Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vịt bầu - Sản phẩm OCOP đặc trưng ở miền núi xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 10:26, 12/06/2024

Hiện nay, các huyện miền núi của Thanh Hóa đã xác định, giống vịt bản địa (vịt bầu), là một trong những vật nuôi có nhiều lợi thế để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong những năm gần đây, cùng với việc vận động người dân tích cực phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt bầu, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan đã chú trọng hỗ trợ xây dựng vịt bầu là sản phẩm OCOP của tỉnh, mở ra cơ hội tăng thêm thu nhập cho người dân và nguồn thu cho các doanh nghiệp HTX liên kết hợp tác...

Gia đình anh Hà Văn Sinh, xã Cổ Lũng là hộ chăn nuôi vịt Cổ Lũng nổi tiếng của huyện Bá Thước. Ảnh: Hoàng Đông
Gia đình anh Hà Văn Sinh, xã Cổ Lũng là hộ chăn nuôi vịt Cổ Lũng nổi tiếng của huyện Bá Thước. Ảnh: Hoàng Đông

Từ giống vật nuôi bản địa

Có dịp đến các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa) món đặc sản mà cán bộ địa phương thường tự hào giới thiệu với khách, chính là vịt bầu cổ xanh.

Vịt bầu cổ xanh được nuôi phương thức chăn thả tự nhiên trên các dòng suối, sử dụng thức ăn tự nhiên (ốc, tôm, tép, rau tạp), do đó tạo nên độ chắc và thơm ngọt của thịt vịt.

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất của giống vịt bầu ở Thanh Hóa, là vịt Cổ Lũng (hay còn gọi vịt Quốc Thành, vịt Mường Khoòng). Đây là giống vịt bản địa có từ lâu đời, chủ yếu nuôi tập trung ở xã Cổ Lũng và một số xã lân cận của huyện Bá Thước. 

Bá Thước có lợi thế với những dòng suối mát trong, nước chảy quanh năm, có rất nhiều ốc, cá nhỏ cũng như các loại vi sinh, đây là nguồn thức ăn rất tốt, tạo thuận lợi cho bà con nuôi vịt và làm nên thương hiệu vịt Cổ Lũng.

Gia đình anh Hà Văn Sinh (ỏ thôn La Ca, xã Cổ Lũng) chăn nuôi và gìn giữ giống vịt quý từ nhiều năm nay. Anh Sinh cho hay, lúc bắt đầu nuôi, anh Sinh cũng gặp không ít khó khăn do giống vịt bị lai tạp từ nhiều giống vịt khác nên không được giá. Do đó, anh đã tìm đến các gia đình trong bản để tìm đúng giống vịt Cổ Lũng bản địa về nuôi và nhân đàn, cung cấp cho thị trường. 

Hiện tại, gia đình anh Sinh duy trì đàn vịt 250 con, với giá vịt thịt bán ra thị trường tương đối ổn định từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Ngoài việc chăn thả vịt tự nhiên trên suối Nủa trong bản, anh Sinh còn đào ao, làm guồng nước để dẫn nước suối lên các ao, bảo đảm nguồn nước sạch sẽ phục vụ việc chăn nuôi vịt. Đồng thời, anh cũng đầu tư xây chuồng nuôi kiên cố để phân loại vịt thương phẩm, vịt đẻ, vịt giống. 

Đáng chú chú, vịt Cổ Lũng ban đầu chỉ nuôi tại các hộ gia đình, nhưng hiện nay đã có sự liên kết phát triển thành các doanh nghiệp hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng và tiến tới việc xây dựng thành sản phẩm OCOP. 

Điển hình như, Công ty TNHH Chăn nuôi vịt Cổ Lũng đóng tại địa bàn thôn Lọng, xã Lũng Cao đã và đang phát triển giống vịt đặc sản này và xây dựng thành sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đại diện Công ty cho biết: Hiện nay, Công ty đã và đang liên kết với 40 hộ dân trên địa bàn nhằm cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho bà con. Mỗi năm, Công ty cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 con vịt thương phẩm. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư 3 lò ấp trứng và duy trì đàn vịt thương phẩm, cung cấp cho thị trường.

Từ năm 2023, huyện Bá Thước đã triển khai các dự án chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm tại các xã: Ban Công, Kỳ Tân, Điền Hạ, Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Niêm. Tổng số vịt giống hỗ trợ trên 26.000 con. Huyện cũng tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện, trong đó có vịt Cổ Lũng.

