Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Hai mươi năm tín dụng chính sách xã hội "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ"

Mai Hương - Thái Hòa - 19:32, 04/10/2022

Hành trình 20 năm (4/10/2002-4/10/2022) tín dụng chính sách xã hội mang thông điệp "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", là “cánh tay nối dài” của Chính phủ, mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội được công khai niêm yết tại các Điểm giao dịch xã.
Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội được công khai niêm yết tại các điểm giao dịch xã.

20 năm trưởng thành và phát triển

Theo báo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu năm 2002, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc vẫn chiếm tới gần 30% tổng hộ dân trên toàn quốc. Đây là đối tượng mà Ngân hàng Chính sách xã hội hướng tới. Bên cạnh đó, địa bàn các “khách hàng” của NHCSXH phần lớn tập trung ở vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển; đồng bào 54 dân tộc anh em với những nét văn hóa khác nhau, tập quán sản xuất vẫn còn manh mún, lạc hậu khiến nhiệm vụ “đem tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ” gặp rất nhiều khó khăn.

Từ thực tế đó, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vận hành phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù với sự ủy thác một số nội dung công việc. NHCSXH đã nhiều lần cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác củng cố hoạt động, đặc biệt là nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn để làm tốt nhất công tác tuyên truyền; khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn vay vốn, thay đổi tư duy phát triển kinh tế, lồng ghép nguồn vốn chính sách cùng các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 Quan trọng hơn, là giám sát đồng vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích và thu hồi vốn để kịp thời chuyển dòng vốn ngày càng sâu rộng đến các đối tượng khác được thụ hưởng bình đẳng.

Cán bộ NHCSXH luôn gần gũi với người dân để hướng dẫn, hỗ trợ các chính sách tín dụng
Cán bộ NHCSXH luôn gần gũi với người dân để hướng dẫn, hỗ trợ các chính sách tín dụng

Tại nhiều địa phương, cán bộ tín dụng NHCSXH đã trở thành một trong những lực lượng chủ chốt tiên phong, đặt chân đến những vùng đất khó khăn nhất, cùng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương, hỗ trợ bà con làm kinh tế vươn lên giảm nghèo.

Điểm giao dịch xã với ngày giao dịch cố định hằng tháng, là một sáng kiến mang tính đột phá riêng của NHCSXH, một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, để đưa tín dụng chính sách đến người dân kịp thời, theo phương châm “Giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.

Để có những phiên giao dịch “đến hẹn lại lên”, có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong hệ thống NHCSXH. Nhiều cán bộ công tác ở huyện, dù đơn vị cách nhà chỉ vài chục km, nhưng cả tháng không có ngày nghỉ để về với gia đình. Nhiều cán bộ tăng cường, luân chuyển công tác, công việc bận rộn có khi vài tháng mới được về nhà. Chưa kể, công tác kiểm tra giám sát hộ vay cũng vô cùng vất vả. Hàng ngày, nhân viên ngân hàng phải đơn phương cùng chiếc xe máy băng qua khắp bản làng, đồi núi để thực hiện nhiệm vụ...

Thế nhưng, chưa cán bộ NHCSXH nào từ chối khi được phân công, hay rời công tác vì khó khăn. Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng toàn quốc, nhiều cán bộ được tăng cường vào các tỉnh phía Nam, gần như cả năm không được về nhà. 

Khi người dân bước vào giai đoạn sống chung với dịch bệnh, các cán bộ, nhân viên ngân hàng lại kiên trì ở lại, để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Chính phủ, hoặc triển khai các chính sách tín dụng của địa phương hỗ trợ lao động hồi hương.

Trong suốt hành trình 20 năm qua, đã có hơn 42 triệu lượt hộ được vay vốn chính sách để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng
Trong suốt hành trình 20 năm qua, đã có hơn 42 triệu lượt hộ được vay vốn chính sách để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng

Đặc biệt, từ năm 2007, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Chính phủ đã 5 lần nâng chuẩn hộ nghèo, cũng như mở rộng các đối tượng thụ hưởng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập.

Trong bối cảnh đó, NHCSXH không chỉ phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của Chính phủ, thực thi các chính sách tín dụng xã hội, mà còn phát huy vai trò “cầu nối” giữa những người nghèo, đối tượng yếu thế với các cơ quan Nhà nước và Chính phủ; đề xuất và tham mưu ban hành nhiều chương trình tín dụng mới, nâng mức vay đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân. Hệ thống các chính sách tín dụng dần hoàn thiện mang tính chất hỗ trợ, giúp đỡ và có tính kế thừa, phát triển.

Đến nay, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, NHCSXH đã và đang triển khai 22 chương trình tín dụng rộng khắp trên 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vững bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mang ấm no cho hộ nghèo

Ông Đinh Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn 1, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: Vào những năm 1999 - 2000, thôn 1 có 100% số hộ nghèo, 85% số hộ bị thiếu đói thời kỳ giáp hạt. Gia đình ông Hoàng cũng đồng cảnh đói nghèo như các hộ dân trong thôn. Đến năm 2009, được cán bộ chính quyền và cán bộ NHCSXH tuyên truyền, vận động, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư trồng keo, nuôi bò. Trải qua cả chục năm kiên trì quay vòng vốn vay để nỗ lực trồng rừng, chăn nuôi, gia đình ông Hoàng đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Tín dụng chính sách xã hội "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".
Tín dụng chính sách xã hội "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".

Hiện nay, không chỉ gia đình ông Hoàng mà Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1 đã có 75% số hộ vươn lên thoát nghèo,không phát sinh hộ tài nghèo. Nhiều hộ vay khấm khá, trở thành tấm gương sáng cho hộ khác noi theo.

Đơn cử như Trưởng thôn Hồ Thanh Tùng, qua 2 vòng vốn vay hộ nghèo với 20 triệu đồng ban đầu và 50 triệu đồng vòng tiếp theo, ông Tùng đã đầu tư trồng 5ha keo và nuôi trâu. Đến năm 2019, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, ông tiếp tục vay 80 triệu đồng để đầu tư phát triển đàn trâu lên 7 con. Cùng với diện tích trồng keo đến thời kỳ khai thác, đã giúp gia đình ông vươn lên tự chủ về tài chính, có điều kiện nuôi 3 người con ăn học đàng hoàng.

Hay như cựu chiến binh Lê Văn Trong ở ấp 8 (xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã quyết tâm vay vốn tại NHCSXH để vươn lên thoát nghèo. Từ đó, ông tiếp tục vận động bà con học nghề để tham gia vào Tổ hợp tác đan lục bình. Đến nay, Tổ hợp tác đã tạo việc làm cho trên 400 lao động địa phương, với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Ông còn tham gia làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn để hỗ trợ người nghèo tại địa phương có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay tại quê hương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp nhiều thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp nhiều thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu trên chính quê hương.

Theo báo cáo của NHCSXH, trong 20 năm qua, hơn 42 triệu lượt hộ đã được vay vốn, với trên 814 nghìn tỷ đồng, góp phần chung tay cùng cả nước giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 9,88% (năm 2016) xuống còn 2,75% (năm 2020). Tất cả những nỗ lực ấy đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được thế giới ghi nhận.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng chặng đường giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để tiến tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, NHCSXH sẽ tập trung vốn cho công tác giải quyết việc làm và sinh kế, cho vay HSSV, cùng các chương tín dụng nâng cao chất lượng sống. Đây sẽ là những động lực góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước ngày càng phát triển.