Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Góp ý nội dung sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc

Thanh Huyền - 12:18, 29/06/2024

Chiều ngày 28/6, tại Hà Nội, đã diễn ra Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội mở rộng góp ý nội dung sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì Phiên họp.


Toàn cảnh Phiên họp
Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội mở rộng góp ý nội dung sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc

Tham dự Phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực và các thành viên Hội đồng Dân tộc. Về phía Ủy ban Dân tộc, có sự tham dự của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức các hoạt động xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Nghị định 05; tổ chức 03 Hội thảo lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các Vụ, đơn vị của Ủy ban; lấy ý kiến đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc (02 lần); đề xuất bổ sung “Chính sách đặc thù chi thăm hỏi, chúc mừng, hỗ trợ đối với một số đơn vị, cá nhân là người DTTS” cho phù hợp với Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo số 241/TB-VPCP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.

Hồ sơ dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến tập thể ban cán sự đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi gửi Hồ sơ dự thảo Nghị định đến Bộ Tư pháp thẩm định (dự kiến ngày 31/7/2024).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc, ngày 11/6/2024, Ủy ban Dân tộc đã có Công văn số 965/UBDT-PC gửi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc.

Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị định, dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung 23 Điều, khoản; bổ sung mới 2 Điều và thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ. Cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh; Quy định cụ thể đối tượng áp dụng; Sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc; Sửa đổi, bổ sung làm rõ thêm một số từ ngữ như: “Công tác dân tộc”, “Vùng đồng bào DTTS”, “Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn”, “Chính sách dân tộc”; Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm; Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, chính sách phát triển thể dục, thể thao, chính sách phát triển du lịch, chính sách y tế, dân số….

Đồng thời, quy định rõ nội hàm của “Vùng đồng bào DTTS” là địa bàn tỉnh, huyện, xã, thôn có tỷ lệ người DTTS sinh sống ổn định chiếm từ 15% trở lên trong tổng số dân của địa bàn”, đảm bảo sử dụng các thuật ngữ này thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp năm 2013 và hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành về công tác dân tộc...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền, nguyên tắc, nội dung sửa đổi Nghị định số 05
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền, nguyên tắc, nội dung sửa đổi Nghị định số 05

Tại Phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá cao vai trò, sự nỗ lực, sự chuẩn bị công phu của Ủy ban Dân tộc trong tham mưu xây dựng hồ sơ đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 05. Các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 05, nhằm hoàn thiện, khắc phục những bất cập, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay. Các đại biểu góp ý cụ thể các nội dung cần sửa đổi, đặc biệt là hồ sơ tài liệu, cơ sở pháp lý; cho rằng, cần bổ sung thêm một số chính sách, rà soát đánh giá tác động, thể chế hóa điểm mới; nghiên cứu nâng tầm Nghị định số 05.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền, nguyên tắc, nội dung sửa đổi Nghị định số 05. Bộ trưởng, Chủ nhiệm ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu và cho biết Ủy ban Dân tộc đang trong quá trình hoàn thiện, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và sẽ thực hiện các quy trình tiếp theo để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định đảm bảo đúng quy định, đạt hiệu quả tốt nhất. Góp phần thể chế hóa chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Dân tộc trong quá trình tham mưu, xây dựng hồ sơ, thủ tục, nội dung đề xuất sửa đổi Nghị định số 05. Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ tầm quan trọng của việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa đổi Nghị định số 05; mong muốn Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tiến hành các bước tiếp theo để hoàn thiện hồ sơ đề xuất các nội dung sửa đổi Nghị định số 05, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Gần 9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2024

Gần 9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2024

Theo số liệu Tổng Cục Thống kê công bố vào ngày 29/6, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón tổng cộng hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 60% so cùng kỳ năm 2023 và tăng nhẹ so cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.