Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Hà Giang: Phát huy vai trò Người có uy tín trong bài trừ các hủ tục

Minh Anh - 15:55, 22/08/2022

Trong những năm qua, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát huy vai trò là hạt nhân, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tại thôn, bản.

Ông Sùng Dình Páo (trái), Người có uy tín thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc, Hà Giang) vận động con cháu, đồng bào trong thôn phát triển kinh tế từ mô hình nuôi bò hàng hóa
Ông Sùng Dình Páo (trái), Người có uy tín thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) vận động con cháu, đồng bào trong thôn phát triển kinh tế từ mô hình nuôi bò hàng hóa

Hà Giang có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 87% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 1.790 Người có uy tín có phạm vi ảnh hưởng lớn trong phạm vi của cộng đồng và tập hợp Nhân dân nghe và làm theo.

 Thời gian qua, từ Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, ngày 1/5/2022, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” thì, vai trò của già làng, trưởng bản Người có uy tín càng được phát huy, nhất là trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền loại bỏ các hủ tục lạc hậu ra khỏi cuộc sống.

Điển hình như ở huyện Vị Xuyên, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 27, huyện Vị Xuyên đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện với từng nội dung, nhiệm vụ. Trong đó, xác định tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, liên tục, được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, hướng trọng tâm về cơ sở và hạt nhân tuyên truyền ở cơ sở là đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín.

Theo đó, thời gian qua Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Vị Xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Ủy ban MTTQ huyện cũng đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát huy vai trò Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS bài trừ hủ tục, phong tục lạc hậu để nhận diện các hủ tục còn tồn tại, từ đó vận động Nhân dân xóa bỏ.

Mặc dù, cuộc chiến” bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu còn cam go và lâu dài, nhưng bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Cụ thể, một số hủ tục trong việc cưới, việc tang trong vùng đồng bào được cắt giảm, xóa bỏ. Nhiều đám ma kéo dài không quá 24 tiếng; không giết mổ nhiều gia súc gây tốn kém, lãng phí; không cúng bái chữa bệnh. Các gia đình đã thực hiện hỏa táng người chết, đưa người chết vào áo quan; gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc. 

Ông Phàn Thái Anh, Người có uy tín thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành, huyện Quang Bình cho biết: Trước kia dân tộc Dao có nhiều thủ tục rườm rà, tốn kém, ví dụ như cưới tổ chức kéo dài 2-3 ngày, ăn cưới rườm rà, mổ rất nhiều lợn, gà, tốn kém. Thực hiện nếp sống mới, chúng tôi vận động bà con thực hiện theo chủ trương, nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Giang đặt mục tiêu đến hết năm 2025 phấn đấu 75% trở lên các gia đình trong toàn tỉnh, nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết tham gia bài trừ các hủ tục, tập quán của gia đình, dòng họ.Đến năm 2030 cơ bản xóa bỏ được các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nếp sống văn minh. 

Cụ thể trong tiệc cưới hỏi, không còn tình trạng kéo vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những lễ nghi, thách cưới rườm rà, tổ chức nhiều ngày; khuyến khích các hình thức báo hỷ thay cho tiệc cưới; khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đứng ra tổ chức lễ cưới cho cán bộ, nhân viên, người lao động bằng các hình thức đơn giản, phù hợp, văn minh.

Trong việc tang, vận động Nhân dân thay đổi những tập quán rườm rà, tốn kém như đi lễ, trả lễ; không tổ chức việc hiếu quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc. Về tổ chức lễ hội, các địa phương rà soát loại bỏ những nghi lễ rườm rà, phản cảm, mê tín dị đoan, thương mại hóa lễ hội.

Trong đời sống sinh hoạt, tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi phương thức sản xuất, canh tác gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn người dân cải tạo vườn, đồi rừng, trang trại, phát triển kinh tế hộ gia đình bằng trồng cây ăn quả, cây dược liệu, rau trái vụ để tăng thu nhập. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Để đạt được mục tiêu này, cùng với hệ thống chính trị, già làng, Người có uy tín sẽ tiếp tục thể hiện vai trò tiển phong, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước.