Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lào Cai: Nỗ lực biến di sản thành tài sản

Trọng Bảo - 14:36, 11/12/2019

Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2010, tỉnh Lào Cai đã quán triệt tới cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; các sở, ban, ngành… Qua 10 năm triển khai, đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Khai thác các danh lam, thắng cảnh phát triển du lịch cộng đồng góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai
Khai thác các danh lam, thắng cảnh phát triển du lịch cộng đồng góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai

Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2010, tỉnh Lào Cai đã quán triệt tới cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; các sở, ban, ngành… Qua 10 năm triển khai, đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Là một trong những địa phương có số lượng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhiều nhất tỉnh; thời gian qua, huyện Văn Bàn đã tiến hành phân cấp, định hướng phát huy mỗi cộng đồng, mỗi địa phương trong huyện tự kiểm kê, phân loại các di sản văn hóa. Ông Phan Trung Bá, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay, huyện Văn Bàn có 11 di sản đã được công nhận; trong đó, có nhiều di sản mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc như làn điệu dân ca “Khắp nôm” Tày, Lễ cấp sắc của người Dao, trò chơi kéo co của người Tày…

“Mỗi cộng đồng dân cư đều có hương ước, thể hiện tính chủ động, đồng tâm, thống nhất trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Trong đó, chú trọng và đề cao bản sắc văn hóa cộng đồng, coi đây là sợi dây gắn kết giữa các thành viên. Đấu tranh bài trừ những hủ tục văn hóa lạc hậu là góp phần xây dựng thôn bản văn hóa, văn minh đậm đà bản sắc…”, ông Bá cho biết thêm.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho thấy, qua 10 năm triển khai Luật Di sản sửa đổi, toàn tỉnh đã có 46 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh. Các di tích, danh thắng đã từng bước phát huy giá trị trở thành các điểm du lịch hấp dẫn, du lịch tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước. Một số di tích, danh thắng luôn đứng trong Top đầu bình chọn của thế giới như: Di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa được tạp chí du lịch của Mỹ (Travel and Leisure) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp và kỳ vĩ nhất châu Á…

Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, Lào Cai là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể với 26 di sản; trong đó có 1 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Di sản nghi lễ kéo co của người Tày-Giáy). Nhằm từng bước biến “di sản thành tài sản”, thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp khai thác tiềm năng thế mạnh từ các di tích, danh lam thắng cảnh. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng đã và đang được các địa phương quan tâm phát triển mang lại thu nhập cho đồng bào các dân tộc. 

“Du lịch cộng đồng đã tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong quá trình tham gia làm du lịch. Theo thống kê, thu nhập bình quân từ du lịch cộng đồng đạt từ 20 - 30 triệu đồng/hộ/năm; trong đó, có nhiều mô hình có thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 5 - 25 lần so với các hộ không tham gia làm du lịch cộng đồng”, ông Thắng nhấn mạnh.