Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hà Nội dẫn đầu cả nước về phát triển Chương trình OCOP

Mai Hương - 15:40, 16/06/2023

Ngày 16/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị Công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) TP. Hà Nội năm 2022.

Các Đại biểu trao chứng nhận cho các chủ thể OCOP
Các Đại biểu trao chứng nhận cho các chủ thể OCOP

UBND TP. Hà Nội cho biết, năm 2022, Thành phố có 518 sản phẩm của 19 chủ thể được phân hạng và cấp Giấy chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, là Đông trùng hạ thảo sấy đông khô của Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc tại xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ). Bên cạnh đó, có 271 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Chương trình OCOP của TP. Hà Nội đã được phát huy rất tốt, bảo đảm tính toàn diện, thể hiện qua việc số lượng, chất lượng sản phẩm đều được bảo đảm.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình, Thành phố đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.

So sánh tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của cả nước là 32%, thì của Hà Nội là 62%, chứng tỏ Thành phố phát triển chương trình này không chỉ về số lượng, mà còn cả chất lượng. Đáng nói là không chỉ các huyện phát triển sản phẩm OCOP, mà ở các quận cũng rất mạnh trong việc đánh giá, chấm điểm OCOP dựa trên các sản phẩm nông sản đặc sản, thủ công mỹ nghệ của mình. Trong thời gian tới, để tăng thêm tính bền vững cho Chương trình OCOP, Hà Nội cần hỗ trợ những chủ thể 3 sao lên thành 4 sao, 4 sao lên thành 5 sao.

Bên cạnh đó, Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; qua đó thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP.

Đại biểu cắt băng khai mạc, trưng bày, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP
Đại biểu cắt băng khai mạc, trưng bày, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP

Để tiếp tục gìn giữ và tiếp tục phát triển Chương trình OCOP năm 2023, ông Nguyễn Minh Tiến đề xuất Hà Nội cần hỗ trợ các chủ thể khắc phục các vấn đề như bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Thành phố cũng cần định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phấn đấu số sản phẩm OCOP đạt 5 sao chiếm 3 - 5%.

Sản phẩm OCOP cần được chuẩn hóa quy trình, bảo đảm tính ổn định; tránh tình trạng khi đem đi dự thi thì đạt chất lượng tốt mà để nhân rộng sản xuất thì chất lượng lại không được bảo đảm ổn định.

Ông Nguyễn Minh Tiến đề nghị lãnh đạo các ban ngành của Hà Nội cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt là vấn đề về mẫu mã, bao bì; dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung chưa có sự đột phá và chưa có sự thiết kế chuyên biệt cho các phân loại sản phẩm…

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM TP. Hà Nội nhận định, bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 có điểm mới là UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số tiêu chí, nội dung về: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương. Đồng thời việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND cấp huyện thực hiện. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Trong thời gian tới, OCOP Hà Nội định hướng phát triển gian hàng đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. Công tác gắn liền phát triển các sản phẩm OCOP với việc phát triển du lịch các làng nghề cũng cần được Hà Nội đẩy mạnh và phát huy. Từ đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế, không chỉ những sản phẩm đặc trưng của các địa phương, mà còn có thể đem đến cho họ cái nhìn sâu hơn về quy trình sản xuất cũng như bối cảnh làm nên thương hiệu đặc biệt đó.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 ở Quảng Nam còn tương đối chậm. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát, báo cáo để có hướng chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.