giữa buôn Kna B, bên trong những chiếc đinh năm, đing choc, gông, bro, ky păh… và nhiều nhạc cụ, vật dụng bằng tre nứa do già chế tác được cất giữ nơi trang trọng nhất. Già Y Băk nói, từ nhỏ già đã có niềm đam mê đặc biệt với các loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống, bây giờ đã ngoài tuổi 70 già vẫn lên rừng, xuống suối tìm nguyên liệu chế tác nhạc cụ, đan các vật dụng sinh hoạt.

Không chỉ biết chế tác nhạc cụ, hòa tấu nhạc cụ truyền thống, giữ nghề đan lát truyền thống, già Y Băk còn góp công lớn trong việc vận động Nhân dân bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Ê đê. Già chia sẻ: thấy người trẻ trong buôn ít người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống, các giá trị văn hóa của dân tộc dần mai một. Tôi cùng với Ban tự quản buôn đến từng nhà vận động các cháu thiếu niên học chơi nhạc cụ truyền thống và chia sẻ kinh nghiệm chế tác nhạc cụ để khơi dậy niềm đam mê, giúp các cháu hiểu hơn về truyền thống.

Đặc biệt, năm 2020, buôn Kna B đã thành lập được hai đội nhạc cụ truyền thống, mỗi đội gồm 6 thành viên, từ 9 - 20 tuổi. Để các em tiếp thu tốt, già Y Băk dạy mỗi em sử dụng một loại nhạc cụ, để có thể hòa tấu cùng với nhau.

Già làng Y Băk sử dụng một loại nhạc cụ dân tộc do già chế tác.
Già làng Y Băk luôn miệt mài với việc chế tác và sử dụng một loại nhạc cụ dân tộc

Từ những nỗ lực, cố gắng của các già làng, Người có uy tín, nghệ nhân trong buôn cũng như sự động viên của chính quyền địa phương, người dân buôn Kna B dần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Hiện nay, buôn Kna B còn giữ gìn được 26 ngôi nhà dài, tổ dệt thổ cẩm gồm 6 thành viên và hai đội đánh nhạc cụ dân tộc.

Bà Phạm Thị Tiềm, Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết: Những năm qua, ngoài việc quan tâm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, xã cũng chú trọng việc vận động người dân nâng cao ý thức, trân trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, đặc biệt là dân tộc Ê đê. Thời gian tới, xã sẽ dành một phần kinh phí để duy trì, tổ chức, phục dụng lại lễ hội cúng bến nước của người Ê đê. Đồng thời nỗ lực phát huy giá trị văn hóa đa dạng của các DTTS trên địa bàn xã.

Bảo tồn văn hóa để làm du lịch

Nằm giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông được mệnh danh là buôn giàu đẹp nhất tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây, người dân không chỉ giàu có về đời sống vật chất, mà còn giữ gìn nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời của người Ê đê.

Trong ngôi nhà sàn dài khang trang mới được tu sửa, già Ama Pi chia sẻ: Nhà dài là biểu tượng văn hóa của người Ê đê với những đặc trưng riêng. Ngày xưa đồng bào Ê đê chỉ sống trong nhà dài bình dị ấy. Cuộc sống hiện đại dần, nhiều gia đình trong buôn làm nhà xây để tách hộ cho con cháu ở, đã từng có thời kỳ người dân đòi phá nhà dài làm nhà xây. Nhờ sự quyết liệt giữ nhà dài của già làng, Người có uy tín mà bà con hiểu giá trị truyền thống và cùng nhau bảo vệ.

Buôn Ako Dhông giàu đẹp, bản sắc.
Buôn Ako Dhông đang ngày một phát triển nhưng luôn giữ được nét đẹp bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Ê đê.

Hiện nay, toàn buôn Akô Dhông có 67 hộ đồng bào Ê đê. Đồng bào trong buôn vẫn còn giữ được hơn 30 ngôi nhà dài truyền thống, nhiều người dân buôn Akô Dhông vẫn duy trì việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm. Việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây, không chỉ người già mà thế hệ trẻ cũng ý thức được sự quan trọng của văn hóa truyền thống, nhất là ngôi nhà sàn dài.

Ông Y Pun Niê Ping, Trưởng buôn Akô Dhông chia sẻ: Để mọi người cùng bảo tồn văn hóa, già làng, Người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong buôn đã đưa vào hương ước, quy định chung để không ai vi phạm. Người trong buôn đã nhận thức được giá trị văn hóa nên cùng nhau gìn giữ; không chỉ nhà dài mà nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể cũng được bà con cùng nhau phục dựng, tổ chức hàng năm như: Lễ cũng bến nước, Lễ kết nghĩa,… Chính những nét đẹp văn hóa đặc trưng khiến buôn Akô Dhông thu hút nhiều người đến tham quan và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Đắk Lắk.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh còn 2.098 bộ chiêng; 5.116 nghệ nhân biết đánh chiêng; 812 nghệ nhân biết truyền dạy đánh cồng chiêng; 1.366 nghệ nhân biết đánh nhạc cụ truyền thống; 385 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc; 223 nghệ nhân biết hát kể sử thi…

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.