Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Gỡ khó trong thực hiện mô hình Bí thư kiêm Trưởng thôn, bản

Trọng Bảo - 11:02, 27/12/2019

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã triển khai sắp xếp các chức danh cán bộ thôn bản, tổ dân phố. Trong đó, một số nơi thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này cũng gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.

Việc nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn tại xã Nghĩa Đô giúp công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới được thuận lợi hơn
Việc nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn tại xã Nghĩa Đô giúp công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới được thuận lợi hơn

Ông Nguyễn Văn Bốn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Kem, xã Nghĩa Đô cho biết: Khi chưa thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ, đồng thời là Trưởng thôn, mỗi khi triển khai các hoạt động, chương trình của địa phương đến người dân là thôn lại phải tổ chức nhiều cuộc họp rồi ban hành các nghị quyết, sau đó mới đi đến triển khai thực hiện.

“Từ khi thực hiện kiêm nhiệm cả hai chức danh, tôi thấy có nhiều thuận lợi và công việc cũng hiệu quả hơn. Bởi mình vừa là người tiếp thu chủ trương, đường lối, vừa là người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện, nên công việc triển khai xuống người dân nhanh hơn”, ông Bốn cho biết.

Nghĩa Đô là một trong những xã thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn. Đến thời điểm này, toàn xã có 9/16 thôn, bản có Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn. Ông Ma Kim Cư, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Những cán bộ được lựa chọn để “gánh hai vai” đều là những người có trách nhiệm cao, gương mẫu, tận tụy với công việc, được người dân thống nhất cao. Nhờ vậy, việc thực thi các công việc từ xã xuống cơ sở cũng nhanh gọn, hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình này các xã cũng phát sinh những khó khăn, cần kịp thời tháo gỡ. Cụ thể, trong quá trình thực hiện phương án ghép các chức danh không chuyên trách, cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã, thị trấn còn gặp khó khăn trong việc xây dựng phương án, bố trí sắp xếp nhân sự. Thực tế, tại nhiều thôn bản, tổ dân phố, việc lựa chọn được cán bộ không chuyên trách nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng tốt yêu cầu công việc không hề đơn giản.

Tại xã Xuân Thượng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thượng Lương Văn Soái cho biết: Hiện việc sắp xếp các chức danh cán bộ thôn, bản của xã được thực hiện theo phương châm lấy 3 chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác mặt trận làm trụ cột để kiêm nhiệm các chức danh khác. Do vậy, xã có 15 thôn nhưng không có thôn nào thực hiện nhất thể hóa hai chức danh Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn. 

 Ông Soái cho rằng, Bí thư kiêm Trưởng thôn phải triển khai, thực hiện trực tiếp các chính sách, quyết định của các cấp đến từng hộ dân, nên khó hoàn thành tốt mọi việc. Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn là hai người, thì mọi công việc của thôn sẽ có sự bàn bạc, bảo đảm dân chủ thống nhất cao hơn… 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Yên cho biết, nguyên nhân khiến việc thực hiện mô hình Bí thư kiêm Trưởng thôn còn ít ở các xã, cơ bản là do vai trò lãnh đạo của Đảng ủy xã, Chi bộ thôn đối với cấp thôn còn hạn chế, nhận thức ở từng địa phương với công tác này chưa ngang tầm.

“Hiện nay huyện Bảo Yên chủ yếu tập trung chỉ đạo sắp xếp theo hướng, tăng cường kiêm nhiệm để còn 3 người đảm nhiệm 7 chức danh. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu, cấp ủy đảng, chính quyền xã, thị trấn cần bàn bạc, cân nhắc kỹ, bố trí sắp xếp, lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu khi tham gia hoạt động, quản lý trên địa bàn thôn, tổ dân phố”, ông Tuấn thông tin thêm.