Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nơi khởi đầu một con đường huyền thoại

An Yên - 4 giờ trước

Giữa lòng núi rừng xứ Nghệ, ngay từ thời kháng chiến chống Mỹ, đã có những nhát cuốc đầu tiên hạ xuống khai mở một con đường huyền thoại. Cũng ngay từ lúc ấy, có một cây gỗ lớn dựng lên, thành cột mốc đơn sơ mang tên “Km số 0”…

Toàn cảnh Di tích lịch sử Quốc gia Km số 0 tại thị trấn Lạt - huyện Tân Kỳ hôm nay
Toàn cảnh Di tích lịch sử Quốc gia Km số 0 tại thị trấn Lạt - huyện Tân Kỳ hôm nay

Lịch sử đã gọi tên

Khi viết “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhà thơ Tố Hữu không chỉ nói đến tấm lòng kiên trung của một thế hệ anh hùng những năm kháng Mỹ. Mà còn là cái hiện thực về những anh bộ đội, chị thanh niên xung phong đào núi mở đường với bao gian lao, vất vả không thể gọi thành tên.

Cái khoảnh khắc đó, chính là ngày 9/9/1964, khi Trung đoàn 98 công binh hạ những nhát cuốc đầu tiên xuống chân núi Dong - thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ hôm nay để khai mở một con đường chiến lược quan trọng bậc nhất trong lịch sử. Cũng ngay từ lúc ấy, có một cây gỗ lớn dựng lên, thành cột mốc đơn sơ mang tên “Km số 0” - điểm xuất phát của hành trình tiếp vận nối liền Bắc – Nam; điểm xuất phát của con đường Trường Sơn năm xưa - đường Hồ Chí Minh hôm nay.

Và rồi, đường Trường Sơn như mạch máu chảy trong huyết quản, mà vươn dài dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Riêng tuyến Đông Trường Sơn, chạy trên lãnh thổ Việt Nam, có chiều dài 1.920km, chia thành thành 5 hệ thống dọc và 21 trục ngang, nối liền các chiến trường từ Bắc vào Nam.

Vì sao thời bấy giờ, huyện Tân Kỳ lại được chọn là điểm khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh lịch sử. Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Nơi đây, có hệ thống đường 15A, 15B chạy qua; là các cao điểm trọng yếu án ngữ xung quanh như lèn Rỏi, dãy Bồ Bồ, Bù Loi; là nơi tập kết của hàng loạt sư đoàn chủ lực trước khi “Nam tiến”. Hơn hết, hệ thống giao thông thuận lợi ở Tân Kỳ, giúp quân chủ lực dễ dàng di chuyển theo các hướng khác nhau một cách quân lợi.

Hình ảnh lắp đặt cột mốc Km số 0 đầu tiền năm 1990
Hình ảnh lắp đặt cột mốc Km số 0 đầu tiền năm 1990

Kể từ mốc khởi phát xây dựng vào năm 1964 đến lúc hoàn thành sứ mệnh “thồ đạn, tải lương”, đã có gần 455 triệu tấn hàng quân sự, 58 triệu tấn xăng, dầu được vận chuyển qua con đường này; góp phần có ý nghĩa to lớn trong Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trở lại với điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Trường Sơn, thì nay giữa lòng núi rừng miền Tây xứ Nghệ, nơi thị trấn Lạt, một khu di tích lịch sử rộng hàng trăm m2 đã được dựng lên để tri ân công lao to lớn của những anh bộ đội, chị thanh niên xung phong phá đá mở đường, thồ bom, tải đạn năm nào.

Cùng với đó, một bia dẫn tích bằng đá, các hạng mục như nhà đón tiếp, những chiếc xe vận tải, những khẩu pháo, những kỷ vật chiến tranh… đang được trưng bày tại "Km số 0" để nhắc nhở hậu thế về một vị trí chiến lược không thể nào quên.

Cột mốc số 0 thuộc thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ tự hào là nơi khởi nguồn của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại; đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/4/1990.

Và cũng để ghi nhận những đóng góp xứng tầm, ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ/TT-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước.

Di tích lịch sử Quốc gia Km số 0 - địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước - Ảnh: X.Hoàng
Di tích lịch sử Quốc gia Km số 0 - địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước - Ảnh: X.Hoàng

Km số 0 hôm nay…

Chiến tranh đi qua, tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử năm nào đã được khôi phục, xây dựng trong những năm sau đổi mới. Năm 1989, đường Hồ Chí Minh được xây dựng lại theo tiêu chuẩn quốc gia, đạt tiêu chuẩn 4 làn xe chạy.

Từ thời chiến đến thời bình, Km số 0 đã trở thành điểm hẹn lịch sử của những binh đoàn trước khi ra tiền tuyến, là điểm hẹn giáo dục lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng cho biết bao hậu thế hôm nay.

Trong không gian tĩnh lặng ở khu di tích Km số 0, vẫn lặng lẽ vang lên những câu chuyện bất tử về một thời đại anh hùng của một dân tộc anh hùng. Giữa muôn vàn câu chuyện ấy, có câu chuyện bất tử về một con đường nối liền hai miền đất nước, mang khát vọng độc lập dân tộc.

Cán bộ quản lý Di tích Lịch sử Cột mốc số 0 - đường Hồ Chí Minh, chị Phạm Thu Hằng tâm sự: Nơi đây, mỗi năm có hàng chục nghìn lượt người tham quan, trải nghiệm. Và tôi nghĩ, họ sẽ tìm thấy ở đây một phần linh hồn dân tộc, một phần niềm kiêu hãnh, tự hào của cả một dân tộc kiên trung.

Mỗi năm tại di tích lịch sử Quốc gia Km số 0 đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan - ảnh: X.Hoàng
Mỗi năm tại di tích lịch sử Quốc gia Km số 0 đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan - ảnh: X.Hoàng

Tân Kỳ không chỉ là nơi khởi đầu con đường Trường Sơn huyền thoại mà còn là mảnh đất “trăm quê” khi đã có hàng chục vạn đồng bào vùng chiến tuyến như Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… ra tập kết, lập nên những xóm làng trú phú, màu mỡ hôm nay.

Xung quanh di tích Km số 0, kinh tế vườn rừng, vườn đồi đang hiện hữu trên những khoảnh đồi thấp, trải dài; mang lại cơm no áo ấm cho đồng bào miệt núi. Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ Phan Văn Giáp hồ hởi: Bằng chứng rõ nhất là năm 2024 vừa qua, huyện Tân Kỳ đạt và vượt toàn bộ 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Huyện có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 3 xã đạt chuẩn nâng cao.

Con đường Trường Sơn năm xưa – đường Hồ Chí Minh hôm nay không chỉ còn là một phần của ký ức. Đó là nhịp cầu nối quá khứ hào hùng với hiện tại phát triển và tương lai hội nhập. 

Tin cùng chuyên mục
"Một vùng đồng đội"...

"Một vùng đồng đội"...

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, được theo chân các Cựu chiến binh Sư đoàn 320 dâng hương tại Nhà bia di tích lịch sử Điểm cao 1015 hay còn gọi là đồi Charlie, Điểm cao 1049 còn gọi là đồi Delta (thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) và được nghe các Cựu chiến binh kể những gian khổ, hy sinh trong cuộc chiến mới thấy được sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha ông, họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, để chúng ta có được một đất nước hòa bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.