Vườn cam của gia đình anh Hoàng Đức Hùng, xã Tân Thành được trồng theo phương thức hữu cơ, đảm bảo chất lượng nên được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Sau hơn 4 năm, đến nay, vườn cam hữu cơ của anh Hùng luôn được thị trường đón nhận, kể cả các siêu thị lớn ở Hà Nội. Vụ cam vừa qua, 3ha cam hữu cơ của gia đình anh Hùng cho năng suất đạt khoảng 30 tấn. Với giá bán tại vườn hơn 30.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với cam trồng theo thông thường, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Hàm Yên hiện có 5.100 ha cam. Trong đó, diện tích cây cam sành là 4.030 ha, chiếm 79,00%, ngoài ra còn các giống cam khác, như: Cam chanh, cam Vinh, cam V2, cam C36… Nhiều trang trại cam với quy mô lớn đã được hình thành và phát triển trên địa bàn huyện; tổng thu nhập từ cam đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Hiện nay, sản phẩm cam sành ngày càng được nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, phát huy thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Cam Hàm Yên ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. Sản phẩm hiện đã được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và trong hệ thống siêu thị lớn, như: Winmart, Co.op mart…
Tuy nhiên, theo Trung tâm Cây ăn quả huyện, từ năm 2021 đến nay, khi diện tích cam trên địa bàn huyện bắt đầu chết và giảm dần. Đơn vị đã làm việc với nhiều cơ quan chuyên môn, như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tân Trào, Viện Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT)... khảo sát, đánh giá mức độ nhiễm bệnh của cây cam. Đồng thời, phối hợp thực hiện nhiều đề tài, dự án như trồng cỏ Vetiver khử độc trong đất, quy trình chăm sóc trồng cam hữu cơ, quy trình chăm sóc sản xuất cam chất lượng,…
Để giữ vững và phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên, việc nâng cao chất lượng, sản xuất cam an toàn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Vì vậy trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn hữu cơ đang là hướng đi mới có hiệu quả, được người trồng cam ở Hàm Yên áp dụng và nhân rộng. Hiện địa phương có trên 800 ha cam VietGAP, 16 ha sản xuất cam hữu cơ. Hàm Yên là huyện đi đầu trong chương trình phát triển cây cam theo hướng hữu cơ.
Trước mắt, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam sành theo hướng hữu cơ, VietGAP, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mới, nâng cao năng suất chất lượng. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ cam sành thường niên mỗi năm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh việc duy trì các hoạt động quảng bá sản phẩm thường niên (hội chợ, lễ hội, hội nghị, hội thảo…); xây dựng thêm nhiều kênh bán hàng tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối hoa quả; đẩy mạnh liên kết phát triển thị trường tại các tỉnh phía Nam; sản phẩm cam sành Hàm Yên được định hướng sẽ tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các mạng xã hội nhằm tăng độ nhận diện sản phẩm cam sành hàm Yên.
Giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên là nhiệm vụ quan trọng, đòi hòi phải có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành của huyện và Nhân dân. Để phát triển vùng cam bền vững, tỉnh Tuyên Quang, huyện Hàm Yên đang kêu gọi thu hút đầu tư xây nhà máy chế biến các sản phẩm từ cam. Với thế mạnh sẵn có, cùng những định hướng rõ ràng cho kế hoạch xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu tiêu thụ sản phẩm, hứa hẹn rằng sản phẩm cam sành Hàm Yên trong thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều thành công. Đây là cơ hội lớn để thương hiệu cam sành Hàm Yên đến được với những thị trường tiềm năng, góp phần quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.