Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hàm Yên (Tuyên Quang): Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp

Hà Phúc - 3 giờ trước

Phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp gắn với văn hóa để phát triển du lịch, xây dựng địa phương trở thành điểm đến của du khách, góp phần giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân là hướng đi mới của huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) những năm gần đây.

Lễ hội Động Tiên-Chợ quê Hàm Yên năm 2024 thu hút đông đảo khách du lịch đến địa phương
Lễ hội Động Tiên-Chợ quê Hàm Yên năm 2024 thu hút đông đảo khách du lịch đến địa phương

Mô hình du lịch trải nghiệm vườn thanh long 7 ha của hộ anh Đỗ Văn Hưng (thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú) là một trong những điểm sáng về phát triển du lịch từ nông nghiệp. Sau khi được UBND huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin tuyên truyền kết hợp trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch, gia đình bắt tay ngay vào thực hiện. Anh lựa chọn và trồng các loại hoa đặc trưng hai bên lề đường vào vườn thanh long để tạo cảnh quan đẹp. Anh Hưng cũng đầu tư thêm xích đu quay, cầu check in tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan mô hình; mở rộng thêm hệ thống tưới tự động và hệ thống đèn led chiếu sáng ra quả trái vụ trên toàn bộ diện tích hiện có. Năm 2023, gia đình anh Hưng đã tiếp đón trên 4.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Anh Vương Ngọc Quang, thôn Đo, xã Bình Xa cũng là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển du lịch theo hướng nông nghiệp sinh thái. Anh Quang lựa chọn 1 quả đồi dưới dãy núi Cham Chu và cải tạo, xây dựng nhiều ngôi nhà sàn nhỏ để đón khách du lịch. Tại đây, anh Quang trồng nhiều loại hoa và cây ăn quả, từ bưởi, cam, chanh tứ thì, xoài, mít,… Sẵn có vốn tiếng Anh nên anh Quang kết nối được nhiều đoàn khách nước ngoài đến trải nghiệm. Anh thường xuyên giới thiệu tới khách du lịch về vùng cam sành, chè xanh của Hàm Yên và đưa khách đi tham quan, trải nghiệm dịch vụ thu hái, chăm sóc nông sản cùng người dân. Trung bình mỗi năm, anh Quang đón từ 500 đến 700 lượt khách. Giá dịch vụ của Quang khá cao, rẻ nhất 1 ngày đêm 25 USD/người hoặc nếu khách thuê nhà nhỏ thì 65 USD/nhà/ngày đêm. Doanh thu về du lịch hàng năm của anh Quang đạt gần 1 tỷ đồng.

Hàm Yên được coi là “vựa” cây ăn quả của tỉnh Tuyên Quang, phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp gắn với văn hóa để phát triển du lịch, xây dựng địa phương trở thành điểm đến của du khách là hướng phát triển mới của huyện. Các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Hàm Yên đã được đầu tư, khai thác và bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, như: Dịch vụ lưu trú cộng đồng Homestay, tham quan các trang trại, các mô hình nông nghiệp, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào DTTS, tham gia biểu diễn văn nghệ cùng đồng bào dân tộc bản địa, thưởng thức ẩm thực, làng nghề truyền thống…

Hàm Yên đang phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp gắn với văn hóa để phát triển du lịch
Hàm Yên đang phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp gắn với văn hóa để phát triển du lịch

Hiện huyện Hàm Yên có trên 30 cơ sở lưu trú du lịch với trên 400 buồng, trong đó có 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn khách sạn 1 sao; trên 25 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ; có trên 25 nhà hàng quy mô phục vụ 15 bàn trở lên. Cùng với đó, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở, doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn huyện đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông sản chất lượng cao phục vụ khách tham quan và trải nghiệm du lịch trên địa bàn. Hàm Yên có 34 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao.

Để thực hiện hiệu quả các kế hoạch, huyện Hàm Yên đã tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch cho cán bộ, công chức và các hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ homestay. Tổ chức cho một số gia đình đi tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các địa phương thực hiện hiệu quả; thường xuyên cử các hộ gia đình, cá nhân tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng do tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, Hàm Yên cũng khuyến khích các địa phương phát triển nghề thủ công truyền thống như mây, tre, giang, nứa, tơ tằm, dệt thổ cẩm; phát huy các lễ hội truyền thống trên địa bàn…

Nhờ đó, các yếu tố văn hóa truyền thống, sinh thái gắn với nông nghiệp đã đưa vào khai thác một cách sáng tạo để phục vụ khách du lịch. Huyện khuyến khích người dân xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê theo phong cách truyền thống, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.

Kết quả đáng mừng là năm 2023, huyện đón 115 nghìn lượt du khách. Để thu hút khách du lịch, bên cạnh việc tổ chức các lễ hội truyền thống, Hàm Yên đang quy hoạch, phát triển du lịch Hồ Khởn, xã Thái Sơn; thôn Cao Đường, xã Yên Thuận; khai thác tiềm năng vùng lòng hồ thủy điện sông Lô; du lịch sinh thái núi Cham Chu; bảo tồn phát huy Làng Văn hóa dân tộc thôn Pác Cáp, thác Mạ Héc xã Phù Lưu; điểm du lịch Động Tiên, đền Thác Cái xã Yên Phú; di tích Phủ Toàn Thắng xã Thành Long; đền Bắc Mục, tuyến phố đi bộ thị trấn Tân Yên.

Mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tại Hàm Yên được đánh giá là tiềm năng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp người nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình. Để phát triển lâu dài và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND huyện Hàm Yên đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, đẩy mạnh liên kết sản phẩm du lịch để phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.


Tin cùng chuyên mục
Nêu gương sáng ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh: Chuyện về những người “mở đường” (Bài 1)

Nêu gương sáng ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh: Chuyện về những người “mở đường” (Bài 1)

Trong các giai đoạn phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc Quốc phòng-An ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 06). Từ định hướng, chủ trương của Đảng, các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân, vùng DTTS và miền núi Quảng Ninh đã có sự thay đổi rõ rệt. Trong hành trình vươn lên phát triển ở các bản làng, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trên các lĩnh vực, trở thành hạt nhân điển hình lan tỏa về tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới tư duy trong vùng đồng bào.
Đọc nhiều