Với thế hệ trẻ, ngày thống nhất non sông mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, vừa tri ân quá khứ, vừa là hành trình kế thừa và cống hiến cho tương lai đất nước
H’Nen Niê, dân tộc Ê ĐêH’Nen Niê, dân tộc Ê Đê, sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
Là một người thuộc thế hệ lớn lên trong hòa bình, với tôi, ngày 30/4 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là một mốc thời gian trong sách lịch sử. Đó là ngày mà đất nước Việt Nam được liền một dải, là ngày cha ông tôi đã đánh đổi máu xương để thế hệ như tôi được sống, được học, được mơ ước trong hòa bình. Ngày lịch sử trọng đại này, không chỉ là để nhớ ơn, mà còn là sự kiện để tự nhắc bản thân sống có trách nhiệm hơn.
Là một người con DTTS, tôi tự nhận thấy mình cần giữ gìn bản sắc của mình và không ngừng học hỏi để đóng góp cho cộng đồng. Đối với tôi, yêu nước không phải là điều gì to tát. Đó là từ những gì đơn giản nhất như: gìn giữ ngôn ngữ Ê Đê, yêu thương mẹ cha, giúp đỡ những người xung quanh, tham gia hoạt động cộng đồng,… Tôi luôn tin rằng, khi người trẻ hiểu rõ cội nguồn, trân trọng lịch sử và giữ được tình yêu với bản sắc dân tộc mình, thì đất nước sẽ mãi trường tồn và phát triển. Người trẻ phải sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước.
Đỗ Anh Tuấn, người Sán ChỉĐỗ Anh Tuấn, người Sán Chỉ, sinh viên Đại học Luật Hà Nội
Chúng tôi lớn lên trong một Việt Nam đổi mới, phát triển từng ngày, nơi mà “chiến tranh” chỉ hiện lên qua những trang sách, thước phim tư liệu và đặc biệt là trong những câu chuyện kể của ông bà - những người từng trực tiếp sống, chiến đấu và hy sinh trong những năm tháng gian khổ nhất của dân tộc.
Tôi không được trải qua cảm giác vui mừng vào ngày nghe tin chiến thắng nhưng vẫn nhớ ánh mắt xa xăm của bà nội mỗi khi nhắc về những ngày bà hoạt động Cách mạng tại chiến khu cùng đồng đội; Những nếp nhăn trên khuôn mặt ông khi trăn trở vì chưa tìm được hài cốt của anh trai mình còn chôn vùi dưới đất lạnh tại chiến trường năm ấy. Trong tim tôi luôn trào dâng niềm tự hào sâu sắc vì nhận thức chúng tôi được sống trên mảnh đất này bằng sự hy sinh cao cả của biết bao Anh hùng liệt sĩ. Họ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, cho một Việt Nam hòa bình và phồn thịnh.
Tôi tin rằng, lịch sử không chỉ nằm trong những trang sách mà còn sống trong trái tim, trong ký ức của mỗi người Việt Nam. Và thế hệ chúng tôi, những người được học lịch sử, được nghe kể, được chứng kiến những dấu ấn chân thực nhất còn sót lại của chiến tranh, có một trách nhiệm lớn lao. Chúng tôi phải là những người tiếp nối câu chuyện, bằng ngôn ngữ, tiếng nói, hành động và tình yêu của thời đại mình.
Triệu Thị Nương, dân tộc NùngTriệu Thị Nương, dân tộc Nùng, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội
Thế hệ trẻ chúng tôi không phải cầm súng ra chiến trường như cha ông trước đây nhưng chúng tôi mang trên vai mình một trọng trách lớn lao, đó là: Làm thế nào để đưa đất nước ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu; là sứ mệnh giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc, niềm tự hào dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá. Tôi tự ý thức được rằng phải không ngừng học tập, rèn luyện trình độ và đạo đức để tiếp thu những tri thức của nhân loại, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của một người Việt Nam yêu nước, góp sức đưa đất nước ngày càng phát triển đi lên.
Mỗi lần đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, đứng trước những sự kiện trọng đại của đất nước và nghe những bài ca cách mạng lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả, như có một ngọn lửa đang bùng cháy trong tim thôi thúc tôi phải không ngừng cố gắng, phấn đấu và sống hết mình vì tuổi trẻ, có trách nhiệm và dấn thân hơn nữa để xứng đáng với những người con đã ngã xuống làm nên “dáng hình Đất Nước”.
Đặc biệt, là một người con DTTS luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tôi càng biết ơn và yêu quý Tổ quốc mình hơn bao giờ hết. Đó cũng là nguồn động lực để bản thân tôi tiếp tục phấn đấu, học tập để hoàn thiện bản thân.