Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Hà Giang: Hiệu quả từ những mô hình thanh niên khởi nghiệp

Phương Ngọc - 16:43, 23/06/2021

Những năm qua, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) ở Hà Giang đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Tổ Hợp tác May mặc thổ cẩm dân tộc Lô Lô đã góp phần quảng bá, giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô. Ảnh: BHG
Tổ Hợp tác May mặc thổ cẩm dân tộc Lô Lô đã góp phần quảng bá, giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô. Ảnh: BHG

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Với tư duy sáng tạo cùng sự cần cù, chịu khó vươn lên trong cuộc sống, Là Mí Tam, thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là (Đồng Văn) là một trong những người đã tiên phong thành lập Tổ Hợp tác (THT) May mặc thổ cẩm dân tộc Lô Lô.

Để cùng góp sức, quảng bá, giữ gìn văn hóa, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ, năm 2018, Là Mí Tam cùng một nhóm bạn thành lập THT May mặc thổ cẩm dân tộc Lô Lô.  Mỗi năm, doanh thu của THT trên 900 triệu đồng.

 Là Mí Tam, Tổ trưởng THT chia sẻ: Người Lô Lô có bản sắc văn hóa đặc sắc và phong phú. Trang phục của phụ nữ Lô Lô mang sắc màu rực rỡ cùng sự tỉ mỉ trên từng đường may. Du khách đến thăm quan rất thích các sản phẩm như khăn, váy, áo, thắt lưng, mũ... Giá bán các sản phẩm thường giao động từ 600.000 – 10.000.000 đồng.

Còn tại Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ), Lý Văn Quang, dân tộc Dao là một thanh niên điển hình trong lĩnh vực khởi nghiệp. Quang sinh năm 1994, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Quang cũng từng có nhiều cơ hội làm việc ở thành thị  nhưng Quang đã lựa chọn quê nhà là nơi bắt đầu hành trình khởi nghiệp. 

Mấy năm trở lại đây, Nặm Đăm được biết đến là Làng du lịch cộng đồng. Khi phần lớn cả làng đều làm chung một mô hình du lịch nhà sàn, hướng đến nhóm khách bình dân nhưng Lý Văn Quang đã có hướng đi mới khi mạnh dạn đầu tư làm Bungalow (Kiểu nhà một tầng, các Bungalow thường được thiết kế nằm riêng biệt, diện tích nhỏ nhưng tiện nghi), với mong muốn xây dựng một dịch vụ du lịch cao cấp hơn.

Quang chia sẻ: Tôi đã mang hết những kiến thức học được từ những nơi tôi từng đến, tìm hiểu thêm trên Internet cùng với văn hóa bản địa để trang trí cho Bungalow của mình. Mặc dù gặp khó khăn khi khai trương dịch vụ vì đúng vào đợt dịch Covid - 19, nhưng mọi thứ dần ổn định khi du khách dần biết đến Bungalow của Quang.

Ngoài bốn căn Bungalow đang hoạt động, hiện nay Lý Văn Quang đang hoàn thiện thêm một dãy nhà Bungalow để phục vụ được nhiều du khách hơn. 

Khởi nghiệp trên bậc thang vàng

Cũng giống như Lý Văn Quang chọn quê hương là nơi khởi nghiệp, cô gái Đinh Quốc Khánh (dân tộc Mường) đã chọn khởi nghiệp gắn với những thửa ruộng bậc thang bồng bềnh trên đỉnh núi.

Từ homestay Khánh Đinh du khách có thể ngắm cảnh, chụp những bức ảnh đẹp về ruộng bậc thang
Từ homestay Khánh Đinh du khách có thể ngắm cảnh, chụp những bức ảnh đẹp về ruộng bậc thang

Kể về cơ duyên đến với homestay, Khánh chia sẻ: Để bươn trải với cuộc sống, ngoài công việc làm cán bộ văn hóa, Khánh lăn lộn đủ nghề. Những năm tháng làm việc tại cơ sở, Khánh nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc phát triển du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm trên danh thắng ruộng bậc thang và văn hóa dân tộc bản địa, nên cô đã “thai nghén” ý tưởng mở một homestay để khởi nghiệp.

Với bản tính quyết đoán, dám nghĩa, dám làm, năm 2018, cô bắt tay vào thực hiện giấc mơ khởi nghiệp, nhưng khó khăn rất nhiều. Khánh kể: Lúc đó vốn ít, vừa lo vay mượn tiền, vừa tìm kiếm mặt bằng, thủ tục xây dựng, kinh doanh, vừa đi làm, đi học; Có lúc thấy mệt mỏi, tủi thân, chỉ biết ngồi khóc một mình. Nhưng rồi tình yêu với du lịch và quyết tâm khởi nghiệp thành công để lo cho tương lai của các con, cô đã nỗ lực không ngừng nghỉ.

Một homestay hiện đại, độc đáo, có view ngắm cảnh, chụp ảnh ruộng bậc thang, cùng cách phục vụ tận tình, chu đáo, giá cả hợp lý, mang đậm nét văn hóa truyền thống… Tất cả đã tạo nên uy tín và thương hiệu Skyview Khánh Đinh đã và đang được đông đảo du khách trong và ngoài nước tin yêu, tìm đến.

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhưng Skyview Khánh Đinh vẫn đón trên 400 lượt du khách với doanh thu khoảng 300 triệu đồng. Sau 3 năm khởi nghiệp, thành tựu tuy chưa nhiều, nhưng “trái ngọt” mà Khánh gặt hái được là sự hài lòng của du khách, trở thành một homestay uy tín, chất lượng tại Hoàng Su Phì.

Đó cũng là động lực để cô gái người dân tộc thiểu số nỗ lực, mạnh mẽ tiếp tục bứt phá và giới thiệu vẻ đẹp về thiên nhiên và văn hóa truyền thống của dân tộc đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
“Bống chè bưởi” và Dự án nuôi em

“Bống chè bưởi” và Dự án nuôi em

Câu chuyện về cô bé có nickname “Bống chè bưởi” gọi vốn 800 triệu đồng thành công trong Chương trình Shark Tank 2018 đã thu hút sự chú ý của công chúng. Hành trình sau đó, “Bống chè bưởi” đã làm được nhiều điều thật ý nghĩa. Bên cạnh kinh doanh thuận lợi, phát triển, cô bé xứ Tuyên Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc với Dự án nuôi em mang đến niềm vui cho nhiều em nhỏ trên địa bàn tỉnh.