Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hậu Giang: Nữ giám đốc hợp tác xã Kỳ Như sở hữu 11 sản phẩm OCOP đạt 4 sao

Ý Vy - Hoàng Quân - 21:20, 01/10/2024

Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kỳ Như, có địa chỉ ấp tại Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã biến con cá thát lát nhiều xương, thành đặc sản nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Cùng 20 loại sản phẩm khác nhau, từ cá thát lát, cá sặc rằn và ếch, HTX đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiêu dùng với 11 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.

Cơ sở chế biến cá thát lác của HTX Kỷ Như tại Hậu Giang
Cơ sở chế biến cá thát lác của HTX Kỳ Như tại Hậu Giang

 Hành trình làm nên 11 sản phẩm OCOP 4 sao 

Hơn 20 năm với nghề nuôi cá, cũng từng nhiều lần thất bại, nhưng vì yêu thích chị Thùy quyết tâm bám giữ nghề. Chị Thùy chia sẻ, còn nhớ khoảng năm 2000, sau khi thua lỗ đợt cá rô đầu vuông và cá thát lát, chị gần như hết vốn. Lúc đó, nhờ sự giúp đỡ của người thân, chị đã chuyển sang mở quán ăn. Quán của chị chuyên phục vụ các món ăn từ cá, trong đó món chả cá thát lát và cá thát lát muối sả, được thực khách rất yêu thích. Rồi khách hàng đặt cá của chị mang về và làm quà biếu.

 Trò chuyện với chúng tôi, chị Thùy cho biết, lúc đầu, chỉ làm chả cá và cá muối sả, về sau chị mạnh dạn nghiên cứu, làm cách nào để loại bỏ xương cá mà cá vẫn còn nguyên vẹn hình dáng và chất lượng. Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng chị đã thành công, cho ra đời sản phẩm cá thát lát rút xương. Hợp tác xã Kỳ Như của chị trở thành nơi đầu tiên chế biến ra sản phẩm cá thát lát rút xương tại xã Thạnh Hòa.

"Nét độc đáo của sản phẩm cá thát lát rút xương, là vẫn giữ nguyên hình con cá, nhưng khi sử dụng hoàn toàn không có xương, đồng thời vẫn giữ nguyên các hàm lượng dưỡng chất trong thịt cá. Theo tìm hiểu của tôi dưỡng chất từ cá thát lát rất có lợi cho sức khỏe cung cấp nhiều protein, lipit, khoáng chất, canxi, vitamin A, D, E… và đặc biệt hàm lượng omega khá cao, rất tốt cho trẻ đang tuổi phát triển và người già cần bổ sung dinh dưỡng. Nhiều bà con sử dụng sản phẩm cá thát lát rút xương đã phản hồi rất tốt về chất lượng cũng như sự độc đáo của sản phẩm", chị Thuỳ chia sẻ.

Nhận được sự ưa chuộng của đông đảo bà con trong khu vực và được giới thiệu ra các huyện, tỉnh khác, nhu cầu ngày càng cao hơn. Chính vì thế, từ quy mô nhỏ lẻ chị Thùy đã nâng cấp quy mô và thực hiện các công cụ để nâng cao chất lượng cho sản phẩm theo quy trình sản xuất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, để người tiêu dùng mới an tâm sử dụng.

Chị Thuỳ bên 11 chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đang chờ Trung ương xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao cho sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị
Chị Thuỳ bên 11 chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đang chờ xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao cho sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị

Năm 2015, sau khi tìm hiểu các tiêu chuẩn, chị Thùy quyết tâm đăng ký thương hiệu độc quyền cá thát lát Kỳ Như, với một số sản phẩm đặc trưng như: Chả cá thát lát, cá thát lát nạo, chả cá tẩm gia vị, cá thát lát rút xương tẩm gia vị… Và từ đó chị bắt đầu hành trình tiếp thị, chào hàng sản phẩm của mình tại các cửa hàng đặc sản, siêu thị, hội chợ...

