Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hà Giang: Đảm bảo “mục tiêu kép” cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Phương Ngọc - 15:40, 15/06/2021

Còn ít ngày nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra, để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, đúng quy chế, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Giang đã và đang nỗ lực chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết. Đặc biệt, sẵn sàng các phương án thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch Covid-19.

Các nhân viên nhà bếp chuẩn bị bữa ăn cho học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh
Các nhân viên nhà bếp chuẩn bị bữa ăn cho học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh

Quan tâm hỗ trợ học sinh

Tại điểm thi Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Trung học phổ thông (THPT) tỉnh có 247 thí sinh đăng ký dự thi gồm học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh và THCS&THPT Tùng Bá (huyện Vị Xuyên).

Riêng Trường PTDTNT THPT tỉnh có 152 học sinh lớp 12 hiện đang ôn thi tập trung tại trường. Thời gian này, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, nhà trường cũng tăng cường chế độ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bữa ăn cho học sinh, hỗ trợ học sinh ôn thi.

Nhằm bảo đảm kinh phí hỗ trợ cho thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh lớp 12 thuộc diện chính sách hưởng các chế độ của nhà nước. Học sinh lớp 12 của trường PTDTNT THPT tỉnh được hưởng kinh phí hỗ trợ, trong đó có 3 bữa ăn trong một ngày.

Xác định, đây là thời điểm có tính chất quyết định giúp thí sinh yên tâm ôn luyện, vượt qua kỳ thi, Ban Giám hiệu trường đã quán triệt, chỉ đạo tăng cường dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bữa ăn cho học sinh. Nguyên liệu thực phẩm được nhập mới hàng ngày, quy trình sơ chế, chế biến thức ăn và các quy định về lưu mẫu thực phẩm tại nhà trường đều được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

Ngoài việc đảm bảo bữa ăn an toàn, dinh dưỡng cho học sinh trong suốt quá trình ôn thi, nhà trường luôn dành sự quan tâm, khích lệ tinh thần cho các sỹ tử. Song song với các điều kiện về an ninh, chỗ học, nơi ở, là công tác phòng chống dịch Covid-19 để giúp các em được ôn thi tại trường một cách tốt nhất.

Em Vũ Kim Chi, học sinh Trường PTDTNT THPT tỉnh chia sẻ: Ở đây, chúng em được ôn thi, bổ sung thêm nhiều kiến thức để chuẩn bị bước vào kỳ thi. Hơn nữa chúng em còn được chăm sóc chu đáo, ăn uống đầy đủ; an ninh, trật tự cũng được đảm bảo. Bây giờ em có đủ tự tin để bước vào Kỳ thi, hy vọng sẽ có một kỳ thi thành công.

Xây dựng Phương án trong điều kiện dịch, thiên tai bão lũ

Kỳ thi năm nay, Hà Giang có 29 điểm thi với 5.987 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 5.215 thí sinh là học sinh lớp 12 THPT, 363 thí sinh tự do và 409 thí sinh là học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên.

Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, đúng quy chế trong điều kiện dịch, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức kỳ thi, phổ biến, triển khai thực hiện những điểm mới, khác trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Giang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch covid-19. Ảnh: Đức Long/BGDTĐ
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Giang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch covid-19. Ảnh: Đức Long/BGDTĐ

Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và phê duyệt phương án, kế hoạch tổ chức các kỳ xét, thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT Hà Giang cũng đã chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hoặc khi có thiên tai xảy ra ở địa phương.

Kỳ thi này, Sở GD&ĐT bố trí 354 phòng thi, trong đó 267 phòng thi chính thức, 58 phòng chờ và 29 phòng thi dự phòng. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ Kỳ thi, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tổ chức toàn diện ở tất cả các khâu của Kỳ thi. Sở GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra, tổ thanh tra trực tiếp thanh tra, kiểm tra về công tác chuẩn bị thi; in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo bài thi; xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Sở GD&ĐT Hà Giang cũng yêu cầu các điểm thi phải hoàn thành phương án bảo vệ Kỳ thi, phương án phòng chống cháy nổ, cung cấp điện; phương án dự phòng ứng phó với các tình huống phát sinh như mất điện lưới, giao thông chia cắt, mưa lũ; bố trí chỗ ăn, nghỉ, đi lại, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự, an toàn giao thông… đều được lên phương án chi tiết, sẵn sàng ứng phó kịp thời trong tình huống phát sinh.

Đặc biệt, để phòng, chống dịch Covid - 19, Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan y tế bảo vệ sức khỏe cho cán bộ coi thi và học sinh; xử lý kịp thời tình huống dịch bệnh phát sinh; chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-10 tại các điểm thi. Thực hiện công tác phun trùng, khử khuẩn tại khu vực thi, phòng thi, phòng làm việc của điểm thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình chia sẻ: Năm nay là năm thứ 2 Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp; Kỳ thi phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đây là Kỳ thi rất quan trọng không chỉ của riêng ngành giáo dục mà của toàn xã hội. Vì vậy, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao lên phương án, kế hoạch chi tiết, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Để chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Sở GD&ĐT ngoài phối hợp chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, Sở cũng triển khai công tác tập huấn cho cán bộ, giáo viên, bảo đảm các thành viên tham gia đều nắm vững quy chế. 

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)



Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.