Hang Tám Cô - Nơi các Anh hùng đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộcTrong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ của dân tộc, Đường Trường Sơn - Đường mòn Hồ Chí Minh trở thành tuyến vận đạn tải lương huyết mạch. Trong suốt 16 năm ấy (1959-1975), những địa danh Truông Bồn, Đồng Lộc, Khe Giao, Khe Ve, Hang Tám Cô… trở thành trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ.
Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “xe chưa qua, nhà không tiếc”… hậu phương miền Bắc đã dồn hết nhân tài vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Lớp lớp thanh niên miền Bắc, anh trước em sau nối nhau ra tiền tuyến. Cả dân tộc quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sự hy sinh của các anh, các chị trên tuyến đường 20-Quyết Thắng đã trở thành khúc tráng ca anh hùng tuổi 20Hòa trong không khí hừng hực ra trận ngày ấy, các anh, các chị Nguyễn Văn Huệ, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương, Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỳ, Nguyễn Văn Phương từ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng hăng hái lên đường hòa mình vào khí thế hào hùng của cả dân tộc cùng đánh Mỹ. Khi ấy, các anh, các chị mới mười tám, đôi mươi. Sau chặng đường dài hành quân vào đến Quảng Bình, ngày 20/6/1971 các anh, các chị được biên chế vào Đội Thanh niên xung phong 163, C217 thuộc Ban 67 hoạt động trên tuyến đường 20 - Quyết Thắng.
Là 1 trong 21 trục ngang trong hệ thống đường Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, tuyến đường 20 - Quyết Thắng là cầu nối quan trong giữa hậu phương và tiền tuyến miền Nam. Cũng vì thế mà giặc Mỹ đã điên cuồng bắn phá, đường 20 - Quyết Thắng trở thành trận địa hứng bom, chịu đạn thuộc loại cao nhất Trường Sơn.
Thời điểm cuối tháng 11/1969, suốt 15 ngày đêm giặc Mỹ bắn phá vào các trọng điểm trên đường 20 - Quyết Thắng đã ném xuống 17.625 tấn bom đạn; trung bình 1km đường là 2.203 tấn.
Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Hang Tám Cô và đường 20- Quyết ThắngDưới mưa bom bão đạn, hàng vạn công binh, thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS ở Quảng Bình vẫn san đường bắc cầu. Đường 20 - Quyết Thắng vẫn thông xe, quân tài khí giới đảm bảo vào chiến trường miền Nam ruột thịt. Trên mỗi cây số đường, mét ngầm đều thấm máu, mồ hôi, nước mắt của những người bảo vệ và vận hành thông tuyến đường 20 - Quyết Thắng.
Chiều ngày 14/11/1972, đã trở thành ký ức đau thương trên tuyến đường 20 - Quyết Thắng. Đế quốc Mỹ lại ném bom vào trọng điểm Km16 +500. Nơi đó, một Đội Thanh niên xung phong và một Tiểu đội pháo của ta đang đóng quân để bảo vệ trận địa và thông tuyến cho xe qua. Trận mưa bom trút xuống xối xả, đoạn Km16 +500 đường 20 - Quyết Thắng bị cày nát. Bom Mỹ đánh trúng vào hang đá bên đường nơi Thanh niên xung phong tạm tránh trú. Các anh, các chị Nguyễn Văn Huệ, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương, Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỳ, Nguyễn Văn Phương đã bị vùi lấp trong hang đá.
Dù đã dùng mọi nỗ lực, huy động thiết bị hiện có… và triển khai nhiều phương án, thế nhưng việc khai thông miệng hang để cứu đồng đội đều bế tắc. Sau 9 ngày nỗ lực, mọi hy vọng cứu sống và tìm kiếm thi thể các anh, các chị trở nên vô vọng. Các anh, các chị đã hy sinh, để rồi “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc, hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.
Sau 24 năm bị vùi trong hang đá giữa đại ngàn Trường Sơn, ngày 22/3/1996 lực lượng tìm kiếm đã nổ quả mìn đầu tiên phá hòn đá lớn chắn cửa hang. Ngày 11/5/1996, phát hiện thấy bộ hài cốt đầu tiên trong 8 Thanh niên xung phong đã hy sinh ngày ấy, rồi đến các thanh niên khác…! Ở phía ngoài cửa hang núi còn phát hiện thêm 5 thi hài chiến sĩ pháo binh. Các anh ngã xuống khi trên tay còn cuốc, cào… để thông tuyến đường 20 - Quyết Thắng. Chính quyền địa phương đã tổ chức Lễ truy điệu và đưa các anh, các chị về an táng tại nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà.
Khắp nơi trên đất nước tràn ngập sắc cờ đỏ sao vàng chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcNăm 2013 Hang Tám Cô được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Cửa hang núi được phục dựng, cạnh đó là Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đường 20 - Quyết Thắng. Đường 20 - Quyết Thắng trở thành con đường “Xanh mãi tuổi hai mươi”; Hang Tám Cô trở thành khúc tráng ca bất tử để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ mai sau.
Cuộc chiến tranh vệ quốc gian khổ và chịu nhiều đau thương, mất mát của dân tộc ta đã lùi xa, 50 năm non sông nối liền một dải, đất nước đã và đang vươn mình mạnh mẽ. Các thế hệ người Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn của các bậc cha ông không tiếc máu xương để giành độc lập cho dân tộc; Viết tiếp trang sử hào hùng ấy bằng những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể, sớm đưa Việt Nam sánh vai với các nước trên thế giới như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong đợi.