Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Hai chàng trai đam mê nghề dệt thổ cẩm

PV - 19:03, 02/05/2018

Theo truyền thống trong cộng đồng người Ê-đê, nghề dệt thổ cẩm chỉ dành cho phụ nữ, còn đàn ông đan gùi và rèn. Vậy nhưng, hai chàng trai Ê-đê ở Đăk Lăk lại say mê nghề dệt, họ không chỉ biết dệt mà còn dệt thành thạo nhiều hoa văn độc đáo tạo ra những sản phẩm thổ cẩm tinh tế.

Trong một cuộc thi dệt thổ cẩm truyền thống, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh một chàng trai Ê-đê ngồi bên khung cửi, say sưa luồn sợi. Đó là Y Dhăm Hmok, 14 tuổi ở buôn Huê, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk là chàng trai duy nhất tại cụm thi số 2 trong Ngày hội Văn hóa-Thể thao các DTTS TP. Buôn Ma Thuột. Vừa nói chuyện, đôi tay vừa khéo léo luồn sợi, chỉ một lát đã thấy thấp thoáng những hoa văn đặc sắc trên tấm thổ cẩm áo nam truyền thống của người Ê-đê. Sản phẩm của em đã giành giải Nhì cuộc thi dệt thổ cẩm.

Y Dhông là một chàng trai người Ê-đê đam mê và biết dệt thổ cẩm ở Đăk Lăk. Y Dhông là một chàng trai người Ê-đê đam mê và biết dệt thổ cẩm ở Đăk Lăk.

Y Dhăm chia sẻ: Từ nhỏ nhìn thấy bác, mẹ và chị họ dệt thổ cẩm em rất thích và cứ ngồi bên cạnh xem, đến năm 11 tuổi em xin mẹ và gia đình cho học nghề. Cả nhà đều ngạc nhiên, ai cũng bảo dệt thổ cẩm là công việc của phụ nữ, nhưng vì em thích nên mẹ em đồng ý dạy và thuyết phục mọi người trong nhà cho phép. Mẹ và bác tận tình chỉ dẫn cách dệt từng họa tiết, hoa văn thổ cẩm, Y Dhăm nhanh chóng biết dệt.

Ngoài thời gian học ở trường và phụ giúp bố mẹ việc nhà, Y Dhăm lại miệt mài bên khung cửi tỉ mỉ dệt từng đường chỉ để làm nên bộ khố áo, tấm chăn hay khăn, túi… với các hoa văn truyền thống. Em hiểu rõ nghề này đòi hỏi sự kiên trì, đôi tay khéo léo, sự sáng tạo. Khó nhất là công đoạn tạo hoa văn. Hồi đó, theo lời chỉ dạy của mẹ, em biết dệt tấm thổ cẩm bình thường mà chưa biết cách phối màu, dệt các hoa văn. Sau này, học hỏi nhiều, em mới dệt được những tấm thổ cẩm đẹp.

Cũng giống như Y Dhăm, Y Dhông Buôn Yă, 24 tuổi ở buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột cũng yêu hoa văn rực rỡ nhiều màu sắc trên từng chiếc khăn, tấm chăn thổ cẩm truyền thống. Lớn lên trong ngôi nhà truyền thống của gia đình, được thấy mẹ giã gạo, nghe già làng kể khan và xem các chàng trai, cô gái Ê-đê trong bộ trang phục truyền thống nắm tay nhau nhảy múa bên bếp lửa bập bùng, tình yêu thổ cẩm cũng ngấm dần từ lúc nào không hay.

Trong khi các bạn nam cùng trang lứa đi bắn nỏ, bẫy chim, thì Y Dhông lại lân la xem các mí, các chị dệt bên khung cửi. Biết phong tục hà khắc, xưa nay đàn ông Ê-đê không được học dệt, chàng trai trẻ quyết định nói ra nguyện vọng muốn học nghề liền bị gia đình phản đối gay gắt. Y Dhông âm thầm quan sát cách kéo chỉ, dệt hoa văn rồi lén mẹ mua chỉ về tự mày mò dệt. Càng biết càng mê, Y Dhông tự mày mò dệt, đến khi mẹ của Y Dhông là bà H’Duyên nhìn thấy sản phẩm bà mới hiểu niềm đam mê và năng khiếu của con nên đã miễn cưỡng đồng ý.

Đến nay, Y Dhông không chỉ dệt đẹp mà còn biết dệt nhiều hoa văn độc đáo của người Ê-đê. Hầu như hoa văn nào Y Dhông cũng đều dệt được. Chính vì vậy, chàng trai trẻ luôn được chọn tham gia các hội thi dệt thổ cẩm. Y Dhông chia sẻ: “Mình thích dệt thổ cẩm, yêu sắc màu hoa văn truyền thống trên những tấm vải dệt. Mỗi lần đi đến các buôn làng vùng sâu, vùng xa, thấy ai dệt thổ cẩm có họa tiết lạ là Y Dhông liền ngắm nghía thật kỹ hoặc mượn về dệt theo. Những dịp được tham gia các hội thi, được gặp gỡ nhiều người, học hỏi kinh nghiệm và thấy bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa”.

Tình yêu kỳ lạ với thổ cẩm của hai chàng trai Ê-đê này đã tạo thêm sức lan tỏa đến thế hệ trẻ trong cộng đồng về những nỗ lực bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của tộc người Ê-đê.

Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk cho biết: Trong phong tục của người Ê-đê, đàn ông dệt thổ cẩm là điều tối kỵ. Nhưng nay, cuộc sống hiện đại, người Ê-đê không còn quá hà khắc với tục lệ này nữa, người học dệt dù là nam hay nữ chỉ cần người muốn học dệt có tâm huyết, có niềm đam mê thì cộng đồng sẽ chấp nhận. Thổ cẩm không đơn thuần là tấm vải bình thường mà ẩn chứa cả tâm hồn của con người Ê-đê, mỗi sản phẩm làm ra thể hiện sự tài hoa của người dệt.

Trong thời kinh tế thị trường, việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục có kế hoạch bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm, khuyến khích nhiều người dân cùng tham gia để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.