Đến năm 2016, chị mở rộng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGap và xây dựng nhà xưởng chế biến, đăng ký giấy phép kinh doanh, liên kết với các nông hộ, tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, được kiểm soát chặt chẽ từ vùng nuôi đến giai đoạn chế biến theo quy trình kiểm soát chất lượng (HACCP, ISO 22000) cho đến lưu trữ bảo quản.

Năm 2019, chị quyết định thành lập Hợp tác xã Kỳ Như, nhằm tạo chuỗi liên kết cùng hỗ trợ phát triển tạo sự ổn định và bền vững, mở rộng thị trường, mang lại lợi nhuận cho các thành viên và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Năm 2020 khi tỉnh phát động tham gia sản phẩm OCOP, chị Thùy mạnh dạn đăng ký cùng lúc 5 sản phẩm trong đợt 1 và 3 sản phẩm trong đợt 2, 3 sản phẩm trong đợt 3. Hiện 11 sản phẩm (10 sản phẩm từ cá thát lát, 1 sản phẩm cá sặc rằn) của chị đều được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, trong đó 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng Sông Cửu long, đang chờ Trung ương xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao,là sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị.

"Với phương châm không ngừng hợp tác và phát triển, Hợp tác xã chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra những sản phẩm ngày càng chất lượng để đáp ứng thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế", chị Thùy khẳng định.

Đưa sản phẩm cá thát lát vươn ra quốc tế

Qua tìm hiểu được biết, để đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm và thị trường, HTX Kỳ Như đã đầu tư công nghệ hiện đại khi đưa vào sản xuất đều đạt chất lượng rất tốt (thông qua các đợt xét nghiệm đều đạt yêu cầu) và năng suất cũng rất cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về sản phẩm chất lượng của người tiêu dùng, như: Máy sấy năng lượng mặt trời, máy dồn chả, máy cấp đông nhanh, máy tạo viên, máy luộc chả, máy đóng gói, ép tem….

Thực phẩm sạch và an toàn là những gì người tiêu dùng hướng đến khi lựa chọn nguyên liệu nấu ăn cho gia đình của mình. Ý thức được điều này, HTX Kỳ Như đã quy hoạch, xây dựng vùng nuôi cá đều đạt tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, HTX còn áp dụng tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000 (Chứng nhận an toàn thực phẩm và hệ thống nhân sự quản lý chất lượng) trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm. Hiện HTX Kỳ Như có diện tích sản xuất cá nguyên liệu là 16ha, với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm ( trong đó có 400 tấn sản phẩm chế biến và 600 tấn sản phẩm nguyên liệu).

Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp ( Hậu Giang) đến thăm HTX Kỳ Như
Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp ( Hậu Giang) đến thăm HTX Kỳ Như

Nhờ chất lượng từ vùng nuôi cho đến quy trình sản xuất đều tốt, HTX Kỳ Như được các cơ quan Nhà nước cấp nhiều chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp khu vực và Sản phẩm Ocop tiêu biểu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp cho biết: Hiện HTX Kỳ Như sử dụng 30 lao động thường xuyên, vào mùa vụ theo yêu cầu có khi tăng gấp 2, 3 lần, trong đó lao động nữ nông thôn có được việc làm và thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân của người lao động bình quân 90 triệu đồng/năm. Với quy mô sản xuất trên, chị Kim Thùy cho hay, tổng lợi nhuận sau thuế từ năm 2019-2023 trên 4 tỉ đồng.

Tính đến tháng 4/2024 HTX Kỳ Như đã có 30 đại lý trên 20 tỉnh thành cả nước; đã phân phối cho các hệ thống siêu thị lớn như: Hệ thống siêu thị Mega, hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, hệ thống siêu thị Tứ Sơn…

HTX cũng đã liên kết với Công ty TNHH TM Phan Tôn (TP.HCM) gia công hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ; đã mở 1 chi nhánh phân phối trên đường Âu Cơ, TP.HCM. Đặc biệt, tháng 10/2023 chị xuất khẩu lô hàng 20 tấn sản phẩm chả cá thát lát và cá thát lát rút xương tẩm gia vị sang thị trường Mỹ và hiện đang thương thảo với đối tác để xuất lô hàng thứ 2.

Với thành tích trên chị Nguyễn Kim Thùy vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.