Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Như Tâm - 06:56, 08/09/2024

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Với lợi thế chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì mục tiêu này là tương đối cao; nhưng từ những thành tựu phát triển đã đạt được và sự đột phá trong tư duy, tỉnh Hậu Giang sẽ hiện thực hóa khát vọng này.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành giới thiệu giống lúa đặc sản tỉnh Hậu Giang tại Triển lãm con đường lúa gạo Việt Nam với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt”
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành giới thiệu giống lúa đặc sản tỉnh Hậu Giang tại Triển lãm con đường lúa gạo Việt Nam với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt”

Trụ đỡ nông nghiệp

Tỉnh Hậu Giang có lợi thế, thuận lợi cơ bản về sản xuất nông nghiệp. Theo Báo cáo số 601-BC/TU, ngày 05/9/2024 của Tỉnh ủy Hậu Giang tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hậu Giang là 162.223ha, thì diện tích đất nông nghiệp đã chiếm 86,53% (tương ứng 140.371ha).

Dân số toàn tỉnh hiện có 728.293 người, trong đó 71,9% sinh sống ở khu vực nông thôn. Cơ cấu khu vực I (nông, lâm, thủy sản) chiếm 21,95% trong cơ cấu GRDP của tỉnh và đóng góp khoảng 12.841 tỷ đồng (theo giá hiện hành).

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, hiện nay, nông nghiệp của tỉnh đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn của tỉnh đã được tăng cường theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị. Tính đến năm 2023, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa trên 80%; 100% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND cấp huyện được nhựa, cứng hóa; hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện; trên 80% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu chủ động.

Tỉnh hiện có trên 130 trạm bơm điện, đảm bảo phục vụ trên 30.000ha đất sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.

“Đặc biệt, các công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang được đầu tư với hơn 100km đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, là điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong kết nối các tỉnh trong vùng và phát triển logistic”, ông Thành cho biết.

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã thông “huyết mạch” để Hậu Giang phát triển kinh tế - xã hội. Sau 20 năm thành lập tỉnh (2004 – 2024), Hậu Giang đã phát triển bứt phá, đạt được những kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất công nghiệp.

Trình diện máy nông nghiệp tại lễ phát động triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đông bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” tại tỉnh Hậu Giang
Trình diễn máy nông nghiệp tại Lễ phát động triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” tại tỉnh Hậu Giang

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, trong 8 tháng năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tính theo giá hiện hành được 48.656,54 tỷ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65,29% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tạo ra giá trị sản xuất được 36.948,44 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,94% trong toàn ngành và tăng 13,28% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong năm 2023, Hậu Giang nổi lên như là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của cả nước, tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 12,27%, tăng 2 bậc so với năm 2022, tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 2 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng 21,34% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long.

“Trong Chương trình số 274-CTr/TU ngày 28/8/2024 về triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu đến năm đến năm 2030, GRDP tăng trưởng bình quân 8,7%/năm, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết.

 Con đường lúa gạo, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất được xác lập kỷ lục Việt Nam tại Hậu Giang vào cuối tháng 12, năm 2023
Con đường lúa gạo, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất được xác lập kỷ lục Việt Nam tại Hậu Giang vào cuối tháng 12, năm 2023

Những đột phá chiến lược

Theo  Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg, ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Hậu Giang phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050 là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Do đó, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ - thương mại.

“Chương trình số 274-CTr/TU ngày 28/8/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%”, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành cho biết thêm.

Để thực hiện mục tiêu này, Hậu Giang sẽ tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo tư duy đột phá “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm nhiệm vụ trọng tâm”. 

Trong đó, một tâm (một trung tâm) là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh; Hai tuyến là phát triển 2 hành lang kinh tế động lực, gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP. Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. 

Ba thành (Ba trung tâm đô thị) là phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, TP. Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. 

Bốn trụ (Bốn trụ cột kinh tế): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Năm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân”.

Ông Nghiêm Xuân Thành( người thứ 2 từ trái qua) tham quan các gian hàng tại Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024
Ông Nghiêm Xuân Thành (người thứ 2 từ trái qua) tham quan các gian hàng tại Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024

Theo Bí thư tỉnh Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, tỉnh sẽ phát triển bền vững trên cả 03 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển. Tỉnh cũng sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển; thương mại dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

“Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất và quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về thực hiện có hiệu quả, toàn diện Quy hoạch thì tỉnh sẽ tăng cường phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến, tạo đồng thuận xã hội, góp phần huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện thắng lợi Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành khẳng định.

Theo Báo cáo số 601-BC/TU, ngày 05/9/2024 của Tỉnh ủy Hậu Giang tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hiện toàn tỉnh đã có 41/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó có 11 xã NTM nâng cao, 05 xã NTM kiểu mẫu; có 03 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn NTM (huyện Châu Thành A, TP. Vị Thanh và TP. Ngã Bảy)


Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.