Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hà Giang: Sẵn sàng cho Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV

Vũ Mừng - 07:20, 11/10/2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hà Giang lần thứ IV, năm 2024, sẽ diễn ra trong hai ngày 14 - 15/10, tại thành phố Hà Giang. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết các dân tộc trên toàn tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Nhân dịp này, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Đức Nghĩa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang về công tác chuẩn bị và những kỳ vọng mà Đại hội đặt ra.

Ông Trần Đức Nghĩa - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang
Ông Trần Đức Nghĩa - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang

Thưa ông, xin ông cho biết về đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang?

Ông Trần Đức Nghĩa - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang: Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dài 277,899km. Diện tích tự nhiên 7.929,48km2, toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính gồm 10 huyện, 01 thành phố với 193 xã, phường, thị trấn (Trong đó: 127 xã khu vực III, 2 xã khu vực II, 64 xã khu vực I) tổng số thôn bản 2.071 thôn bản (1.353 thôn ĐBKK). Có 34 xã, thị trấn biên giới, 123 thôn, bản biên giới.

Toàn tỉnh có trên 90 vạn người, với 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS  chiếm 87,7%. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,4%; dân tộc Tày chiếm 22,5%; dân tộc Dao chiếm 14,8%; dân tộc Kinh chiếm 12,3%; dân tộc Nùng chiếm 9,5%, còn lại là các dân tộc khác; có 03 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn gồm: Phù Lá, La Chí, Mông, và 05 dân tộc còn có khó khăn đặc thù gồm: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn. 

Hầu hết, đồng bào các dân tộc sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cư trú chủ yếu là vùng núi cao; địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; đa số các thôn, bản đều xa thị trấn và các trung tâm phát triển.

Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng vùng nông thôn tại tỉnh Hà Giang đang ngày một hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng vùng nông thôn tại tỉnh Hà Giang đang ngày một hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển

Thực hiện quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hà Giang lần thứ III năm 2019, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS tại địa phương đã có những biến chuyển như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Nghĩa - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang: Kết quả sau 5 năm, kể từ sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hà Giang lần thứ III, tỉnh Hà Giang thực hiện tốt công tác dân tộc, các chính sách dân tộc; chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng tiếp tục có bước phát triển khá, đời sống của đồng bào DTTS ngày một nâng lên.

Nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân gần 6%; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng trưởng khá và ổn định qua các năm. Năm 2024 ước đạt 40,2 triệu đồng, tăng 34,9% so với năm 2020. 

Chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi được nâng lên; quy mô trường, lớp các bậc học ở vùng đồng bào DTTS ngày càng mở rộng. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. 

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thưa ông Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV sắp tới có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của cộng đồng DTTS tỉnh Hà Giang?

Ông Trần Đức Nghĩa - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang: Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đồng bào vùng DTTS. 

Đây không chỉ là dịp tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024, mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn đối với đồng bào DTTS, là hội tụ niềm tin, lan tỏa những điển hình tiên tiến, góp phần phát triển vùng đồng bào DTTS.

Đại hội Đại biểu các DTTS các cấp, mở ra một giai đoạn phát triển mới, khơi dậy lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường của cộng đồng các DTTS. Từ đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đồng bào các DTTS tiếp tục cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư tại Đại hội, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phát triển cường thịnh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đại Hội Đại biểu các DTTS huyện Hoàng Su Phì được tổ chức trang trọng vào tháng 5 vừa qua.
Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Hoàng Su Phì được tổ chức trang trọng vào tháng 5 vừa qua

Công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, năm 2024, như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Nghĩa - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang: Tính đến hết thời điểm tháng 8 vừa qua, 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang tổ chức thành công Đại hội Đại biểu DTTS cấp huyện, với tổng số 2.200 đại biểu tham dự, bao gồm 1.650 đại biểu chính thức và 550 đại biểu khách mời. 

Tổng số Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tặng tại các Đại hội gồm: cho 1 tập thể, 5 cá nhân và tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân tộc” cho 5 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024; đồng thời, bầu chọn 250 đại biểu chính thức tham dự Đại hội cấp tỉnh, trong đó có 159 đại biểu nam (chiếm 63,6%); 91 đại biểu nữ (chiếm 36,4%).

Công tác chuẩn bị Đại hội DTTS tỉnh Hà Giang lần thứ IV, đã được triển khai đúng kế hoạch. Đến nay, đã hoàn thành thẩm định các nội dung, văn kiện, nhân sự, khánh tiết, kịch bản, chương trình Đại hội bảo đảm chất lượng, thống nhất. Cơ cấu số lượng đại biểu lựa chọn theo thành phần dân tộc, đúng độ tuổi; trong đó, có 87 đại biểu khách mời, 250 đại biểu chính thức.

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn; trong đó có Báo Dân tộc và Phát triển đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Đại hội. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Đại hội, như bảo đảm an ninh trật tự; chăm sóc sức khỏe đại biểu, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng bào các DTTS tỉnh Hà Giang kỳ vọng vào những chính sách mang tính đột phá, thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi, đặc biệt là trên lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục
Đồng bào các DTTS tỉnh Hà Giang kỳ vọng vào những chính sách mang tính đột phá, thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi, đặc biệt là trên lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục

 Những mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra tại kỳ Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, là gì thưa ông?

Ông Trần Đức Nghĩa - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang: Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hà Giang lần thứ IV có chủ đề: “Cộng đồng các dân tộc tỉnh Hà Giang đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng hội nhập và phát triển bền vững”

Xác định mục tiêu tổng quát, đó là tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các xã, thôn, bản khó khăn. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, kết nối vùng sản xuất hàng hóa. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển công nghệ thông tin trong vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đầu tư, phát triển du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh từng địa phương.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các DTTS tại tỉnh Hà Giang ngày càng được nâng cao
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các DTTS tại tỉnh Hà Giang ngày càng được nâng cao

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng, Nhà nước. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, quan tâm phát triển nguồn nhân lực là người DTTS; phát triển mạng lưới y tế ở cơ sở, chăm sóc tốt sức khỏe đồng bào DTTS.

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua, đặc biệt là từ sự thành công của Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện tại 11/11 huyện, thành phố trong thời gian vừa qua, đồng bào các DTTS trong tỉnh đang rất phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội lần thứ IV. Đồng bào các DTTS trên toàn tỉnh tin tưởng rằng, những mục tiêu và giải pháp mới sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho vùng DTTS, đưa địa phương tiến xa hơn trong mọi mặt đời sống.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.