Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hàng Việt lên vùng cao

PV - 18:19, 27/09/2021

Giờ hàng hóa không có nhãn mác tiếng Việt, không có hạn sử dụng là họ không mua nữa… Mình người Việt Nam phải dùng hàng Việt chứ! Lời của chị Xía như một nốt nhạc reo vui về sự thay đổi nhận thức, thói quen của người dân vùng cao.

Cửa hàng của gia đình anh Tính ở xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai phong phú các mặt hàng và tất cả đều là hàng Việt Nam
Cửa hàng của gia đình anh Tính ở xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai phong phú các mặt hàng và tất cả đều là hàng Việt Nam

Trước đây, một trong những điều khiến tôi suy nghĩ trong mỗi chuyến công tác đến các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh là chứng kiến việc những gói đồ ăn không nguồn gốc xuất xứ có chữ gạch ngang, gạch dọc “loằng ngoằng” trên bao bì được người dân vô tư sử dụng. Mỗi lần nhìn lũ trẻ hào hứng chia nhau những gói bim bim que, những gói bánh kẹo đựng trong túi bóng nhàu nhĩ, không tem mác, không hạn sử dụng tôi lại nghĩ đến nguy cơ “ngộ nhỡ”... Nhưng lần trở lại một số xóm, bản này, tôi vui vì bà con đã tin dùng hàng Việt.

Tới Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), tôi ghé vào quán của vợ chồng anh Ma Văn Tính. Quán đã mở rộng quy mô gấp 3 - 4 lần cách đây chừng 2 năm. Hàng hóa thiết yếu hầu như thứ gì ở đây cũng có. Nhưng điều bất ngờ lớn nhất với tôi, lại nằm ở chỗ tất cả hàng được bày bán đều là hàng Việt Nam, có tem mác, xuất xứ, hạn dùng rõ ràng. Dãy hàng kế bên có 2 cô bé đang chọn bánh kẹo và nước ngọt. Nghe cuộc đối thoại của hai cô bé với con trai anh Tính (là người bán hàng) tôi không khỏi bất ngờ.

- Bánh này phải của Việt Nam không? Một trong hai cô bé hỏi.

- Chữ Việt Nam thây, là của Việt Nam mà - Con anh Tính trả lời, không quên “khuyến cáo” thêm: Bánh, kẹo cứ nhìn thấy chữ Tràng An, Hải Châu, Hải Hà, Kinh Đô, Long Hải mà mua.

Tôi quay ra hỏi anh Tính: Con trai anh được việc quá! Mà hai khách hàng nhí kia còn biết quan tâm đến xuất xứ hàng hóa nữa cơ đấy?

- Không phải chỉ 2 đứa đó hỏi đâu. Mấy năm nay, ai đến mua hàng cũng hỏi. Không phải hàng Việt Nam họ không mua đâu. Thế nên, mình cũng phải dạy cho con nhà mình biết để bán hàng. Anh Tính trả lời.

- Nhưng lần trước lên, tôi thấy quán nhà ta bán rất nhiều đồ có bao bì ghi chữ Trung Quốc và bán hàng vẫn chạy đúng không?

- Trước đây thôi, mấy năm nay người ta tuyên truyền về dùng hàng Việt nhiều lắm. Từ ngày có điện, dân bản được nghe đài, xem tin tức nữa nên biết rồi. Trước, quán nhà tôi á, bán mấy cái nước uống, thạch hoa quả trong gói giấy nhựa hay kẹo dẻ 6 mùi, thịt hổ… chạy lắm, chỉ 2 - 3 nghìn đồng/gói, màu sắc lại rực rỡ nên trẻ con nó thích và mua đông lắm. Nhưng giờ có bán cũng không đứa nào mua đâu.

Nghe anh Tính nhắc, tôi lại nhớ đến món “thịt hổ”, là túi kẹo nhiều que sấy khô có màu đỏ, thanh dài, bóng nhẫy mỡ đám trẻ từng rất thích, vì vừa dễ chia nhau, lại có đủ các vị mặn, ngọt, cay và dai dai, vỏ bên ngoài dày đặc chữ Trung Quốc, không có phụ đề bằng tiếng Việt. Lần nào lên đây công tác tôi cũng thấy bọn trẻ ăn món đó.

Trò chuyện với hai bạn nhỏ mua hàng, tôi biết hai em là Ma Thị Phương Uyên và Ma Thị Minh Thư cùng ở xóm Lũng Cà hiện là học sinh Trường PTDT nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai). Minh Thư đang là học sinh lớp 8 cho biết: “Ở trường chúng em cũng được thầy cô giáo dặn không mua đồ ăn không có hạn sử dụng và nên tìm mua những mặt hàng có chữ Việt Nam”.

Còn Uyên lớn hơn Thư 1 lớp, khoe: “Bố em là trưởng xóm, bố em hay dặn mọi người trong nhà phải mua hàng Việt Nam để dùng cho bảo đảm sức khỏe. Bố em còn bảo, bố em phải đi tuyên truyền cho cả xóm nên trong gia đình, mẹ và bọn em phải nhớ thực hiện, không được vi phạm”.

Đúng lúc ấy, một người đàn ông trung niên, đeo sau lưng chiếc túi vải miệng thắt chặt đi vào quán rút ra mấy tờ tiền được gói kỹ càng trong chiếc túi nylon bảo: “Cho thùng mỳ tôm Gấu đỏ, một chai dầu ăn và một chai nước ngọt. Tất cả là hàng Việt nhé”.

Anh Tính nhanh nhảu xếp hàng vào túi đưa cho khách, tươi cười bảo: “Bác yên tâm dùng nhé, nhà em chỉ có hàng Việt Nam thôi”.

Đồng bào vùng cao ngày càng tin dùng hàng Việt
Đồng bào vùng cao ngày càng tin dùng hàng Việt

Không chỉ ở Lũng Luông, Lũng Cà mà sự thay đổi trong nhận thức ấy còn lan tỏa đến cả người dân ở xóm vùng cao Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Ở Bản Tèn hôm nay đã có tới 3 điểm bán tạp hóa với các mặt hàng phong phú, thay vì chỉ có 1 cửa hàng như mấy năm trước.

Tôi rẽ vào một trong số 3 quán ấy. Vợ chồng chủ quán là anh Vương Văn Páo và Nông Thị Xía. Cũng giống như quán của gia đình anh Tính ở Lũng Luông, ở đây hàng Việt đã “soán ngôi” các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trước đây. Chị Xía vui vẻ trò chuyện: Trước thì cứ hàng rẻ là dễ bán, nhưng bây giờ dân hỏi kỹ lắm. Hàng nước ngoài mà lại không rõ nguồn gốc là họ không mua đâu.

- Nhà chị Xía chuyển sang bán hàng của Việt Nam sản xuất lâu chưa?

- Trước cũng có nhưng mà ít. Hồi 2018 hay sao ấy, mình xuống xã thấy có “Điểm bán hàng Việt” (đặt tại xóm Tân Lập 1), ở đó toàn hàng Việt Nam chất lượng bảo đảm. Nghe giới thiệu xong, mình mới nghĩ sao không mang hàng Việt về bán thay cho hàng chả biết ở đâu như bây giờ. Thế là từ đấy dần dần chuyển sang bán hết hàng Việt. Dân họ cũng được nghe tuyên truyền nhiều nên giờ hàng hóa không có nhãn mác tiếng Việt, không có hạn sử dụng là họ không mua nữa… Mình người Việt Nam phải dùng hàng Việt chứ!

Lời của chị Xía như một nốt nhạc reo vui về sự thay đổi nhận thức, thói quen của người dân vùng cao./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.