 Đến hết năm 2023, tổng đàn gia cầm toàn huyện hơn 470.000 con (trong đó vịt Cổ Lũng hơn 50.000 con). Năm 2023, vịt Cổ Lũng Tuấn Anh (Công ty TNHH Chăn nuôi vịt Cổ Lũng) đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, vịt Cổ Lũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Giống vịt bầu này thường được chăn thả tự nhiên, phù hợp với khí hậu của các huyện miền núi. Do đó, hiện nay không chỉ ở Bá Thước, các huyện khác như: Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Thạch Thành, Thường Xuân... đã và đang nhân giống, phát triển giống vịt này và xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Sản phẩm vịt Cổ Lũng Tuấn Anh (Bá Thước) và vịt Suối Tình (Quan Sơn) đã được công nhận sản phẩm OCOP
Sản phẩm vịt Cổ Lũng Tuấn Anh (Bá Thước) và vịt Suối Tình (Quan Sơn) đã được công nhận sản phẩm OCOP

...đến sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: Hiện nay, huyện Quan Sơn có 9 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP là: Vịt Suối Tình (xã Tam Lư), vịt bầu Suối Chăng Mường Hạ (xã Sơn Hà). 

Mô hình nuôi vịt theo hướng hàng hóa, là hướng mới trong phát triển kinh tế, giúp giải quyết việc làm và tăng nhu nhập cho người dân, từng bước giúp các hộ chăn nuôi ở huyện miền núi Quan Sơn giảm nghèo.

Điển hình như tại bản Hát, xã Tam Lư, Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Suối Tình do chị Vi Thị Thuyến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Hát làm Tổ trưởng. Chi hội có 110 hội viên, thì có 35 thành viên tham gia tổ hợp tác chăn nuôi vịt. Ban đầu Tổ hợp tác chỉ có 20 thành viên tham gia thì nay đã tăng lên 35 thành viên. Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả trong phát triển kinh tế, đầu ra cho sản phẩm ổn định, được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao là động lực để chị em hội viên phụ nữ bản Hát tiếp tục duy trì, phát triển Tổ hợp tác hiệu quả.

Chị Vi Thị Thuyến cho biết: Vịt Suối Tình được nuôi gối vụ, đảm bảo luôn có vịt thương phẩm cung cấp cho thị trường. Giống vịt này ưa môi trường sạch sẽ, hay bơi lội tìm kiếm mồi tạp, khả năng kháng bệnh, chống chịu bệnh rất tốt, ít bị dịch bệnh, rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương. 

Hiện tại, Tổ hợp tác có tổng đàn vịt khoảng 500 con. Một năm Tổ hợp tác chăn nuôi khoảng 3-4 lứa vịt. Vịt được chăn thả đa phần ngoài tự nhiên, nên thịt thơm, ngọt, ít mỡ, được người dân lựa chọn là món ngon dùng để đãi, tặng quà khách quý và cung cấp cho thị trường. 

Hiện nay, Tổ hợp tác đang nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển đàn vịt, tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ bản Hát nói riêng, từng bước xây dựng địa chỉ tin cậy để hội viên chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện.

Việc phát triển và nhân rộng giống vịt bầu tại các huyện miền núi xứ Thanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập
Việc phát triển và nhân rộng giống vịt bầu tại các huyện miền núi xứ Thanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập

Ở huyện vùng cao Mường Lát, người dân bản Sim, xã Quang Chiểu cũng đang chú trọng nuôi giống vịt bầu cổ rụt suối Sim. Ngoài ra, ở huyện Thường Xuân, các xã Luận Khê, Yên Nhân, Xuân Thắng phát triển giống vịt bầu cổ xanh; ở huyện Thạch Thành có giống vịt Trạc Nhật quý hiếm cũng được người dân xã Thành Thọ nỗ lực bảo tồn.

Mô hình chăn nuôi vịt bầu tại các huyện miền núi xứ Thanh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành mô hình sinh kế  bền vững cho người dân địa phương. Hiện nay, ở nhiều xã trong khu vực các huyện miền núi, đang tiếp tục được nhân rộng mô hình nuôi vịt và phát triển thành sản phẩm OCOP, giúp người dân nâng cao thu nhập; đồng thời giới thiệu ẩm thực tiêu biểu của địa phương, góp phần phát triển du lịch. 

Thực hiện Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025” theo Quyết định 4079/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, các địa bàn miền núi xác định vịt bản địa (vịt bầu) là một trong những vật nuôi có lợi thế. Giai đoạn 2022-2025, dự kiến quy mô có khoảng 91.000 con vịt bản địa được nuôi trên địa bàn 11 huyện miền núi, trong đó tập trung tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân...