Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Hello Mu Cang Chai Homestay”

PV - 09:08, 01/08/2019

Là tên gọi Homestay của chị Vàng Thị Ly (1992), dân tộc Mông ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Mô hình này không chỉ làm thay đổi cuộc sống gia đình chị mà còn giới thiệu những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc Mông ở Yên Bái.

Du khách đến “Hello Mu Cang Chai Homestay” sẽ được trải nghiệm phong cảnh đẹp của vùng cao Yên Bái. Du khách đến “Hello Mu Cang Chai Homestay” sẽ được trải nghiệm phong cảnh đẹp của vùng cao Yên Bái.

Tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh-Trường Cao đẳng Kinh tế Thái Nguyên năm 2014, sau khi ra trường, chị Vàng Thị Ly về quê lấy chồng sinh con, sau đó đi làm thuê cho một vài cửa hàng nhỏ lẻ ở địa phương. Với sự nhanh nhạy, thông minh, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng từ ruộng bậc thang, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc..., năm 2016 chị Ly và chồng bắt đầu lên kế hoạch cho việc mở dịch vụ Homestay.

Đầu năm 2016, chị Ly và chồng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách và vay người thân, bạn bè số tiền hơn 700 triệu đồng để đầu tư mua đất xây dựng khu nhà nghỉ cộng đồng theo hướng truyền thống của dân tộc Mông. Khu nhà nghỉ được thiết kế nằm trên một quả đồi thoáng mát với 5 phòng nghỉ, cùng đầy đủ công trình phụ sạch sẽ, du khách có thể ngắm những thửa ruộng bậc thang trải dài, quyến rũ.

Sau hai năm xây dựng, “Hello Mu Cang Chai Homestay” của chị Ly đã hoàn thiện và bắt đầu đón khách du lịch từ đầu năm 2018. Trung bình mỗi tháng, “Hello Mu Cang Chai Homestay” đón tiếp trên 150 khách, cao điểm lên đến 170 khách. Thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng. Ngày thường cũng như ngày lễ, “Hello Mu Cang Chai Homestay” thường xuyên kín phòng. Năm đầu tiên, Homestay đón trên 1.500 lượt khách và 6 tháng đầu năm 2019 đã đón trên 1.000 lượt khách.

Điều tạo nên sức hút với khách du lịch, đặc biệt đối với khách du lịch nước ngoài khi đến với “Hello Mu Cang Chai Homestay” đó chính là các dịch vụ tour du lịch gắn với nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày của người Mông nơi đây. Điển hình như: Du khách được trải nghiệm cùng bà con đi làm ruộng, đi bắt cá suối, nấu những món ăn dân tộc, cùng bà con giã bánh giầy, thêu váy dân tộc, tập thổi khèn, cùng tập hát những ca khúc giao duyên truyền thống,…

“Khách du lịch đến nhà tôi chiếm đến 80% là khách nước ngoài. Khi đến đây, họ thường hỏi tôi rằng, họ sẽ được trải nghiệm những gì? Và đa số họ đều có mong muốn được tham gia sinh hoạt hằng ngày với bà con. Đây chính là điểm hấp dẫn du khách khi đến với La Pán Tẩn”, chị Ly cho biết.

Chị A Lissa, một trong những vị khách du lịch đến từ nước Anh cho biết: Khó có thể hình dung được những trải nghiệm thực tế với người dân nơi đây. Thực sự rất thú vị. Tôi được bà con dạy cách cấy lúa, làm ruộng, được học cách thêu váy, được học cách nấu món ăn dân tộc,… Tôi nghĩ rằng, đây chính là cách làm du lịch cộng đồng hiệu quả nhất mà các bạn Việt Nam nên phát huy. Cách làm này không những khuyến khích, mở rộng được sự tham gia của nhiều người để làm du lịch mà còn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các bạn ở từng vùng miền, từng dân tộc. Từ đó gắn kết giữa người dân địa phương với khách du lịch như chúng tôi.

Với ý tưởng sáng tạo cùng sự nỗ lực, chị Vàng Thị Ly đã gây dựng thành công dịch vụ du lịch Homestay mang đậm văn hóa truyền thông dân tộc. Hiện, với 11 tour du lịch khám phá, trải nghiệm gắn kết các hoạt sinh hoạt, văn hóa của đồng bào, Homestay của chị đã thu về từ 200-300 triệu đồng/năm.

Chị Hảng Thị Dê (30 tuổi), người dân trong xã La Pán Tẩn chia sẻ: Trước nay, người phụ nữ dân tộc Mông thường chỉ gắn liền với bếp núc, ruộng nương, ít có tiếng nói trong gia đình. Chính vì vậy, thấy chị Ly mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm và đã thành công, tôi và nhiều phụ nữ khác rất nể phục. Được chị Ly chia sẻ, giúp đỡ, nay tôi đã cùng với chồng bàn bạc và thực hiện những công việc quan trọng trong gia đình, chồng tôi đã cùng tôi chăm sóc con cái, tập trung cho con học hành để có tương lai tốt hơn…

HOÀI DƯƠNG