Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Giáo dục vùng DTTS và miền núi: Kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới

Thanh Huyền - 16:20, 29/04/2021

“Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chăm lo của gia đình, cộng đồng, xã hội, sự tâm huyết, trách nhiệm của các thầy, cô giáo và sự nỗ lực của chính bản thân các em học sinh, giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi đã đạt được những thành tựu quan trọng”, phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 đã cho thấy thành tựu đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi.

Các em học sinh DTTS Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) trong giờ học.
Các em học sinh DTTS Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) trong giờ học.

Thay đổi nhận thức về việc học

Dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, thuộc xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), bản của đồng bào Cờ Lao nằm vắt ngang những sườn núi, giữa bốn bề là ruộng bậc thang và những cây chè Shan tuyết cổ thụ.

Nằm trên triền núi, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Túng Sán xây dựng 2 tầng. Trong lớp 3A có 25 học sinh, trong đó có 11 em học sinh người dân tộc Cờ Lao. Đang say sưa học bài, thấy chúng tôi vào thăm lớp, các em mạnh dạn chào hỏi chúng tôi rất ngoan ngoãn. Khi đó, cậu học sinh người Cờ Lao ngồi ở cuối lớp giơ tay khi chúng tôi hỏi về dân tộc mình. Cậu tự viết tên mình rất nhanh và rõ ràng. Sú Sín Thành là con thứ hai trong gia đình có 2 anh em. “Cháu đi học từ mẫu giáo. Bố mẹ cháu bảo, đi học để biết chữ, sau này làm cán bộ, không phải đi làm nương nữa. Cả hai anh em cháu đều đi học”, Thành hồn nhiên trả lời.

Trên sân trường rộn rã tiếng cười, Min Thị Nguyên, cô học trò người Cờ Lao có dáng người nhỏ bé đang chơi đùa cùng chúng bạn. Thấy người lạ hỏi thăm, Nguyên thỏ thẻ: “Nhà cháu có 6 anh chị em, cháu là con thứ 3, cả 6 anh chị em cháu đều biết chữ”.

Chúng tôi thấy vui khi điều kiện ăn ở của các em học sinh Cờ Lao đã đủ đầy. Bếp ăn sạch sẽ, khu nội trú đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết.

Trên mảnh đất núi ngàn trùng điệp, nơi có đến 70% hộ nghèo này, gánh nặng mưu sinh, trình độ nhận thức nhiều khi đã níu bước chân người Cờ Lao trên hành trình đi tìm con chữ. Lớp người cao tuổi của dân tộc Cờ Lao trước đây không biết chữ, nay họ đã ý thức cho con cháu học hành. Trên suốt hành trình đến những bản làng người Cờ Lao, chúng tôi thấy hiện lên trong ánh mắt các em học sinh là niềm vui được cắp sách đến trường, niềm vui khi được chan hoà cùng chúng bạn.

Kể ra những kỷ niệm ấy, niềm vui ấy để thấy rằng, giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những bước chuyển biến quan trọng. Học sinh, sinh viên DTTS đang nỗ lực, quyết tâm vượt qua chính mình trên hành trình đi tìm con chữ.

Nền tảng cho sự phát triển

Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với nhiều mục tiêu phù hợp với vùng DTTS và miền núi đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Mạng lưới, qui mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS, miền núi được củng cố phát triển, ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; tất cả các xã đều có trường tiểu học hoàn chỉnh ở khu vực trung tâm xã. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông ở miền núi, vùng DTTS đã có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh đến trường tăng, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, tỷ lệ học sinh hoàn thành và tốt nghiệp các cấp học tăng. Chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên vùng DTTS và miền núi được quan tâm.

Nhiều chính sách giáo dục dân tộc được triển khai, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo vùng DTTS và miền núi.
Nhiều chính sách giáo dục dân tộc được triển khai, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo vùng DTTS và miền núi.

Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng đến giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi; coi đây là một chính sách quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là một yêu cầu của phát triển bền vững đất nước.

Phát biểu tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần ưu tiên chăm lo cho giáo dục vùng DTTS, miền núi, phát triển nguồn nhân lực DTTS, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở khu vực này.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã đề ra giải pháp về “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi” (dự án 5).

Theo ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai công tác chuẩn bị để thực hiện Tiểu dự án 1 (thuộc dự án 5): Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDTNT, trường PTDTBT và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS. Phấn đấu đến 2030, 100% số trường PTDTNT, PTDTBT được đầu tư xây dựng kiên cố phục vụ việc giảng dạy, học tập và các công trình phụ trợ đáp ứng tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, sinh hoạt của học sinh nội trú, bán trú. Phấn đấu trên 90% người dân vùng đồng bào DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo chữ phổ thông…

Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới chỉ ra nhiệm vụ: “Nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi…”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Có thể thấy rằng, trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, thế hệ trẻ cả nước nói chung, thế hệ trẻ DTTS nói riêng luôn được tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển cả về thể lực, trí lực và tâm lực. Đây là tiền đề quan trọng để giáo dục vùng DTTS và miền núi tiếp tục đạt được những thành tựu đột phá trong giai đoạn mới.

Năm học 2019 - 2020, trường PTDTNT được thành lập ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 320 trường, quy mô trên 105.818 học sinh. Tất cả các DTTS đều đã có con em theo học tại trường PTDTNT. Toàn quốc đã có 29 tỉnh có trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) với số lượng 1.124 trường và 237.608 học sinh bán trú. Ngoài ra còn có 2.273 trường phổ thông có học sinh bán trú với số lượng 161.241 học sinh bán trú.